Bất động sản đã lên “con tàu mới”

HẢI VÂN| 16/04/2013 03:42

Thị trường bất động sản còn khó khăn, nhưng ông Trần Như Trung – Phó Giám đốc Savills Việt Nam, tin rằng: “Đã có những tín hiệu tích cực, dù chưa thể nổi lên các chỉ số tốt, những con số dương, tăng trưởng về giá thuê hay tỷ lệ thuê”.

Bất động sản đã lên “con tàu mới”

Thị trường bất động sản còn khó khăn, nhưng ông Trần Như Trung – Phó Giám đốc Savills Việt Nam, tin rằng: “Đã có những tín hiệu tích cực, dù chưa thể nổi lên các chỉ số tốt, những con số dương, tăng trưởng về giá thuê hay tỷ lệ thuê”.

Căn cứ trên cảm nhận khi trực tiếp đứng ra giới thiệu, bán sản phẩm, ông Trung cho hay: “Hai quý trở lại đây, chúng tôi rất bận khi nhận được nhiều yêu cầu thực hiện, phân tích nghiên cứu, tư vấn”.

Ông Trung tin rằng, “một “con tàu mới” đang hình thành và không liên quan gì đến những tồn tại cũ. Nhưng ông Trung cũng thành thực nói: “Nó không hoành tráng như “con tàu trước”, cũng chưa có nhiều người lên tàu”.

Thị trường bất động sản của Việt Nam được ông ví như “một con tàu cũ”. Hai năm qua, nó không đáp ứng được kỳ vọng và đã dừng lại ở đâu đó.

Cảnh báo từ thị trường bán lẻ

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam - cho biết, tổng cung đạt khoảng 763.200 m2, tăng 1% theo quý và tăng 16% theo năm.

Trong quý 1/2013 thị trường có 7 dự án mới, trong đó có 2 trung tâm mua sắm, 2 siêu thị và 3 siêu thị điện tử, dù có 2 dự án đóng cửa. Công suất thuê trung bình đạt khoảng 89%, không đổi so với quý trước.

Giá thuê trung bình của toàn thị trường vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm. Mức giá bình quân của toàn thị trường giảm -3,3% so với quý trước.

Lý do chính của xu hướng giảm này, bà Hằng nói, là do các dự án mới khác chào thuê với giá khá thấp. Bên canh đó, các dự án đang hoạt động cũng chào giá thuê mềm hơn để lấp đầy các diện tích cho thuê còn trống.

Số lượng các cửa hàng bán lẻ mô hình hiện đại tăng 25% so với năm 2010, đạt khoảng 970 cửa hàng tại 36 thành phố của Việt Nam. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh và tiềm năng của loại hình bán lẻ này trong tương lai.

Savills dự báo, đến năm 2015, khoảng 1,6 triệu m2 từ 69 dự án bán lẻ được dự đoán gia nhập thị trường.

Vincom Mega Mall Royal City dự kiến sẽ khai trương vào tháng 7/2013 và trở thành trung tâm mua săm lớn nhất Việt Nam. Nhiều dự án như Splendora, Hồ Gươm Plaza và 25 Lý Thường Kiệt đã chào hàng cho một số khách thuê trước khi chính thức khai trương.

Tuy nhiên, bà Hằng nói: “Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng bắt đầu sụt giảm trong năm 2012, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2013. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bán lẻ”.

Giá giảm, vẫn ít người mua

Ở phân khúc căn hộ để bán, do thị trường trầm lắng, một số chủ đầu tư đã ngừng bán và thay đổi đại lý bán hàng với hi vọng cải thiện tình hình, song theo Savills, vẫn có khoảng 940 căn từ 3 dự án tại các quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng gia nhập thị trường quý này.

Tổng nguồn cung sơ cấp đạt 10.970 căn từ 52 dự án, tăng 1% so với quý trước. Cầu Giấy, Từ Liêm và Hà Đông vẫn là nguồn cung chính của thị trường thứ cấp, chiếm khoảng 51% thị phần. Tuy nhiên, khoảng cách giá chào bán sơ cấp khá lớn, dao động từ 10 triệu VNĐ/ m2 đến 94 triệu VNĐ/ m2.

Giá chào bán thứ cấp trung bình giảm ở hầu hết các quận do thanh khoản thấp trong nửa cuối năm 2012. Tuy nhiên, sau khi đã giảm trong cả năm 2012, tốc độ giảm giá bán thứ cấp đã chậm lại với mức giảm lớn nhất chỉ ở mức -5%.

Trong tương lai, theo Savills, tổng nguồn cung tương lai đạt xấp xỉ 64.400 căn từ 108 dự án. Hai quận phía Tây bao gồm Hà Đông và Từ Liêm là nguồn cung chính, cung cấp khoảng 31.000 căn, chiếm 48% tổng nguồn cung tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản đã lên “con tàu mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO