Ngày Xuân chúc nhau hạnh phúc

Nguyễn Tường Bách| 01/02/2022 07:00

Thời gian qua, nền tâm lý học phương Tây có nhiều phân tích đáng chú ý về nội dung của từ "hạnh phúc". Họ phân biệt rõ hai khái niệm "khoảnh khắc hạnh phúc" (moments of pleasure) và "sự vui lòng" (content). Cả hai đều miêu tả tâm trạng hạnh phúc của con người nhưng chúng có nội dung rất khác nhau, thậm chí trái ngược.

Ngày Xuân chúc nhau hạnh phúc

Khoảnh khắc hạnh phúc

"Khoảnh khắc hạnh phúc" là thời điểm lúc ta nhận được những gì làm mình vui thích, sung sướng. Đó là những lúc ta được một món ăn, thức uống vừa miệng, nhận một món quà ưa thích, gặp lại một người thân, nghe một lời khen tặng, đạt được một thành công, thi triển một khả năng, bày tỏ một uy quyền... Khoảnh khắc hạnh phúc trải dài trong cuộc sống, từ nhu cầu tất yếu của thân thể và tinh thần đến những đòi hỏi cầu kỳ, những lạc thú khó kiếm. Ngược lại với tính chất "khoảnh khắc" thì "vui lòng" là một thái độ của tâm, một sắc thái có tính chất nền tảng nằm sẵn trong tâm mà có khi chính người đó không ý thức rõ.

Nền tâm lý học phương Tây đi sâu vào hai khái niệm trên và phân tích tâm lý con người của thời đại. Nhiều học giả cho rằng, con người ngày nay hiểu hạnh phúc chỉ là tập hợp các khoảnh khắc, đạt càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn. Cuộc sống tưởng thưởng lạc thú cho con người sau mọi nỗ lực, đó là động cơ của mọi hoạt động trong xã hội. Hạnh phúc do đó là một mục đích phải đạt tới, phải đấu tranh, phải giành lấy. 

Thực ra, khoảnh khắc hạnh phúc là động lực nằm sâu thẳm trong vô thức của con người và trong mọi loài sinh vật. Nó chính là phút giây khoái cảm của mọi động vật trong sự giao phối, là động lực bản năng để truyền giống. Nó cũng thúc đẩy động vật tìm kiếm thực phẩm và chỗ trú ẩn để gìn giữ sự sống. Sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và vũ trụ, lòng cảm khái trước màu sắc và âm nhạc, sự mê say trong hành động sáng tạo... đều là những khoảnh khắc hạnh phúc, chúng dẫn đến các thành tựu về nghệ thuật và khoa học. Nền văn minh của loài người sẽ không có nếu thiếu vắng động lực cơ bản này.

Thế nhưng, khoảnh khắc hạnh phúc cũng chỉ là đích đến thúc đẩy con người đi tìm lạc thú, trong những phương hướng khác nhau, có tốt có xấu. Lạc thú đối với con người bình thường hiển nhiên là những nhu cầu cá nhân, dù thuộc thể chất hay tinh thần như trên đã nói. Cuối cùng thì mục đích cuộc sống của con người trong xã hội, nhất là xã hội tiêu thụ ngày nay, là tìm kiếm và lặp lại những gì mang lại khoái cảm (pleasures). Điều này hoàn toàn hiển nhiên, nhưng khoảnh khắc hạnh phúc đó, như tên gọi của nó, thường ngắn ngủi, chóng qua và vì vậy mà dễ mang lại thất vọng. Hơn thế nữa, khoảnh khắc hạnh phúc cũng có khi đánh đổi bằng sự đau khổ của người khác. Đó là nguyên nhân phần lớn thảm cảnh xã hội. Trong trường hợp cực đoan nhất khi khoảnh khắc hạnh phúc phải được lặp lại với bất cứ giá nào, con người rơi vào tình trạng ghiền nghiện, về thể chất cũng như tinh thần. Đó là thảm họa lớn nhất của đời người.

Sự vui lòng

Nội dung thứ hai của "hạnh phúc" mà các nhà tâm lý học phương Tây nói đến là "sự vui lòng". Trong Anh ngữ, người ta dùng từ content, satisfaction, happy, joy... để diễn tả một trạng thái nền tảng của tâm, sâu kín, khó định nghĩa, thiếu ấn tượng nếu so với khoảnh khắc lạc thú trong đời sống. Từ "vui lòng" của tiếng Việt không nói hết được một trạng thái hầu như nằm trong tiềm thức, len lỏi kín đáo trong ý thức, làm cho con người tự thấy an bình và mến yêu cuộc đời một cách nhẹ nhàng tự nhiên.

Nền tâm lý học phương Tây biết rõ "vui lòng" là một dạng của "hạnh phúc" nhưng nó hoàn toàn khác, thậm chí đối lập với "khoảnh khắc hạnh phúc". Họ nghiên cứu sâu xa và cho rằng tâm "vui lòng" được hình thành từ thời thơ ấu, khi đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay thương yêu và lòng tin cậy của gia đình, xã hội. Trong vô thức của chúng hình thành một thế giới an toàn, đầy tin tưởng về cộng đồng và lạc quan, tự tin về cuộc đời. Những con người đó khi trưởng thành thường mang tâm thái "vui lòng" cho đến cuối đời, dù làm bất cứ ngành nghề gì, thậm chí có khi bị thất bại nặng nề.

Hãy nghe nhà thơ Đức Hermann Hesse (1877-1962) tự ví mình như một cành cây phải chịu đựng băng tuyết, gió bão: "Cũng như ngươi, ta bị cuộc đời vùi dập, nhưng không gục ngã/ Ngày ngày vẫn vươn mình/ Ngẩng cao trong ánh sáng mặt trời.../ Ta vẫn vui lòng, ta vẫn tha thứ, vẫn cho đời những chiếc lá xanh tươi.../ Dù bị đau đớn quằn quại, ta vẫn yêu thương trần gian điên loạn này". Từ "vui lòng" được dịch từ "zufrieden" trong tiếng Đức. Zufrieden có gốc là "frieden" vốn có nghĩa hòa bình. Hòa bình được hiểu trong mọi ngôn ngữ là "vắng bóng sự xung đột".

Thực vậy, "sự vui lòng" mà các nhà tâm lý học cố gắng miêu tả chính là sự vắng bóng xung đột nội tâm, nó không hề có ý "thỏa mãn" như khi nói "satisfaction" trong Anh ngữ. Trong Việt ngữ có lẽ từ "an lạc" là gần nhất với nền tảng tâm lý này.

Thế nhưng, phải chăng tâm an lạc chỉ được hình thành trong thời thơ ấu như các nhà tâm lý phương Tây đặt nghi vấn? Phải chăng quá trễ khi trưởng thành? Các hiền nhân phương Đông từ xưa đã có câu trả lời. Không, ta luôn luôn đến được với tâm an lạc khi biết cách "nhìn cuộc đời", điều mà các vị gọi là "chính kiến". 

Đó là cách nhìn sự vật dọc theo chiều dài lịch sử để biết mọi sự sinh ra và hình thành như thế nào. Và dừng lại tại đó, không đánh giá đúng sai, tốt xấu, thiện ác. Đời thường khi càng trưởng thành, càng già dặn thì lại càng mang nặng trong tâm một hệ thống các giá trị, nó luôn đóng vai trò như một quan tòa chuyên phê phán đúng sai, tốt xấu khi nhìn mọi sự. Người đời xem trọng sự đánh giá đúng sai, thiện ác, xem nó là tiêu chuẩn của văn minh và đạo đức. Người ta không biết rằng nó chính là tác nhân sinh ra sự xung đột trong tâm và biến thể của chúng là các mối xung đột trong xã hội. Muốn có tâm an lạc, cứ hiểu biết mọi chuyện nhưng tâm hãy dừng lại trước khi phê phán. 

Nhận thức trên hẳn bất ngờ đối với nhiều bạn đọc. Câu hỏi hiển nhiên hay được nêu lên là, nếu không đánh giá đúng sai thì lấy gì làm tiêu chuẩn để hành động. Các hiền nhân phương Đông lại sẽ trả lời, hãy cứ tùy theo sự vận hành của sự vật và tùy điều kiện mà tham gia một cách hồn nhiên. Lúc đó, mọi việc sẽ vận hành một cách tự nhiên, đúng lý mà các vị đó gọi là "duyên khởi".

Khi đó ta sẽ hiểu tâm trạng "ta vẫn vui lòng, ta vẫn tha thứ" của một cành cây bé mọn trước giông bão cuộc đời. Nó biết mình bị vùi dập, biết cuộc đời đầy sự điên loạn, nhưng vẫn vui lòng cho những chồi non mới. Cành cây biết nhận nhựa sống và biết cho chồi non, đó là điều cả Đông lẫn Tây đều cho là hạnh phúc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày Xuân chúc nhau hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO