Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ

T.Hải| 12/05/2023 00:06

Ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị ngành ngân hàng tại TP.HCM, nhằm tập trung các giải pháp tiền tệ, tín dụng hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế vùng Đông Nam bộ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra những tồn tại của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, số DN thành lập mới là 14.752 với số vốn đăng ký là 144.568 tỷ đồng, giảm 9,59% về số lượng và giảm 24,79% về vốn đăng ký so với 2022. Số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ, số vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố giảm 23,45% so với cùng kỳ. 

Ông Mãi cũng nêu ra các vấn đề thực tế mà các DN trên địa bàn TP.HCM đang gặp phải. Đó là, gần 50% số DN sản xuất cầm chừng, gần như không có nhu cầu tín dụng. Một bộ phận DN có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn và tạo tính thanh khoản.

Các DN phản ảnh, đối với các khoản vay đến hạn kế hoạch thanh toán gặp khó khăn. DN ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi đã ban hành, một mặt do nhu cầu tín dụng thấp, một mặt là ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng. Ðối với BÐS, người mua ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị tại hội nghị

Về giải pháp, ông Mãi đưa ra 5 kiến nghị đối với ngành ngân hàng:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; định hướng mạnh mẽ hơn nữa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, phát huy được nguồn vốn.

Thứ hai, là thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN; hiện nay dù mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng đang ở mức bình quân 10%/năm, thực tế DN kiến nghị giảm xuống mức 7-8%.

Thứ thứ 3, là về tín dụng, cần có giải pháp linh hoạt về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động; tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách để hỗ trợ DN trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay mới. Các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp (vấn đề định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân, tài sản…) nhằm mở rộng áp dụng cho vay tín chấp đối với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng rõ ràng. Ngành ngân hàng tiếp tục phát triển các chính sách, đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng đối với đối tượng sinh viên, công nhân, các đối tượng yếu thế, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu tín dụng đen.

Thứ tư, là ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, hỗ trợ các thị trường phục hồi hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường BĐS để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023.

Thứ 5, ngành ngân hàng kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan và đồng hành trong các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận, phục hồi lại thị trường và mở rộng thị trường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO