Ngành cá tra Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn
Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã đồng loạt ghi nhận giảm hai con số trong 11 tháng 2023, trong đó cá tra là mặt hàng có mức giảm sâu nhất với 27.9%.
Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến tháng 11 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu cá tra tại các thị trường lớn như Mỹ, EU... có sức mua yếu so với cùng kỳ năm ngoái, cộng thêm xu hướng giá xuất khẩu giảm liên tục đã khiến cho không chỉ tổng sản lượng mà cả kim ngạch xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm, càng tạo thêm khó khăn và thách thức cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023
Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu cá tra tại các thị trường lớn đang có xu hướng giảm lượng tồn kho thông qua việc giảm nhập khẩu để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Ngoài ra, một số quốc gia láng giềng đã phát triển sản xuất cá tra nên giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Sản phẩm cá tra còn đơn điệu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.
Được biết, Indonesia đã thành công nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, nước này cũng đã xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông, Nhật Bản, Myanmar… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Bangladesh cũng đã bắt đầu nuôi được cá tra, từ đó đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu và tăng sự cạnh tranh của con cá tra Việt Nam.
Thực trang trên đã dẫn đến việc người nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay chiu thua lỗ nặng. Theo đó, trong ba tháng đầu năm 2023, giá giống cá tra dao động mức 40.000 - 43.000 đồng/kg. Sau đó cá tra giống giảm xuống còn 25.000 - 29.000 đồng/kg cho đến hiện nay.
Trong khi đó, giá thu mua cá tra nguyên liệu năm 2023 chỉ dao động ở mức 27.000 - 27.500 đồng/kg loại I tùy thời điểm, thấp hơn mức trung bình năm 2022 khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, giá cá tra thương phẩm đang được doanh nghiệp chế biến thu mua ở mức 25.500 đồng/kg.
Bất chấp những khó khăn của ngành cá tra Việt Nam trong năm 2023, Cục Thủy sản Việt Nam dự báo sản lượng cá tra trong năm 2024 sẽ tăng 2,8% so với năm 2023. Cục Thủy sản cho rằng, khi lạm phát toàn cầu có khả năng được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng có khả năng sẽ hồi phục từ quý II/2024. Mặc dù sản lượng thu hoạch trong 2 quý đầu năm 2024 dự báo không cao như kỳ vọng nhưng với đà phục hồi như hiện nay, sản lượng cá tra dự kiến thu hoạch trong quý I, II/2024 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến, xuất khẩu.
Do đó, ngành thủy sản Việt Nam đang sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe, các điều kiện nuôi không còn thuận lợi như trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết những khó khăn nội tại về chất lượng giống, thức ăn và thực thi các quy định của pháp luật về thủy sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo, người nuôi cá tra cần tiếp tục bổ sung, thay thế đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống theo nhu cầu, bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định.
Bộ cũng đang đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất cá tra, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương, tiết… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cho dù hiện nay có nhiều nước có thể nuôi được cá tra.