Chặt chứ không siết

QUỲNH CHI| 27/08/2009 05:10

Dù có nhiều đồn đoán về khả năng NH siết tín dụng BĐS nhưng trên thực tế, các NH đều cho biết, vẫn ưu tiên cho người có nhu cầu về nhà ở.

Chặt chứ không siết

Ngày 14/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 18/2009/TT-NHNN quy định chi tiết việc cho vay của các ngân hàng thương mại đối với người có thu nhập thấp mua, thuê nhà ở, đã mở đường cho các ngân hàng (NH), công ty bất động sản (BĐS) triển khai nhiều sản phẩm dưới hình thức cho vay tiêu dùng cá nhân. Động thái này làm thị trường BĐS ấm lên...

Dư nợ tín dụng tăng 

Dù có nhiều đồn đoán về khả năng NH siết tín dụng BĐS nhưng trên thực tế, các NH đều cho biết, chỉ hạn chế cho vay để đầu cơ BĐS, chứ vẫn ưu tiên cho người có nhu cầu về nhà ở. Theo NHNN, dư nợ cho vay BĐS của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng qua từng tháng. Ví dụ tháng 5, dư nợ cho vay BĐS tăng 9% (đạt 151.000 tỷ đồng), tháng 6 tăng 10,48% so với đầu năm.

Khách hàng đang xem mô hình dự án căn hộ cao cấp Sunrise City, quận 7, TP.HCM - Ảnh: Quý Hòa

Một số NH thương mại cổ phần cho biết, từ đầu tháng 7/2009 đến nay các khoản cho vay tín dụng, kể cả sản xuất - kinh doanh đều có xu hướng chựng lại nên NH phải duy trì cho vay mua BĐS để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận nhưng chặt chẽ hơn để đảm bảo thanh khoản an toàn.

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết: ACB vẫn cho vay đối với người có nhu cầu nhà ở thật sự nếu thỏa mãn được hai yếu tố là nguồn trả nợ ổn định và chấp nhận lãi suất thỏa thuận. Hiện ACB chỉ tài trợ dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, không cho vay để phát triển dự án. Theo tính toán, hiện nay dư nợ cho vay mua nhà của NH Hàng Hải (Maritime Bank) chiếm khoảng 38% dư nợ trung dài hạn trong khối khách hàng cá nhân.

Một lãnh đạo của Eximbank cho biết, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay mua nhà tại NH tăng 14% so với đầu năm. Còn theo công bố của NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện dư nợ cho vay để mua nhà ở mức 10-12% trên tổng dư nợ, tài trợ dự án là 4-5%. Còn NH Việt Á cho vay mua các căn hộ có giá 1 tỷ đồng trở xuống, thời hạn vay trên dưới 10 năm.

Vẫn rộng cửa cho người có thu nhập thấp

Các NH vẫn mạnh dạn tung ra nhiều chương trình ưu đãi đối với tín dụng BĐS. Trong tháng 7/2009, hàng loạt NH như Incombank, Bảo Việt, Gia Định, ACB... ký hợp đồng tài trợ vay vốn 1.200 tỷ đồng cho dự án trung tâm mua sắm Hồ Bán Nguyệt - Crescent Mall của Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng.

Vietcombank cũng ký kết tài trợ 950 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Him Lam để triển khai dự án Him Lam - Tân Hưng ở quận 7, TP.HCM, với hơn 800 căn hộ. Maritime Bank đã ký thỏa thuận hợp tác với chủ đầu tư dự án Công ty TNHH Hanotex cho vay tới 90% giá trị căn hộ khi mua nhà tại tòa tháp B dự án Sky City Tower (Láng Hạ, Hà Nội). Hạn mức cho vay cao nhất có thể lên tới 2 tỷ đồng trong 15 năm.

ABBank cũng nâng mức cho vay đối với người mua nhà từ 70% lên 90% nhu cầu vay vốn, gia hạn trả nợ gốc tối đa tới 36 tháng với lãi suất cho vay 1%/tháng. Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) đang có chương trình bốc thăm trúng thưởng dành cho khách hàng mua nhà từ 15/5 - 15/10/2009, trị giá giải thưởng lên đến 740 triệu đồng.

Hầu hết các NH đều nhắm đến đối tượng là cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) có thu nhập ổn định. Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank cho biết: Nếu người vay có thu nhập ổn định 8 triệu đồng là có thể vay được 300 triệu đồng trong vòng 10 năm, phù hợp với nhiều gia đình là CB-CNV. Số tiền trả góp hằng tháng của năm đầu thường khá cao nhưng các năm tiếp theo sẽ giảm nhiều, vì các NH đều áp dụng phương thức tính lãi theo dư nợ giảm dần.

Tuy nhiên, dù bơm vốn khá mạnh vào thị trường BĐS nhưng điều đó không có nghĩa các NH sẽ cho vay dễ dãi. Nhiều NH cho biết họ có thể sẽ sử dụng các giải pháp kỹ thuật để từ chối các khoản vay mua BĐS mới, tập trung giải quyết các hồ sơ mà NH đã cam kết tài trợ khách hàng trong những tháng đầu năm. Điều này sẽ giúp NH hạn chế được dư nợ xấu trong những tháng cuối năm cũng như không để hiện tượng “bong bóng bất động sản” tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chặt chứ không siết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO