Đó là phát biểu của ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tọa đàm Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 5/10. Tọa đàm nhằm làm rõ ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược theo NQ128 với những thành quả kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đồng thời đề ra kế hoạch thời gian tới.
Về hiệu quả của NQ128, ông Phương phân tích, NQ128 đã tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Vào cuối tháng 9/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm đến mức -6%. Sau khi có NQ128, ngay quý 4/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Đến quý 3/2022, tăng trưởng kinh tế đạt 13,67%. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, dịch vụ… đều phục hồi mạnh mẽ. Điều đó chứng tỏ NQ128 đã đặt nền móng rất lớn và là bước tiến quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế cả nước.
Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NQ128 là cách tiếp cận chiến lược, lâu dài và tổng thể để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trước khi có NQ128, doanh nghiệp không dự tính được các biện pháp chống dịch nên bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Sau khi có NQ128, doanh nghiệp đã xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng về việc chấm dứt hay gián đoạn hoạt động. Người dân cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch sinh sống, làm việc lâu dài hơn. Ông Hiếu cho biết, đây là kinh nghiệm mà Chính phủ và các doanh nghiệp cần áp dụng cho sự phát triển trong tương lai.
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, nhờ NQ128, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh |
Ngoài ra, ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam bổ sung, NQ128 còn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các công ty FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Ông John có lời khen cho Chính phủ Việt Nam khi sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp, qua đó kịp thời điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Dù với NQ128, kinh tế Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế toàn cầu biến động, việc quan trọng vẫn là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Về vấn đề này, ông Phương chỉ ra 3 yếu tố tạo nên nền kinh tế độc lập, tự chủ; đó là: xây dựng năng lực nội tại, làm chủ công nghệ và tạo vị thế, vai trò trong môi trường quốc tế.
Mặt khác, ông John cho nhận định, trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh tổng thể khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng coi trọng tiêu chí môi trường thuận lợi nhằm đạt được các mục tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Do đó, trong tương lai, kinh tế xanh là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Hiếu cho biết, doanh nghiệp không nên chỉ phụ thuộc vào chính sách Nhà nước mà phải phải tự thay đổi sản xuất theo hướng xanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Đây là điều mà cách doanh nghiệp Việt Nam phải lưu tâm trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.