Ngày 30/6/2013 là thời điểm các ngân hàng thương mại chính thức đóng trạng thái dư nợ và huy động vàng. Nếu không có chính sách hợp lý, thị trường vàng trang sức, vàng mỹ nghệ sắp tới chỉ hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc!
Tại nghị trường Quốc hội, các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ cho ngành của mình. Trong lúc ở ngành vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua chỉ ban hành những quyết định, thông tư với những điều "cấm" và "cấm".
Ngân hàng (NH) giảm lãi suất cho các ngành khác vay, cho vay ưu đãi... nhưng với ngành vàng thì không. Vàng cũng là một loại hàng hóa, tại sao có sự phân biệt, bên trọng bên khinh? Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng muốn cho ngành vàng vay, nhưng vướng quy định DN muốn vay tiền mua vàng phải được NHNN chấp thuận.
Tại TP.HCM có hơn 3.000 DN sản xuất kinh doanh vàng với khoảng hơn 30.000 lao động (chưa tính các hộ sản xuất kinh doanh cá thể). Theo khảo sát, 70% các hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong tổng số hơn 500 hộ đã ngưng hoạt động (mỗi hộ có từ 10 đến 300 lao động), một phần nguyên nhân do việc ban hành các chính sách về sản xuất, kinh doanh vàng.
Trong khi mức thuế suất xuất khẩu mặt hàng vàng trang sức, vàng mỹ nghệ hiện nay là 0% vẫn không xuất khẩu được vì giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, việc Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên 1-2% khiến nhiều DN có xuất khẩu mặt hàng này hết sức lo lắng.
Hiện nay, các DN vàng Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các DN vàng Việt Nam (thuế suất xuất khẩu bằng 0%, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn...) và đang thống lĩnh thị trường xuất khẩu các sản phẩm vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thế giới.
Trong khi đó, các DN Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu gần như hoàn toàn (vàng, đá quý, đá bán quý...). Hơn nữa, hiện nay giá vàng Việt Nam cao hơn giá vàng thế giới, và biên độ mua bán chênh lệch về giá của họ chỉ khoảng 1/1.000.
Vì vậy, các DN Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu được vàng trang sức, vàng mỹ nghệ nếu phải chịu thuế suất từ 1-2% như quy định tại dự thảo thông tư nói trên của Bộ Tài chính.
Do đó, để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về sản xuất vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, đặc biệt cho thị trường xuất khẩu để tái tạo ngoại tệ cho đất nước, Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý TP.HCM đề xuất với Bộ Tài chính quy định thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, vàng mỹ nghệ là 0%.
70% Theo khảo sát, 70% các hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong tổng số hơn 500 hộ đã ngưng hoạt động (mỗi hộ có từ 10 đến 300 lao động), một phần nguyên nhân do việc ban hành chính sách về sản xuất, kinh doanh vàng. |
Đồng thời, NHNN cho phép mở rộng mạng lưới mua bán vàng thay vì mới cấp phép cho 38 NH và các công ty kinh doanh vàng đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Nghị định 24, với gần 2.500 điểm giao dịch trên cả nước hiện nay; giảm thủ tục hành chính và ủy thác DN nhập vàng nguyên liệu cho những DN đáp ứng quy định về vốn và quy mô sản xuất để phát triển vàng trang sức nhằm mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vàng trang sức, vàng mỹ nghệ.
Nếu không, thị trường vàng trang sức, vàng mỹ nghệ sắp tới chỉ hoàn toàn thuộc về các DN Trung Quốc!
Trong lúc đó, các DN tư nhân kinh doanh vàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua bán vàng miếng như trước, mặc dù đã bị cấm.
Họ mua bán lén lút vì sợ bị phát hiện, bị phạt, bị tịch thu tang vật... nhưng vì cuộc sống họ vẫn làm, bất chấp chính sách. Rõ ràng, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cụ thể với vấn đề này, bên cạnh cho phép mở rộng mạng lưới mua bán vàng miếng của các NHTM và các DN có đủ điều kiện.
Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định NHNN độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Thế nhưng, chức năng chủ yếu của cơ quan này là quản lý, giám sát thị trường nên về lâu dài, không thể cứ tự xuất nhập khẩu vàng mà cần tính tới một giải pháp hợp lý hơn.
Thực tế, NHNN đã và sẽ chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 25,3 tấn vàng bù lại số vàng dự trữ đã bán ra thời gian gần đây. Với giá bán luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 3-5 triệu đồng/lượng, NHNN có thể thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy vậy, NHNN không nên duy trì mãi chức năng kinh doanh vì theo thông lệ quốc tế, ít có NH trung ương nào đứng ra xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng miếng thu lợi nhuận.
Do đó, việc xuất nhập khẩu vàng nên chọn lọc ủy thác một số DN thực hiện. NHNN chỉ nên giám sát và kiểm soát số vàng xuất nhập sao cho đúng mục tiêu, phù hợp với những quy định của Nghị định 24.
Theo Nghị định 24 của Chính phủ về tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh vàng, hạn chót là ngày 25/5/2013 để các DN sắp xếp lại hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, vàng mỹ nghệ hoặc chuyển đổi ngành nghề mua bán hay sản xuất.
Tại TP.HCM hiện mới có hơn 40 trên tổng số 3.000 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, vàng mỹ nghệ. Nguyên nhân sự chậm trễ này là các thủ tục theo quy định mới quá phức tạp, trong lúc đó phần lớn DN kinh doanh vàng ở TP.HCM có quy mô nhỏ, không nắm rõ thủ tục hành chính.
Việc xin cấp lại giấy phép kinh doanh được nhiều DN cho là không cần thiết vì đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó rồi. Nếu trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũ đã được cấp phép mua bán vàng thì không nên yêu cầu DN đăng ký lại, trừ trường hợp DN muốn sản xuất vàng trang sức, vàng mỹ nghệ mới phải làm thủ tục xin giấy chứng nhận đủ điều kiện tại NHNN chi nhánh TP.HCM.