Người thương binh bây giờ

An Nhiên| 26/07/2022 00:40

Thương binh Đoàn Văn Khanh là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được Trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền.

Người thương binh bây giờ

Lương Y Đoàn Văn Khanh

10 tuổi tham gia Cách mạng, 18 tuổi gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, trong một trận giao tranh với địch ở vành đai Bình Đức, ông bị thương ở cánh tay phải, các ngón tay cũng bị rút lại nhưng ông luôn lạc quan, nỗ lực bản thân, luôn truyền cảm hứng cho giới trẻ. Đó là thương binh Đoàn Văn Khanh và bây giờ ông được người dân gọi thân thương “chú Tư Khanh”.

Chú Tư Khanh ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông có dáng người mảnh khảnh, đi dép lê, có nụ cười đôn hậu... rất đời thường, khác xa với trí tưởng tượng của chúng tôi về một doanh nhân thành đạt nức tiếng tại Tiền Giang.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, điều làm tôi chú ý nhất trong căn nhà ấy là vách nhà treo đầy những bằng khen, huân chương... chứng nhận thành tích từ thời chống Mỹ oanh liệt cho đến khi thành lập doanh nghiệp tư nhân Long Thuận.

Ông mời chúng tôi dùng kẹo dừa sáp và cùng nhấp tách trà bưởi thơm ngát do ông làm ra. Trong câu chuyện, ông luôn thể hiện niềm tự hào những gì ông đã đóng góp cho quê hương.

Ông xúc động nhớ lại: “Những năm 1967, Mỹ lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ở Tiền Giang với mục đích khống chế toàn bộ tài nguyên và an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó tôi mới khoảng 9-10 tuổi, tôi đã xung phong làm giao liên, rồi gia nhập du kích, trực tiếp cầm súng đánh giặc khi mới 12 tuổi. Năm 14 tuổi, bị thương ở cánh tay phải trong một trận chiến, tôi trở về làm xã đội phó rồi làm xã đội trưởng của xã Song Thuận. Năm 18 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng”.

Về hưu năm 1994, với tỷ lệ mất sức là 61%, xếp hạng thương binh 2/4, lòng nhiệt tình với công tác xã hội lại thôi thúc ông tham gia sinh hoạt đoàn thể tại địa phương. Với tâm niệm “là thương binh tàn nhưng không phế, phải biết khiếm khuyết chỗ nào và chỗ nào không khiếm khuyết để tập trung vào phát huy tốt hơn những chỗ không khiếm khuyết”, ông tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương, giúp đỡ người nghèo, bà con lối xóm.

“Được trở về sau chiến tranh là một may mắn, diễm phúc lớn nhất của tôi, dù cơ thể còn nhiều thương tích, dù là thương binh xếp hạng nhưng chưa bao giờ tôi cho phép mình ngơi nghỉ. Chiến tranh có thể cướp đi cánh tay của tôi nhưng không thể cướp đi sự tinh nhạy và ý chí kiên cường”, ông Khanh nói.

Năm 2005, khi một số tờ báo lớn đăng bài dịch từ báo nước ngoài rằng, ăn bưởi làm tăng nguy cơ ung thư mà không nói rõ là bưởi chùm Mỹ, ông Khanh bức xúc: “Cũng vì bài báo đó, bà con trồng bưởi ở đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì người tiêu dùng quay lưng với trái bưởi, thấy bưởi rụng đầy vườn, tôi xót lắm”.

Vậy là ông bỏ hết công việc nhà để lên TP.HCM học nghề y khi đã ngoài 50 tuổi, quyết tâm giải oan cho cây bưởi bằng kiến thức khoa học. Sau hai năm học Đông y, ông dành hết tâm trí vào nghiên cứu cây bưởi vì biết tinh dầu bưởi có tác dụng kích thích mọc tóc. Mất khoảng ba năm, công thức pha chế tinh dầu hoa bưởi trị rụng tóc, hói đầu của ông mới hoàn thiện.

Trong quá trình thực hiện, cũng không ít lần ông thất bại, nhưng với bản lĩnh và ý chí của người bộ đội được tôi luyện từ trong lửa đạn, ông quyết không bỏ cuộc.

Ông Khanh chia sẻ: “Cố gắng nào rồi cũng được đền đáp xứng đáng, bỏ ra bao công sức, thời gian... tinh dầu hoa bưởi và nước ép bưởi của tôi đã đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 (năm 2008), giải pháp “Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc” của ông cũng được Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam”.

Sau hơn 10 năm tự mày mò, nghiên cứu, ông đã cho ra đời hơn 30 sản phẩm từ cây bưởi, dừa sáp và thuốc Nam trong khu vườn gần một mẫu của mình.

Hiện Long Thuận phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết khép kín. Trái cây và cây thuốc Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trong vườn nhà được đưa thẳng vào nhà máy Long Thuận, đảm bảo độ sạch tuyệt đối của nguyên liệu đầu vào.

Với chủ trương “Nói không với hóa chất, lấy thiên nhiên bảo vệ thiên nhiên”, ông tự nghiên cứu ra một số loại thuốc Nam để trị sâu bệnh cho cây, chứ kiên quyết không phun thuốc sâu. Nhờ vậy, trải qua nhiều lần kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm của doanh nghiệp Long Thuận đều đạt chuẩn và được công nhận không chứa hóa chất, tạo được sự tín nhiệm với người dùng.

Điều đáng nói là với những loại thuốc dùng để trị bệnh, ông sản xuất ra với mục đích làm từ thiện, để cứu người chứ không mang ra kinh doanh. Ông bảo: “Cách nào cũng là để làm giàu nhưng làm giàu trên con bệnh và sự đau đớn của người khác thì tôi không làm được”. Bệnh nhân bị các bệnh mạn tính ở các nơi nghe tiếng thơm đã tìm đến để được ông chữa và cho thuốc miễn phí.

Ngoài việc kinh doanh, ông còn được nhiều người khen ngợi là một doanh nhân giàu lòng nhân ái trong công tác từ thiện, hỗ trợ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn chân chất độc da cam kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, tặng quà và học bổng Vừ A Dính, Vì học sinh Trường Sa thân yêu...

Hiện nay, thu nhập từ việc kinh doanh của ông lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm và ông vẫn trích góp phần lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, đồng đội và người nghèo, xây dựng đường điện nông thôn mới, hằng năm ủng hộ phong trào “Bao gạo cho đồng đội”...

Năm 2016, ông được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen đã đạt thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2012-2016, góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được Trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ngoài ra, ông cũng đã nhận được nhiều huy chương vàng và bằng khen khác.

“Tôi được cấp bằng tiến sĩ danh dự thì hết sức bất ngờ. Vì tôi ráng làm chứ đâu có nghĩ công trình nghiên cứu của mình, chỉ tính là chuyện làm ra để phục vụ sức khỏe, kinh doanh có kinh tế cho gia đình thôi. Nay được cấp bằng thì hết sức phấn khởi, thúc đẩy cho tôi có tinh thần, tiếp tục nghiên cứu thêm để tạo ra các sản phẩm mới nữa để phục vụ cho sức khỏe dân mình và đưa y học cổ truyền của dân mình tiến lên tầm quốc tế”, ông Khanh nói cùng nụ cười thật tươi.

Giờ đây, các sản phẩm của ông không chỉ phổ biến trong nước mà còn vượt khỏi dãy tre làng vươn tầm thế giới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người thương binh bây giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO