Đến lượt Long An

01/12/2011 09:16

Sau Bình Dương, Đồng Nai, giờ đến lượt đất Long An lên cơn sốt. Và bài học bao nhiêu người kẹt vốn vào đất nền trước đó vẫn cần được nhắc lại

Đến lượt Long An

Sau Bình Dương, Đồng Nai, giờ đến lượt đất Long An lên cơn sốt. Và bài học bao nhiêu người kẹt vốn vào đất nền trước đó vẫn cần được nhắc lại. 

Dự án Long Hội City

Hơn 600 khách hàng tham gia giao dịch. 160 trong số gần 200 nền đã được đặt mua trong ngày mở bán dự án Long Hội City (Bến Lức, Long An) vào ngày 29/10/2011. Đó là những thông tin được đưa ra bởi Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức, đồng chủ đầu tư dự án trên. Tiếp đó, ngày 12/11, một dự án khác ở Long An cũng đã được mở bán rầm rộ tại TP.HCM là Làng Sinh thái Du lịch Eco Village. Theo Công ty Phúc Khang, chủ đầu tư dự án này, trên 300 nền đã được giao dịch thành công với giá từ 3-5,2 triệu đồng/m2.

Trên thực tế, không chỉ 2 dự án trên, kể từ năm 2010, thị trường Long An đã trở nên khá nhộn nhịp với hàng loạt dự án quy mô lớn như Nam Long - Vàm Cỏ Đông 355 ha, Khu Dân cư Long Hậu, Everluck Residence. Nổi bật nhất trong số đó là Khu Phức hợp Giải trí Happy Land (Bến Lức) của Tập đoàn Khang Thông. Chỉ riêng giai đoạn 1, tổng giá trị đầu tư đã lên đến 2 tỉ USD. Dự án này cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư thứ cấp trong nước và nước ngoài, khi tháng 9 vừa qua, đã có 7 nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án này. Trong đó, ông Peter Eliades, một tỉ phú người Mỹ, đã ký hợp đồng với Công ty Phú An (công ty thành viên của Khang Thông) để đầu tư xây dựng 10.000 căn hộ. Giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng ước tính có thể lên đến vài trăm triệu USD.

Chỉ 3 triệu đồng/m2!

Theo đánh giá của một chuyên gia bất động sản (không muốn nêu tên), thị trường bất động sản Long An nóng lên thời gian qua là do cơ sở hạ tầng Long An được kết nối khá tốt với TP.HCM và các tỉnh khác. Đó là nhờ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đại lộ Đông Tây được đưa vào sử dụng, các đường vành đai 1, 2, 3 kết nối Long An với TP.HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ được quy hoạch và triển khai.

Còn ông Vũ Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu Tư vấn Bất động sản VietRees, thì cho rằng giá đất còn khá rẻ là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM chuyển hướng đầu tư về đây. “Nhà đầu tư vẫn chuộng mua đất nền, trong khi quỹ đất ở TP.HCM lại hạn hẹp; Bình Dương và Đồng Nai cũng đã phát triển từ trước đó và không còn nhiều đất. Vì thế, nhiều chủ đầu tư tìm về Long An để làm dự án”, ông nói.

Mặt bằng giá đất tại Long An vẫn đang ở mức thấp nếu so với các khu vực khác có cùng khoảng cách đến TP.HCM. Chẳng hạn, thị xã Dĩ An (Bình Dương) cũng giáp TP.HCM nhưng có giá đất khoảng 6 triệu đồng/m2, trong khi Bến Lức chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2. Thậm chí, một số khu vực của Long An ở gần TP.HCM vẫn còn tính giá đất theo chiều ngang chứ chưa áp dụng cách tính mét vuông. Giá mỗi mét ngang chỉ từ 70-120 triệu đồng/m2.

Không phải dự án nào cũng có khả năng sinh lợi

Với mật độ dân số Long An hiện nay (320 người/km2), nhu cầu về đất ở của người dân rõ ràng không lớn. Con số này ở Đồng Nai là 421 người/km2, Bình Dương là 549 người/km2. Do đó, những dự án đang phát triển tại Long An đa phần kỳ vọng vào sự dịch chuyển một bộ phận dân cư đến từ TP.HCM trong tương lai. Điều này nói lên rằng, không phải dự án dân cư nào ở Long An cũng mang lại khả năng sinh lợi cho nhà đầu tư, vì còn phụ thuộc rất lớn vào vị trí của dự án cũng như tính kết nối hạ tầng để có thể thu hút người đến ở.

Trong khi đó, mặc dù tính kết nối hạ tầng giữa Long An với TP.HCM và các tỉnh khác đã tăng lên, nhưng không phải dự án nào cũng có thể hưởng lợi từ sự kết nối đó. Và đôi khi đó chỉ là những chiêu quảng cáo của chủ đầu tư. Ví dụ, để quảng cáo cho dự án Eco Village, chủ đầu tư cũng rao hàng loạt tiện ích hạ tầng như “các dự án nâng cấp tỉnh lộ, đường xuyên tâm được quy hoạch và triển khai đã rút ngắn khoảng cách từ Long An đến TP.HCM. Sau khi tỉnh lộ 10 hoàn thành vào năm 2012, khoảng cách từ thị trấn Đức Hòa đến trung tâm TP.HCM sẽ còn khoảng 30 phút”. Trong khi đó, hầu hết những con đường này vẫn còn nằm trên giấy, thậm chí mới chỉ là ý tưởng quy hoạch.

Mặt khác, phần lớn các dự án đang được chào bán trên thị trường Long An đều mới ở giai đoạn san lấp và giải phóng mặt bằng. Vì thế, ngoài việc quan tâm đến vị trí dự án, tính kết nối hạ tầng, những người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng như nhà đầu tư nên thu thập đầy đủ thông tin về năng lực của chủ đầu tư, tiến độ xây dựng cụ thể của dự án, đặc biệt là vấn đề pháp lý trước khi quyết định bỏ vốn.

“Đất Long An còn rẻ là do hầu hết các dự án đều đang thuộc diện đất trồng cây lâu năm chưa có sổ đỏ. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vì thế, trước khi rót vốn vào một dự án nào đó, nhà đầu tư phải biết chắc chắn rằng mình sẽ có được sổ đỏ khi đã trả tiền”, giám đốc một sàn giao dịch ở TP.HCM (không muốn nêu tên) nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến lượt Long An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO