Là một trong 5 vấn đề cần giải quyết để giữ vững vị thế đầu tàu cả nước của TP.HCM (TP), việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, cũng như giải pháp phát triển kinh tế tri thức đã được các đại biểu trình bày tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM (Đại hội) lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát triển kinh tế tri thức
Trình bày tham luận tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP (ĐHQG) Vũ Hải Quân cho biết, phát triển kinh tế tri thức là một trong những mục tiêu của TP trong giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, cả 4 chương trình phát triển TP giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đều gắn với 4 trụ cột của nền kinh tế tri thức.
Ông Vũ Hải Quân - Phó giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM tham luận tại Đại hội. |
Cụ thể, về giáo dục-đào tạo, ĐHQG sẽ tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực, với sản phẩm dự kiến là các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin-truyền thông, cơ khí-tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị. Song song với đó là thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ, tạo nền tảng để các trường đại học tại TP chia sẻ tài nguyên như tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng…
Đối với việc nghiên cứu chuyển giao và đổi mới sáng tạo, ông Quân cho biết, ĐHQG sẽ chủ động tham gia Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP; sản phẩm dự kiến là các chính sách tư vấn, các sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí-tự động hóa và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Khu Công nghệ Phần mềm, ĐHQG.
Về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, ĐHQG sẽ tham gia thực hiện các đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP. Sản phẩm dự kiến là hệ thống các chính sách và giải pháp liên quan đến các đề án trên. Trong đó, Khu Công nghệ Phần mềm của ĐHQG sẽ trở thành hạt nhân quan trọng trong mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Riêng về hệ thống thể chế chính sách, ông Quân nói ĐHQG sẽ chủ động tham gia các đề án trong chương trình đột phá đổi mới quản lý TP. Sản phẩm dự kiến sẽ là hệ thống chính sách và giải pháp liên quan đến mô hình đô thị thông minh, phương pháp quản trị hiệu quả trong nền tảng hạ tầng số, các sản phẩm ứng dụng trong khu đô thị thông minh như giám sát giao thông, đảm bảo an ninh mạng...
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế
Về nội dung đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020-2035, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hồng Sơn đã trình bày tham luận, cũng như đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp.
Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh, Đại hội lần trước đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 7 chương trình đột phá, và Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa mục tiêu đó thông qua việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - Ảnh: TTO/Tự Trung |
Được biết, đề án này tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, và sẽ kết hợp với việc xây dựng mô hình đại học chia sẻ.
Về giải pháp, nhóm thứ nhất được đề xuất là xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông; trong đó, sớm đưa mục tiêu "hội nhập" vào các cấp học phổ thông.
Thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh thích ứng, gia nhập vào tiến trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, ngành giáo dục đào tạo TP đã xây dựng Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030.
Nhóm giải pháp thứ hai là triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ. Theo ông Sơn, đây là đề án được xây dựng công phu, tâm huyết, với sự tham gia của giảng viên, nhà khoa học từ các đại học hàng đầu TP.
Theo đó, đề án đưa ra quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng với 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện.
"Đây là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng 9 đề án thành phần, nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 8 ngành trọng điểm, gồm công nghệ thông tin-truyền thông; cơ khí-tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính-ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị, và đề án Đại học chia sẻ", ông Sơn nói
Đồng thời, đề án cũng đề xuất một số giải pháp thực hiện, trong đó có đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Nhân lực trình độ quốc tế phải có môi trường để trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đời sống, hướng đến giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội.