Nghịch lý ngành điều

01/11/2011 08:09

Số lượng doanh nghiệp càng nhiều, kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì diện tích, sản lượng điều nội địa càng bị thu hẹp, thu nhập của người trồng điều càng khó khăn.

Nghịch lý ngành điều

Số lượng doanh nghiệp càng nhiều, kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì diện tích, sản lượng điều nội địa càng bị thu hẹp, thu nhập của người trồng điều càng khó khăn.

>> Ngành điều: “Điều đình” với thông tư
>> Ngành điều phát triển chưa bền vững

Cứ vào khoảng thời gian cuối quý III hằng năm, khi đã kết thúc vụ I sản xuất điều, như một thông lệ, ngành điều Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều rắc rối, phức tạp như tranh mua, tranh bán, bán phá giá, bán điều chất lượng thấp... Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) lại phải ngồi với nhau để bàn giải pháp nhằm duy trì sản xuất trong 3 tháng giáp vụ, lại kiến nghị với Chính phủ về việc trả nợ và lãi vay ngân hàng tới hạn...

Tất cả có nguyên do, những nghịch lý đã tồn tại trong ngành điều từ nhiều năm không những không được giải tỏa mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Chỉ lo “hái quả ngọt”

Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH Việt Sơn (Đồng Xoài, Bình Phước) - Ảnh: L.Sơn

Theo Niên giám thống kê, năm 2007, cả nước có 439.900 ha điều với năng suất bình quân 0,71 tấn/ha, sản lượng 312.400 tấn. Lúc đó, ngành điều đã có 245 doanh nghiệp (DN) kinh doanh, cơ sở chế biến với công suất 600.000 tấn/năm, gấp gần 2 lần nguồn nguyên liệu trong nước (phần nguyên liệu thiếu phải nhập khẩu). Năm 2010, cả nước có 372.000 ha điều với năng suất bình quân 0,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 299.000 tấn.

Vào năm này, theo thống kê từ Vinacas, đã có hơn 273 DN tham gia xuất khẩu (chưa kể số DN kinh doanh nội địa và các cơ sở chế biến không tham gia xuất khẩu) với công suất chế biến khoảng 800.000 tấn/năm (gấp 2,7 lần sản lượng điều trong nước)...

Như vậy, sau 3 năm (2007-2010), diện tích điều cả nước giảm 67.900 ha, sản lượng giảm 13.400 tấn. Ngược lại, số lượng DN kinh doanh điều lại tăng thêm khoảng 35 DN, công suất chế biến tăng lên gần 200.000 tấn/năm…

Tại cuộc họp mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam đã cảnh báo một số doanh nghiệp đang làm mất uy tín hạt điều Việt Nam khi xuất khẩu nhiều lô hàng kém chất lượng.

Thực trạng trên cho thấy kinh doanh điều ở Việt Nam vẫn là một ngành hấp dẫn nên ngày càng có nhiều DN mới tham gia. Thử làm một phép tính giản đơn sẽ thấy được sự hấp dẫn của ngành này. Tám tháng đầu năm 2011, giá điều thô nhập khẩu bình quân không vượt quá 1.500 USD/tấn, trong khi giá điều nhân xuất khẩu bình quân đạt 8.127 USD/tấn. Với tỉ lệ bình thường 4 thô/1 nhân thì chênh lệch giữa giá mua và giá bán xuất khẩu (chưa tính các chi phí khác) của 1 tấn điều nhân là 2.127 USD.

Nếu so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu thì gần như không có loại hàng nào có được khoản chênh lệch “béo bở” đến như vậy. Trong khi đó, các DN gạo, cao su, cà phê còn phải đầu tư cho sản xuất, trồng trọt nội địa, còn cây điều nội địa chưa hề có một DN kinh doanh điều nào chú ý đầu tư.

Đã đến lúc phải cơ cấu lại

Tuy nhiên, trên thực tế có sự nghịch lý trong ngành điều hiện nay là số lượng DN càng phát triển, kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì diện tích, sản lượng điều nội địa càng bị thu hẹp, thu nhập của người trồng điều càng khó khăn. Nghe qua có vẻ vô lý nhưng thực tế đúng như vậy.

 Bình Phước là địa phương có diện tích điều lớn nhất nước, với 156.000 ha nhưng dự kiến quy hoạch đến năm 2015, cả tỉnh sẽ chỉ còn 130.000 ha. Giá điều khô nội địa lúc cao nhất đạt 44.000 đồng/kg, song do tầng tầng lớp lớp của hệ thống thu mua, người sản xuất chưa bao giờ bán được quá 30.000 – 33.000 đồng/kg, không lãi bao nhiêu.

Vì thế, ở nhiều địa phương, hoặc nông dân tự phát chuyển đổi hoặc chính quyền địa phương chủ trương chuyển đổi diện tích trồng điều sang trồng cây khác để có hiệu quả hơn.

Nếu không sớm cân đối lại giữa sản xuất và kinh doanh mà chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, các DN kinh doanh điều sẽ không chỉ gây hại cho mình mà còn gây hại lâu dài cho cả một hệ thống sản xuất kinh doanh, uy tín và thương hiệu của ngành điều Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý ngành điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO