Nửa tháng, tín dụng tăng thêm gần 40 nghìn tỷ đồng

Gia Lê| 11/10/2019 05:39

Tăng trưởng tín dụng chậm là diễn biến đáng chú ý của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm, vì không chỉ tác động lên tăng trưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Theo con số cập nhật mới đây, dư nợ tín dụng tăng thêm gần 40 nghìn tỷ đồng trong hai tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10.

Nửa tháng, tín dụng tăng thêm gần 40 nghìn tỷ đồng

Theo chia sẻ mới đây của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)  tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cập nhật đến ngày 4/10/2019 là 8,95% so với đầu năm, đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng.

Nếu so với con số tăng trưởng tín dụng ở mức 8,4% của Tổng cục thống kê công bố tính đến ngày 20/9/2019 thì dư nợ tín dụng đã tăng thêm 0,55% trong vòng hai tuần, tương đương với mức tăng xấp xỉ gần 39,7 nghìn tỷ đồng. Còn nếu so với cuối năm 2018, con số tăng tuyệt đối tương ứng là 645,4 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trên là khá thấp nếu so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, theo số liệu tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2018 (cập nhật đến ngày 28/9/2019), tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã ở mức 10,41%.

Trước đó nữa, theo thông tin từ NHNN cập nhật đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64% từ đầu năm đến nay, huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%. Như vậy, chỉ trong vòng 14 ngày, đã ba lần con số tăng trưởng tín dụng được cập nhật, tuy nhiên mức thay đổi là không đáng kể.

Còn nếu theo số liệu cơ cấu tín dụng cập nhật trên website của NHNN đến cuối tháng 7/2019, hầu hết lĩnh vực cũng đều cho thấy tăng trưởng yếu hơn so với cùng kỳ năm 2019 trong đó lĩnh vực công nghiệp và thương mại ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 5,92% và 8,02% từ đầu năm đến nay - thấp hơn rất nhiều so với mức 8,21% và 12,31% của tháng 7/2018. Các lĩnh vực nông lâm thủy sản, xây dựng, vận tải và viễn thông đều tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Duy chỉ có lĩnh vực hoạt động dịch vụ khác tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 9,55% - cao hơn nhiều so với 7,41% của tháng 7/2018 và tín dụng tiêu dùng cũng được xếp vào nhóm này.

Với hoạt động cho vay chậm lại trong năm nay, lợi nhuận các nhà băng sẽ phần nào bị ảnh hưởng, nhất là cộng thêm mặt bằng lãi suất tiền gửi thời gian qua đã cao hơn so với đầu năm nay, cùng với việc các ngân hàng thay phiên nhau phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư, khiến các ngân hàng phải đối mặt với chi phí vốn đầu vào gia tăng. 

Với kết quả 9 tháng đầu năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay có thể khó đạt được. Dù vậy, đứng về phía nhà điều hành, ổn định vĩ mô là quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi tăng trưởng GDP vẫn đạt mục tiêu dù tăng trưởng tín dụng thấp. Có thể thấy thời gian qua NHNN cũng kiểm soát và liên tiếp cảnh báo về hoạt động tín dụng của các nhà băng, từ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và thậm chí là vay tiêu dùng.

Ở góc độ các ngân hàng, những khó khăn trong việc tăng vốn tự có, khả năng đáp ứng các tiêu chí an toàn mới từ đầu năm sau, nguồn vốn huy động từ khách hàng tăng trưởng khiêm tốn, nên việc đẩy mạnh tín dụng cũng có nhiều hạn chế, dù hạn mức để phát triển thêm trong thời gian còn lại của năm nay không phải là thấp. Cần nhớ rằng vào cuối tháng 6 năm nay, một loạt ngân hàng cũng đã được điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 do đáp ứng sớm yêu cầu triển khai Basel 2, dù vậy việc đẩy mạnh hoạt động cho vay cũng không được như kỳ vọng theo mục tiêu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nửa tháng, tín dụng tăng thêm gần 40 nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO