Người dùng Việt nhiều lựa chọn sản phẩm ví điện tử

TUYẾT ÂN| 15/10/2017 06:31

Các ứng dụng tài chính trên nền công nghệ (fintech) đang nở rộ tại Việt Nam với nhiều mô hình dịch vụ khác nhau, từ thanh toán trung gian, quản lý tài chính cá nhân, cho vay theo nhóm đến Bitcoin Blockchain... Vậy người dùng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán nào?

Người dùng Việt nhiều lựa chọn sản phẩm ví điện tử

Các ứng dụng thanh toán trực tuyến manh nha tại Việt Nam từ 10 năm trước và ngày càng nhiều mô hình mới ra đời theo xu thế phát triển fintech trên toàn cầu, đang trở thành những thành tố mới quan trọng trong chuỗi giá trị dịch vụ ngành tài chính - ngân hàng. Tại Việt Nam, có hơn 60 fintech đang hoạt động bên cạnh các trung gian thanh toán đóng vai trò kết nối thị trường và nhà cung ứng dịch vụ tài chính số độc lập. Đa số nhà cung cấp fintech đều nhắm hỗ trợ cho hệ sinh thái kinh doanh của mình. VNG có Zalopay và 123pay, Grab với GrabPay, Vật Giá có Bảo Kim, Chodientu có Nganluong, Viettel có Bankplus, VNPT có ePay, VTC có VTCPay, VPBank có Timo, Samsung có Samsung Pay...

Dù các mô hình fintech tại Việt Nam được xem đang ở giai đoạn "tiêu tiền để khai phá” nhưng thị trường cũng đã có nhiều dịch vụ cung cấp cho nhu cầu thanh toán thiết thực hằng ngày. Thông qua các ứng dụng fintech, người dân có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ một cách thuận lợi như điện, nước, điện thoại tại các cửa hàng tiện lợi 24/7 mà không bị bó buộc trong giờ hành chính; thanh toán chi tiêu ở các cửa hàng thời trang, nhà hàng hay quán cà phê khá dễ dàng. Có thể dùng ví để chuyển tiền, rút tiền hay vay tiền chỉ bằng vài cú chạm hay bằng cách quét mã QR...

Thử nghiệm dùng Samsung Pay để thanh toán ở quán cà phê

Một số ứng dụng đáng chú ý trên thị trường:

Payoo: Là điển hình của trung gian thanh toán, đang dẫn dắt thị trường hiện nay. Với chiến lược "một điểm thanh toán" (one stop payment), từ năm 2011, đơn vị này đã tiên phong trong lĩnh vực tiện ích để kết nối đến hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, viễn thông; các ngân hàng hay công ty tài chính, bảo hiểm cùng với hàng trăm công ty thương mại điện tử... Mạng kết nối Payoo hiện cũng liên kết đến hơn 6.000 điểm thanh toán trên toàn quốc thông qua hầu hết các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điện máy, điện thoại, viễn thông...

Hiện người dân có thể đến các cửa hàng tiện lợi 24/7 thanh toán hàng trăm loại hóa đơn khác nhau như điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet... bất cứ lúc nào. Kênh thanh toán này cũng nhắm tạo sự thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu thanh toán các dịch vụ công mở rộng trong tương lai. Payoo được sự hậu thuẫn của đối tác đầu tư chiến lược từ Nhật là NTT Data với nền tảng công nghệ, tài chính và nguồn lực mạnh. Đặc biệt với kinh nghiệm tại Nhật, NTT Data đang vận hành hệ thống CAFIS xử lý đến 10 tỷ giao dịch thanh toán mỗi năm, là thế mạnh cho trung gian thanh toán Payoo tại Việt Nam.

Zalopay: Là ứng dụng thanh toán trên di động do VNG phát triển. Sau 123pay - cổng thanh toán trực tuyến hỗ trợ cho thương mại điện tử có mặt trên thị trường nhiều năm nay, hệ sinh thái VNG có thêm ứng dụng Zalopay ra đời từ 2016. Zalopay tận dụng lợi thế cộng đồng hàng chục triệu người dùng trên mạng OTT Zalo, game trực tuyến, cổng thương mại điện tử và nhiều dịch vụ khác, đang trở thành đối thủ đáng gờm của ví điện tử Momo hoạt động trước đó khá lâu. Trên nền cộng đồng này, Zalo cũng đang kết nối thanh toán đến nhiều chuỗi bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê hoặc cả các tiện ích công, các dịch vụ tích lũy điểm trên thẻ thành viên điện tử Zalo...

MoMo: Ứng dụng thanh toán trên di động do M_Services phát triển, theo công bố, đang có hơn 2 triệu người dùng trên cả nước. MoMo cung cấp các tiện ích như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thu chi hộ và thương mại trên di động. MoMo nổi lên năm ngoái sau khi Standard Chartered và Goldman Sachs đầu tư 28 triệu USD vào ví này để mở rộng mạng lưới và tăng tính cạnh tranh. Việc đầu tư vào MoMo là công cụ hỗ trợ nhà đầu tư củng cố mối quan hệ với các đối tác và khách nhằm tạo kênh tiêu dùng đa dạng hơn với tham vọng phổ cập các dịch vụ tài chính (financial inclusion) phi tiền mặt, dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên di động đến đông đảo người dân với mục tiêu đến 80% dân số.

Timo: Ứng dụng ngân hàng số ra đời từ sự kết hợp giữa Global Online Financial Solution (GOFS) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngoài vai trò như một tài khoản ngân hàng thông thường, Timo còn cung cấp bộ công cụ hỗ trợ các nhu cầu về dịch vụ tài chính, lên kế hoạch chi tiêu thông minh, chuyển đổi ngoại tệ, ưu đãi giảm giá... Sau khi Tập đoàn Sun Life Financial mua lại 25% cổ phần của Crescent Asia Limited, công ty chủ quản của GOFS, thì Sun Life Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh bảo hiểm có thời hạn 3 năm với GOFS nhằm mở rộng kênh đưa các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng đang sử dụng ứng dụng Timo.

Samsung Pay: Giải pháp thanh toán trên di động dành cho người dùng smartphone của Samsung còn khá mới tại Việt Nam nhưng đã có mặt tại 15 thị trường khác trên thế giới. Cuối tuần rồi, Samsung kết thúc giai đoạn thử nghiệm tại Việt Nam với lượt cài đặt ứng dụng đạt khoảng 20.000 lượt. Hiện Samsung Pay kết nối trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính của các tổ chức thẻ NAPAS, VISA, MasterCard và với 6 ngân hàng nội địa. Samsung Pay như một giá trị gia tăng riêng cho người dùng trong hệ sinh thái Samsung. Ứng dụng đơn giản, dễ sử dụng, tuy nhiên, hạn chế là hiện mới có mặt trên các dòng smartphone cao cấp và vài dòng cận cao cấp của Samsung. 

>>Ví điện tử: Cú hích 18.000 tỷ đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người dùng Việt nhiều lựa chọn sản phẩm ví điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO