Khu Đông: Điểm nhấn về cung cầu nhà ở
Jones Lang Lasalle (JLL) - đơn vị tư vấn thành công thương vụ hợp tác giữa Hong Kong Land (HKL) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho rằng, năm 2017 là năm sôi động về việc mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Thủ Thiêm - khu đô thị mới của TP.HCM đã chứng kiến một số thương vụ lớn, có thể kể đến như liên doanh giữa HKL và CII.
Sau một thời gian thương thảo, ngày 12/12/2017, hai đơn vị này đã ký hợp đồng hợp tác phát triển Thủ Thiêm River Park trong năm 2018. Không chỉ HKL và CII, phía Phuc Khang Corp. cho biết, năm 2018 Công ty sẽ triển khai xây dựng nhà ở tại khu đô thị Thủ Thiêm. Keppel Land Việt Nam (Singapore) cũng có kế hoạch phát triển khu nhà ở tại Rạch Chiếc bên cạnh Palm City.
Một doanh nghiệp khác là Đất Xanh Group (DXG) lại đặt nhiều kỳ vọng vào Gem Riverside tọa lạc tại nam Rạch Chiếc. Ông Vũ Quốc Việt Nam - Giám đốc Marketing Đất Xanh Group chia sẻ, đây là một trong những khu nhà trọng điểm mà công ty đầu tư, với quy mô 12 block căn hộ hạng B, cung ứng hơn 3.000 sản phẩm.
Theo ông Nam, sau khi hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự kiến đến quý IV/2018, Công ty sẽ bán hàng. Theo đại diện Đất Xanh, năm 2018 sẽ có nhiều chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở khu Đông nên đây sẽ là khu vực cạnh tranh cao trong tổng thể thị trường nhà ở TP.HCM.
Dự báo về thị trường căn hộ tại TP.HCM năm 2018, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Việt Nam cho rằng, khu Đông có vai trò dẫn dắt thị trường một phần do căn hộ hạng B chiếm tỷ trọng lớn (căn hộ hạng B và C luôn đạt tỷ lệ hấp thụ tốt) và phần nữa là do tác động từ hạ tầng.
Theo đó, năm 2018, nhiều công trình giao thông kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm thành phố và giải tỏa ùn tắc giao thông sẽ được đưa vào khai thác như giai đoạn 1 hầm chui, vòng xoay nút giao Mỹ Thủy, tuyến song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Thủ Thiêm 2, cầu nối từ đại lộ Mai Chí Thọ qua đảo Kim Cương, đường Nguyễn Thị Định.
Khi được hỏi khu vực nào trên địa bàn TP.HCM tạo điểm nhấn về cung cầu nhà ở năm 2018, bà Trang Bùi - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, tiềm năng phát triển nhờ cơ sở hạ tầng biến khu Đông với quận 2, quận 9 trở thành nơi đáng lưu ý.
Khu Tây: Có duy trì yếu tố bất ngờ?
Dù khu Đông trong nhiều năm giữ vai trò dẫn dắt thị trường nhà ở nhưng năm 2017, các quận phía tây TP.HCM mới thực sự là yếu tố tạo bất ngờ. Ông Nguyễn Hoàng - DKRA Việt Nam chia sẻ, cuối năm 2017, khi khảo sát thị trường căn hộ, DKRA Việt Nam đã phải thực hiện đến 2 lần vì một số khu vực ở phía tây "bỗng dưng" có lượng cung cầu vượt quận 2, quận 9.
Xét theo khu vực, trong khi năm 2016, khu Đông dẫn đầu nguồn cung căn hộ với 35% thị phần (khu Tây đứng thứ hai với 22%) thì đến năm 2017 thứ tự bị đảo ngược, khu Tây chiếm 43% nguồn cung căn hộ trên địa bàn TP.HCM (17.627 căn/41.388 căn), bỏ xa khu Đông với 24% thị phần. Đóng góp lớn nhất cho nguồn cung của khu Tây có quận 8 (tây nam thành phố) với sự xuất hiện của những nhà phát triển bất động sản Vạn Thái Land, Tecco. Cùng với nguồn cung chiếm ưu thế, năm rồi quận 8 dẫn đầu về tiêu thụ căn hộ vốn thuộc về quận 2, quận 7.
Một trong những yếu tố tác động đến vị thế của khu Tây năm qua có thể kể đến là do hạ tầng. Cụ thể như việc thông xe cầu Nhị Thiên Đường 1, thông xe các nhánh cầu N1, N3 và N2, cũng như việc thông xe 2 nhánh cầu vượt Nguyễn Văn Cừ.
Năm 2018, thị trường căn hộ tại TP.HCM được các công ty nghiên cứu, tư vấn bất động sản dự báo cung lẫn cầu có thể nhỉnh hơn năm 2017, trong đó căn hộ hạng B và C chiếm tỷ trọng lớn mà khu vực phía tây là nơi cung ứng chủ yếu loại hình sản phẩm này.
Một số chủ đầu tư như Vietcomreal, Nam Long cho biết, trong năm nay sẽ triển khai xây dựng một số chung cư liền kề với đại lộ Võ Văn Kiệt. Hơn nữa, việc xây dựng cầu Phú Định cũng là thông tin tích cực cho các chủ đầu tư đưa nhà ở ra thị trường, đóng góp vào vị thế mới của khu vực phía tây TP.HCM.