Đầu tư bất động sản như anh em nhà Scott

THÀNH VIỆT/DNSGCT| 01/11/2016 01:23

18 tuổi, 2 anh em song sinh Drew Scott và Jonathan Scott đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên trong đời: mua lại một ngôi nhà gần khu vực các trường đại học ở Canada với giá 200.000 USD dù trong tay họ chỉ có 250 USD.

Đầu tư bất động sản như anh em nhà Scott

Mười tám tuổi, hai anh em song sinh Drew Scott và Jonathan Scott cùng đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên trong cuộc đời: mua lại một ngôi nhà gần khu vực các trường đại học ở Canada với giá 200.000 USD dù trong tay họ khi ấy chỉ có 250 USD. Một năm sau, họ bán lại ngôi nhà với giá 250.000 USD.

Đọc E-paper

Từ đây, Drew Scott và Jonathan Scott tiếp tục con đường thành công của mình qua các vai trò khác nhau như diễn viên, doanh nhân, tác giả sách và đặc biệt nổi tiếng khi trở thành nhà sản xuất chương trình truyền hình Property Brothers, chương trình chuyên chia sẻ về những kinh nghiệm đầu tư bất động sản.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Forbes, Drew Scott và Jonathan Scott đã nhớ về bài học đầu tư quan trọng nhất mà họ học được từ “phi vụ” đầu tiên: “Thứ giá trị nhất với chúng tôi ở thời điểm đó, không phải là số tiền 50 ngàn đô kiếm được, mà là hai bài học đắt giá về đầu tư đã theo chúng tôi mãi đến sau này”.

Đầu tư bất động sản không có nghĩa là phải chờ đợi

Chúng ta không nhất thiết phải đợi nhiều năm, khi giá trị bất động sản tăng lên qua thời gian, thì mới có thể thu lợi nhuận. Giữ mọi thứ sạch sẽ và sửa chữa những “điểm” chưa hoàn hảo, chúng ta đã có thể tự tạo ra giá trị gia tăng cho một ngôi nhà trong mắt khách hàng.

Bạn có thể nhận thêm được hơn 20 ngàn đô với một căn nhà gọn gàng và sạch sẽ. Hãy đóng gói tất cả mọi thứ linh tinh, nhất là những đồ dùng cá nhân của bạn. Chỉ giữ lại những gì cần thiết và làm sạch toàn bộ ngôi nhà. Hãy đảm bảo bạn đang tạo ra một căn nhà thật trống, thật mới, như một tờ giấy trắng để người mua nhà có thể thỏa thích vẽ nên những viễn cảnh họ mong đợi ở đó.

Những điều nhỏ nhặt như mùi hương, những vết bẩn trên tay nắm cửa, những mảng tường phai màu hay thậm chí là những vật dụng cá nhân như tủ lạnh, máy lạnh… đều phải được đảm bảo sạch sẽ và trong tình trạng tốt nhất. Chúng ta có thể dễ dãi với những sai sót này ở ngôi nhà của mình, nhưng khách hàng sẽ không dễ dãi với tổ ấm tương lai của họ.

Khi khách hàng đang xem xét ngôi nhà, họ càng thiếu hào hứng và càng “chắt lưỡi” bao nhiêu thì cơ hội để họ trả giá tốt sẽ càng giảm bấy nhiêu.

Bước tiếp theo, sau khi chúng ta đã có một ngôi nhà “sạch”, hãy sửa chữa ngay những điểm chưa hoàn hảo của ngôi nhà.

Lập ra một danh sách những thứ cần phải sửa chữa và bắt tay vào sửa ngay hoặc thuê một chuyên gia thực hiện việc đó. Những chi tiết như đường ống dẫn nước, hệ thống dây điện, sàn nhà, nhà vệ sinh là những thứ thường xuyên gặp phải sự cố và gây ra sự bất đồng giữa người mua và người bán. Đảm bảo mọi thứ phải trong tình trạng tốt nhất, thậm chí là cung cấp cả số điện thoại và những hướng dẫn chi tiết về kết cấu của chúng cho người mua, cũng khiến ngôi nhà của chúng ta được đánh giá cao.

Tuy nhiên, chúng ta không nên cải tạo một ngôi nhà quá mức cần thiết. Càng thêm nhiều chi tiết chủ quan, ngôi nhà đó sẽ càng khó bán. Những công việc như mua sắm nội thất, trồng và cải tạo cây xanh, ngoại cảnh… cần một sự đầu tư tiền bạc lẫn thời gian không hề nhỏ. Điều này có thể làm thâm hụt ngân quỹ của chúng ta.

Hãy tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, tìm hiểu những gì họ muốn và những gì họ khao khát, sau đó chỉ tập trung sửa chữa những điểm này, ngôi nhà sẽ trở nên hoàn hảo trong mắt họ.

Tiết kiệm và có kế hoạch thật chi tiết

Hãy luôn tiết kiệm, dù chúng ta có vừa mua tháp Eiffel thì cũng nên cân nhắc nghiêm túc xem việc mua một chiếc khăn trải bàn có phải là điều cần thiết hay không. Vì trong tất cả các cách thức đầu tư, đặc biệt là đầu tư bất động sản, chúng ta rất dễ bị tác động bởi hiệu ứng tâm lý Diderot (được đặt tên theo triết gia người Pháp, Denis Diderot).

Hiệu ứng này được rút ra từ câu chuyện của chính Denis Diderot. Ở tuổi 51, Diderot sống khá nghèo khổ cho đến khi nữ hoàng Catherine của nước Nga mua lại thư viện nghiên cứu của ông với giá 1.000 bảng Anh (tương đương khoảng 50.000 USD ở thời điểm hiện tại). Denis Diderot sau đó mua một chiếc áo choàng màu đỏ thật đẹp, nhưng ông nhận ra rằng nó trông thật lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà, vì vậy ông mua sắm thêm bộ ghế da, chiếc gương mới, làm lại cửa… Cuối cùng, khi nhìn lại, ông nhận ra mình đã tiêu sạch khoản tiền cho những thứ không có nhiều ý nghĩa.

Hiệu ứng Diderot nói về việc khi chúng ta sở hữu một món đồ mới, có giá trị lớn, chúng ta sẽ có xu hướng xem nhẹ giá trị của những thứ khác. Điều này thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta bắt đầu tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần. Kết quả là chúng ta tiêu xài toàn bộ những gì mình có và đôi khi còn “ngập” trong nợ nần.

Vì vậy, Drew Scott và Jonathan Scott khuyên nhà đầu tư bất động sản nên tôn trọng “kỷ luật mua sắm”, lên kế hoạch chi tiết những điều cần làm, những thứ cần mua sắm trước khi tiến hành đầu tư, mua nhà hay mua đất. Thậm chí, cặp song sinh này còn có một bảng theo dõi giá cả những sản phẩm, những dịch vụ thường có mức giá tốt, hay được giảm giá theo từng thời điểm cụ thể trong năm.

>Khi nào nên thuê nhà?

>6 điều cần cân nhắc trước khi mua nhà

>4 "chiêu" tăng giá trị cho căn nhà cần bán

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư bất động sản như anh em nhà Scott
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO