Các nhà bán lẻ xoay trở trong điều kiện kinh doanh mới để đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất |
Tăng dự trữ hàng và hoàn chỉnh kênh đặt hàng trực tuyến
Ngày 27/7, hệ thống bán lẻ bao gồm nhiều siêu thị đều khẳng định không thiếu hàng hóa thiết yếu và đang tăng lượng hàng dự trữ. Chẳng hạn hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Foods có đủ lượng hàng hóa thiết yếu trong vòng 6 tháng tới, còn hệ thống Aeon Việt đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên 5-6 lần, riêng thực phẩm tươi sống được bổ sung mỗi ngày.
Trong thời gian qua, lượng đơn đặt hàng trực tuyến của các siêu thị đang tăng mạnh. Số liệu từ Aeon Việt Nam cho thấy, từ ngày 7 - 26/7, đơn đặt hàng trực tuyến tăng cao đột biến, chỉ riêng kênh bán hàng qua điện thoại, số lượng đơn đặt hàng mới phát sinh mỗi ngày tại Aeon Tân Phú tăng 500% so với trước. Tương tự, lượng đơn đặt hàng online tại MM Mega Market cũng tăng dần đều, chủ yếu là thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm.
Ông Bruno Jousselin - Tổng giám đốc MM Mega Market Việt Nam cho biết, mua hàng online đang phát triển mạnh và là lựa chọn an toàn cho khách hàng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, siêu thị phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong tiến trình đặt hàng trực tuyến và làm việc chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển để cập nhật tình trạng đơn hàng với khách hàng.
Các hệ thống siêu thị đều đang tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu |
Cũng có lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng mạnh, từ đầu năm đến nay, Saigon Co.op đã đầu tư hoàn chỉnh việc bán hàng online, hotline, khuyến khích khách hàng đặt hàng qua điện thoại, app, tổng đài và các ứng dụng của đối tác.
Tính toán lại khả năng nhận đơn đặt hàng trực tuyến do khó tìm shipper
Đã có nhiều phương án tăng nguồn cung, bán hàng online để kịp thời phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày cho người dân TP.HCM, nhưng trong bối cảnh hiện tại, các hệ thống bán lẻ đang vướng ở khâu giao hàng. Theo ông Bùi Trung Chính - Giám đốc thu mua thực phẩm của hệ thống Aeon khu vực phía Nam cho biết trong hai ngày qua, Aeon khó tìm shipper vì nhiều shipper tắt ứng dụng, hạn chế nhận đơn do việc di chuyển phải qua nhiều chốt kiểm soát trong TP. Với quyết định mới nhất của UBND TP là mỗi shipper chỉ được giao hàng trong phạm vi 1 quận, huyện và TP.Thủ Đức thì các siêu thị lại càng khó tìm shipper hơn nữa.
Không chỉ vậy, đại diện một số siêu thị còn cho biết, việc kiểm tra giấy tờ đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào TP chưa được triển khai đồng bộ tại các chốt kiểm soát, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng đến siêu thị. Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử đăng ký “luồng xanh” thường xuyên quá tải, khiến nhiều nhà cung cấp không thể đăng ký để được cấp phép lưu thông.
“Tất cả những vấn đề này cũng khiến cho việc giao hàng bị chậm trễ. Đã vậy, do thời gian phục vụ bị giảm hơn 1/3 so với trước, vì thế, lượng hàng cung ứng của các siêu thị cũng sẽ phải cân đối lại cho phù hợp thực tế”, đại diện một nhà bán lẻ nói.
Riêng hệ thống GO!, Topsmarket, Big C tạm thời ngưng nhận đơn hàng online mới để giải quyết những đơn hàng cũ.
Nhân viên các siêu thị đi chợ giùm những khách hàng đặt hàng trực tuyến |
Xoay trở để bán hàng
Để giải quyết những khó khăn đang gặp phải, mỗi siêu thị đang tìm cách cách riêng để đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong cuộc họp với Sở Công Thương ngày 26/7, Aeon Việt Nam cho biết sẽ triển khai ít nhất 8 điểm bán hàng lưu động tại TP.HCM trong ngày 27/7. Trong đó, siêu thị Aeon Tân Phú phối hợp với UBND quận tổ chức 6 điểm bán lưu động trên địa bàn, còn Aeon Bình Tân sẽ triển khai 2-3 điểm trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, Aeon Việt Nam đang cân nhắc việc phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, phường, Hội phụ nữ… tại địa phương triển khai thêm hình thức cho người dân đặt hàng trước. Sau khi nhận đơn hàng, Aeon sẽ giao cho đại diện chính quyền tại mỗi khu vực dân cư để phân bổ cho người dân. Phương cách này vừa giúp siêu thị đáp ứng thêm nhiều hơn nữa nhu cầu của người dân, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm khi người dân phải đi mua trực tiếp.
Cũng đẩy mạnh phương thức bán hàng đặt trước, hệ thống siêu thị Satramart, Satrafoods…đã có đến vài trăm đơn hàng mỗi ngày giao cho khách. Trong khi đó, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food triển khai phát phiếu mua hàng theo ngày chẵn - lẻ cho dân cư trong địa bàn, giải quyết đơn hàng online để có phương án đưa hàng hóa đến tay người dùng tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết đang tính toán phương án để vừa có thể đảm bảo nguồn hàng hoá cung cấp đến từng điểm bán trong khung thời gian cho phép vừa có thể phục vụ đầy đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân trong hoàn cảnh mới.
Theo công văn khẩn 2491 của UBND TP.HCM ban hành ngày 26/7, shipper vận chuyển hàng thiết yếu nếu bảo đảm các biện pháp phòng dịch sẽ được hoạt động, nhưng mỗi shipper chỉ được di chuyển trên địa bàn 1 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Ngoài các yêu cầu như đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy chứng nhận thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng... mỗi shipper phải mang bảng tên bằng thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty, cùng mã nhận diện QR Code. Đồng thời, shipper phải đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng. Bên cạnh đó, các shipper cần có kết quả xét nghiệm âm tính (thời hạn trong 7 ngày). Các đơn vị không quản lý shipper bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của siêu thị...) cũng phải thực hiện các yêu cầu trên và tập hợp danh sách gửi Sở Công thương xác nhận. |