Người giàu cũng phải khóc!
Người giàu cũng có những nỗi khổ riêng mà không phải ai cũng hiểu. Bên cạnh cuộc sống hào nhoáng, họ phải đối mặt với nhiều áp lực và nguy cơ tiềm ẩn.
Làm khác người vì… giàu
Có người bảo bình thường của sự phát triển chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đồng đều trên thế gian này.
Thế giới ngày nay cho ta thấy từ giới giàu nhất có người làm nên “chuyện lớn” - như ông Elon Musk đổ tiền chế tạo tàu vũ trụ để ai muốn “quá giang” cũng phải giàu như tỷ phú, lại đang đổ tiền chế tạo tên lửa cực mạnh đưa tàu vũ trụ chở người lên sinh sống và làm việc trên sao hoả.
Thế giới lại “choáng” với tin tức như đầu năm nay: Đám cưới con của người giàu nhất châu Á diễn ra ở Ấn Độ, đến một chú chó giống Golden Retriever tên là Happy cũng di chuyển trên chiếc SUV Mercedes-Benz G400d.
Xã hội hiện đại cũng có thêm bao thứ bệnh mới: Có tới 2 triệu người Anh nghỉ ốm không đi làm vào ngày thứ hai, gây thiệt hại kinh tế tới 2 tỷ bảng Anh vì đội bóng nhà thua Tây Ban Nha trong trận chung kết Euro 2024.
Giàu cũng khổ
Nỗi khổ của “môi trường làm giàu”, “môi trường kinh doanh” đang diễn ra nóng hổi qua những vụ án. Tham nhũng của quan chức khiến nhà giàu, người kinh doanh “không chạy tiền thì việc không xong”, hoặc như lời một vị nổi tiếng nào đó đã nói về ưu đãi mời gọi đầu tư: “Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết rồi”. Đất nước đang cố gắng làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng cho thấy con đường làm giàu chân chính còn rất nhiều thử thách.
Nỗi khổ của người giàu bây giờ phải vượt lên bởi “sức khỏe doanh nghiệp” của họ đang bị ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu cho đến chuyện nội tình. Thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa xuyên biên giới, chi phí sản xuất cao, ít sự hỗ trợ hiệu quả, sự biến động sức mua do căng thẳng địa - chính trị làm suy yếu nền kinh tế.
Có rất nhiều “thống kê” về nỗi khổ của nhà giàu mà báo chí đã đưa ra: Phải hy sinh lối sống gia đình, khó có bạn chân thành vì dễ bị giả mạo, thậm chí có người đã giàu đến đỉnh, chẳng thiếu thứ gì, lỡ rơi vào cảnh “đứt gánh giữa đường” nhưng cũng chẳng dám có một ngườu bạn đời chân thành chỉ vì không dám tin, vì sợ lừa tình, lừa luôn tiền, sợ chia tài sản và sợ… người ta đến với mình chỉ vì tiền!
Lại có người giàu nhưng đêm nào ngủ cũng lo vì không biết lúc nào… bị pháp luật gọi tên. Có người ngồi trên đống tiền, một bước lên xe, hai bước nhà lầu, sống cuộc sống cực xa hoa, được gọi với đủ tên gọi “cao quý” nào là đại gia, tỷ phú, quý ông, quý bà siêu giàu… nhưng bỗng một ngày… đang đi ngoài đường thì bất ngờ “bị bắt nóng”, bị kết án tù vài chục năm vì tội “thao túng, tham nhũng, lừa đảo…không còn dịp trở về nhà. Quần áo, trang sức, hàng hiệu, nhà lầu, xe hơi…tất cả đều chưa biết đến bao giờ được "gặp" lại.
Lại có người giàu nứt đố đổ vách nhưng đêm ngủ không yên vì con cái vướng vào nghiện ma túy. Đã có “đại gia” mượn kênh livestream để lên tiếng trên mạng xã hội, chối bỏ trách nhiệm và cảnh tỉnh cho những ai có ý định “bắt họ phải chịu trách nhiệm tống tiền hay trả nợ thay cho con”.
