Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Ảnh: Thảo Lê |
Trưa 21/6, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP. Chủ trì họp báo có Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam và ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ, TP.HCM rất vinh dự khi được Chính phủ giao và triển khai tiêm 836.000 liều/1 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) do Nhật Bản tặng.
Chiến dịch tiêm chủng kéo dài 5 ngày
Trong số 836.000 liều, có 30.000 liều giao thẳng cho Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam để chủ động tiêm cho lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, có 20.000 liều chỉ định giao cho lực lượng công an, trong đó 18.000 cho lực lượng công an của TP.HCM và 2.000 cho lực lượng Bộ Công an đóng trên địa bàn TP.
Riêng TP.HCM có nghĩa vụ tiêm 804.000 liều trong thời gian rất gấp. TP.HCM đã chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ ngày 19/6 đến sáng 21/6 kết thúc khâu chuẩn bị. Từ chiều nay, TP.HCM triển khai tiêm chủng đại trà cho người dân. Theo kế hoạch, TP sẽ triển khai rốt ráo chiến dịch tiêm chủng trong 5 ngày.
Trao đổi câu hỏi hiện nay TP.HCM đã tiêm được cho bao nhiêu dân, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, nếu tính luôn cả đợt 4 (836.000 liều) TP.HCM sẽ đạt tỉ lệ tiêm cho 6% người dân TP (bảo đảm 2 mũi/người).
TP.HCM đa dạng tiếp cận nguồn cung
Về việc cung ứng vaccine, ông Nam cho biết, theo Bộ Y tế sắp tới TP sẽ tiếp tục được cung ứng vaccine từ các nguồn của trung ương. Mặt khác, TP cũng đang tiếp tục đàm phán với các hãng dược để mua vaccine. Hiện việc đàm phán có nhiều thuận lợi, hy vọng từ đây đến đầu quý 3 sẽ có nhưng kết quả khả quan. Ngoài ra, TP cũng tiếp nhận nguồn vaccine từ các nước, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ tiêm được cho 2/3 dân số.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết hiện vaccine của TP đến từ hai nguồn là Chính phủ và TP.HCM chủ động tìm mua.
Về nguồn Chính phủ cung cấp, theo dự kiến từ đây đến cuối năm Việt Nam sẽ nhận hơn 100.000 liều. TP.HCM chiếm 10% dân số cả nước, nếu tính lượng vaccine TP được phân bổ đúng bằng tỉ lệ dân số thì từ đây đến cuối năm TP nhận khoảng 10 triệu liều. Nếu tính mục tiêu của TP tiêm được cho 75% dân số ở độ tuổi từ 18-65 tuổi thì lượng vaccine dự kiến được cung cấp sẽ tương đối đảm bảo để thực hiện mục tiêu TP đề ra.
Ngoài ra, TP.HCM cũng chủ động đàm phán mua vaccine Covid-19. Khi thực hiện chủ trương này, TP tham vấn từ các chuyên gia để thực hiện đúng quy định Chính phủ, Bộ Y tế và các hãng sản xuất.
Nói thêm về thông tin cho rằng các hãng sản xuất vaccine Covid-19 chỉ đàm phán với Chính Phủ, ông Đức đính chính là các hãng sản xuất vaccine chỉ làm việc với chính quyền (không phải chỉ Chính phủ).
"Hiện TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất để đàm phán. Tuy nhiên có những thông tin hiện nay không nói được do có sự ràng buộc theo hợp đồng với các nhà sản xuất. TP.HCM đang tiếp xúc các nguồn với mục tiêu mua được 5-10 triệu liều trong năm nay", ông Đức chia sẻ.
Người bị sốc phản vệ sẽ được BHYT chi trả
Để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng, TP.HCM đã bố trí 946 đội tiêm, 59 đội dự phòng. Mỗi đội đã được Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM tập huấn về công tác an toàn tiêm chủng. Bên cạnh đó, hơn 4.000 đảng viên, thanh niên cũng được tập huấn công tác hậu cầu, hướng dẫn người dân tiêm chủng, giãn cách, đảm bảo trật tự an toàn.
Ngành y tế cơ cấu tổ tiêm chủng gồm 5 nhân sự (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng). Trong đó, một bác sĩ khám sàng lọc, một bác sĩ theo dõi cấp cứu, 2 điều dưỡng tiêm và một điều dưỡng hỗ trợ cấp cứu.
Tổ hành chính có 3 người gồm một nhân sự tổ chức khai báo y tế, sàng lọc và bổ sung giấy tờ cam kết, 2 nhân viên địa phương nhập dữ liệu, cấp giấy chứng nhận.
Tổ an ninh gồm một dân quân tự vệ, một công an, một nhân viên y tế địa phương và 4 đoàn viên, thanh niên hỗ trợ. Ngành y tế quan tâm an toàn tiêm chủng, do đó, lực lượng cấp cứu được bố trí túc trực ở các điểm tiêm, đảm bảo xe cấp cứu đến nhanh nhất trong vòng 2-3 phút nếu có sự cố xảy ra.
"Với tiêm chủng, sẽ có tỷ lệ nhất định gặp phản vệ. Người không may bị sốc phản vệ sẽ được chế độ bảo hiểm y tế chi trả", ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Sau buổi triển khai đầu tiên vào ngày 19/6, Sở Y tế đã rút nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức tiêm chủng như sàng lọc, ngồi chờ sau tiêm, tránh tình trạng tập trung đông, gây mất trật tự... Tổ tiêm chủng với 15 nhân sự sẽ đảm bảo các công tác này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết thêm Sở Y tế TP.HCM đã họp đến 2 giờ đêm để tổng hợp bài học kinh nghiệm, điều chỉnh cách điều phối. Cơ quan chức năng rút ra nhiều kinh nghiệm trong khâu sàng lọc, trong và sau tiêm.
"Giai đoạn đầu, ngành y tế cần đảm bảo sàng lọc, chỉ có người đủ an toàn mới được tiêm chủng. Thông thường, phản ứng phản vệ xảy ra khảong vài phút sau tiêm. Do đó, người được tiêm cần ngồi gần nhân viên y tế theo dõi, sau đó nhường vị trí cho người khác mới tiêm sau", ông nói.
Hiện tại, Bộ Y tế cử đội công tác đặc biệt do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu, thường xuyên giám sát các hoạt động tiêm chủng và nhiều công tác khác.