Người giàu thường có nhu cầu đầu tư lớn để gia tăng tài sản. Tuy nhiên, không phải lúc nào các khoản đầu tư cũng thành công. Một doanh nhân ở Singapore vừa mất hơn 2 triệu USD khi đầu tư vào một ngân hàng điện tử do khi mua cổ phần không kiểm tra kỹ.
Nhiều người giàu đã phải vay nợ lớn để đầu tư, nhưng khi gặp rủi ro hoặc thất bại, họ không thể trả nợ đúng hạn. Điều này dẫn đến việc bị chủ nợ đòi nợ, tài sản bị xiết nợ và thậm chí là phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Nỗi khổ vì nợ nần không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn tác động lớn đến tinh thần và danh tiếng.
Trong làm ăn, người giàu đã giàu lại muốn giàu thêm, vì vậy họ thường hùn hạp, mở rộng kinh doanh hoặc cho vay mượn, đầu tư, hùn hạp làm ăn nhưng lại bị bạn bè, đối tác đầu độc lẫn nhau như vụ án đang nóng rãy với 6 người chết ở Bangkok, Thái Lan.
Con cái của người giàu cũng thường bị áp lực lớn từ gia đình và xã hội. Chúng phải sống dưới cái bóng quá lớn của cha mẹ, phải cố gắng học giỏi, đạt thành tích cao để không làm mất mặt gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng stress, trầm cảm và thậm chí là các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Ngoài ra, con cái của người giàu còn dễ bị lợi dụng bởi những kẻ xấu muốn tiếp cận tài sản của gia đình.
Thế nên xã hội phương Tây đã có người giàu tìm lối thoát bằng lối sống đạo đức, có người cho hết tài sản ngay khi còn sống và coi đó là hạnh phúc. Người giàu còn gặp khó khi phải kiểm soát được, tin tưởng được người làm thuê.
Đã có cả những nghiên cứu chi li về sự khác biệt giữa tiền và giàu có. Có những định nghĩa về tiền: Nó là vật dẫn của những cảm xúc (đau khổ, vui sướng, hy vọng, sợ hãi, ghen tỵ…). Rồi đưa ra những nhận xét rắc rối kiểu như “người sở hữu nhiều tiền khác với người không lo lắng về tiền”.
Các chuyên gia tâm lý nói về nỗi khổ của người giàu: Khó tin tưởng người khác. Mất mục tiêu cuộc sống. Khó nuôi dạy con. Nhiều lo lắng.
Suy cho cùng, con người ngày nay có nhiều nỗi khổ và sự sợ hãi. Nhưng con người cũng không dễ đầu hàng.
Như dân chúng đang tỉnh thức qua chuyện người tự tu Minh Tuệ. Sức lay động của ông là làm thức tỉnh nỗi sợ hãi chạy theo tiền - tiền không chỉ đưa nhiều quan chức vào tù, mà người bình thường cũng đang lo sốt vó kiếm tiền chân chính để nuôi con, chữa bệnh. Thì bỗng có ngài… không cần gì cả.
Như thầy Minh Niệm có mấy câu dễ nhớ: “Nếu không có khổ đau/ Biết đâu là hạnh phúc/ Nhờ mộng mị hôm nào/ Ta tìm về tỉnh thức”.
Còn doanh nhân “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ thì đang tu trong hang động để tư duy - ông cũng viết sách, trong đó có cả công thức “Làm giàu toàn diện là khởi đầu lối sống minh triết”.
Cách “tỉnh thức” của mỗi người cũng khác nhau. Nhà giàu cũng không ngoài quy luật. Hãy tìm ra lối sống tốt, cống hiến, xây dựng xã hội có hạnh phúc.