Nhiều ngân hàng lỡ kế hoạch lên sàn

Anh Khoa| 19/12/2019 07:00

Trái ngược với những tuyên bố rầm rộ hồi đầu năm, cuối năm 2019 chỉ mới có vỏn vẹn một ngân hàng hoàn thành việc niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán. Vì đâu nhiều ngân hàng lại tiếp tục lỡ kế hoạch lên sàn?

Nhiều ngân hàng lỡ kế hoạch lên sàn

Lỡ... là chuyện thường

Cái tên duy nhất đã niêm yết trong năm nay là Vietbank - một ngân hàng (NH) có quy mô nhỏ với vốn điều lệ và tổng tài sản tính đến cuối quý III/2019 là 4.190 tỷ đồng và 61.505 tỷ đồng, khi vào ngày 30/7/2019, hơn 419 triệu cổ phiếu VietBank đã chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VBB.

Hai NH khác cũng đã bước đầu đăng ký hồ sơ niêm yết là Hàng hải (MSB) và Bản Việt, nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Theo chia sẻ của MSB, có thể phải qua Tết Nguyên đán (tháng 2/2020) việc niêm yết mới hoàn thành, trong khi Bản Việt dù đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với mã BVB trong tháng 9/2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc niêm yết trên UPCoM.

Hồi đầu năm nay, trong đại hội cổ đông, hàng loạt NH như ABBank, SeABank, MSB, OCB, Nam Á... đã đặt ra kế hoạch sẽ niêm yết trong năm nay hoặc chậm nhất là vào năm sau, nhưng tiến độ cho đến hiện tại vẫn chưa được như kỳ vọng. Đây cũng là diễn biến “quen thuộc” trong những năm trước đây, khi việc lên sàn không như hứa hẹn với cổ đông.

Những NH có cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá trên sàn OTC sẽ phải cân nhắc việc niêm yết, bởi đã lên sàn chính thức mà giá cổ phiếu vẫn lẹt đẹt thì không chỉ ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín, tác động lên kinh doanh, khó gọi thêm vốn, mà còn có thể làm thiệt hại cho cổ đông.

Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại đã có 18/35 NH niêm yết lên sàn, gồm 10 NH trên sàn HOSE là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MBBank, VPBank, Sacombank, HDBank, Eximbank, TPBank, ba NH trên sàn HNX là ACB, NCB và SHB, năm NH trên sàn UPCoM là LienvietPostbank, VIB, Bắc Á, Kiên Long, Vietbank. Như vậy, vẫn còn hơn 50% số NH chưa niêm yết.

Theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2018, một trong các mục tiêu của ngành NH đến năm 2020 là các NH thương mại cổ phần phải hoàn thành 100% việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Gần đây hơn, Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019, cũng đặt thời hạn cuối niêm yết vào năm 2020 cho toàn bộ ngân hàng thương mại.

Vì đâu?

Đã có nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, trong đó không ít biện giải từ chính các nhà băng. Về khách quan, lý do quen thuộc vẫn là vì thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi, dòng tiền yếu và thanh khoản ảm đạm. Trong bối cảnh đó, nếu lên sàn e rằng không thành công hoặc giá niêm yết sẽ không cao như kỳ vọng, gây khó khăn cho lộ trình gọi thêm vốn.

Hay cũng có những lý do đặc thù nằm ngoài mong muốn, như trường hợp của SeABank đã làm thủ tục đăng ký niêm yết từ tháng 4/2018, tiến hành lưu ký cổ phiếu tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM, tuy nhiên, tháng 12/2018, SeABank đã tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỷ đồng nên hồ sơ đăng ký, lưu ký phải bổ sung lại. SeABank cũng cho biết trong thời gian chưa niêm yết trên HOSE, cổ đông sẽ ủy quyền cho hội đồng quản trị xem xét, quyết định việc đăng ký giao dịch trên UPCoM trong trường hợp cần thiết.

Về yếu tố chủ quan, nhiều NH chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị kỹ càng cho lộ trình niêm yết hoặc thậm chí vẫn “cù cưa” chưa muốn lên sàn. Đầu tiên, nhóm NH này vẫn đang trong lộ trình tái cơ cấu, các tồn tại chưa khắc phục xong nên chưa thể lên sàn.

Lý do thứ hai là kết quả kinh doanh của một số nhà băng trong nhóm này không khả quan, lợi nhuận còn thấp, tỷ lệ nợ xấu cao, nên khó thu hút nhà đầu tư khi lên sàn, với định giá sẽ không cao như mong muốn. Những NH có cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá trên sàn OTC sẽ phải cân nhắc việc niêm yết, bởi đã lên sàn chính thức mà giá cổ phiếu vẫn lẹt đẹt thì không chỉ ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín, tác động lên kinh doanh, khó gọi thêm vốn, mà còn có thể làm thiệt hại cho cổ đông.

Một nhóm khác rơi vào tình trạng tài chính thiếu minh bạch, có nhiều vấn đề chưa giải quyết xong như cơ cấu sở hữu, cho vay sân sau, nên lên sàn thời điểm này chưa phù hợp, vì e ngại lộ ra những vấn đề gây bất lợi cho hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đưa yêu cầu với thời gian cụ thể để "ép" các NH phải lên sàn, giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong kinh doanh, nhưng không ít NH vẫn né tránh vì nếu đã niêm yết thì phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên.

Cuối cùng, có NH muốn tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông chiến lược để bán vốn trước khi niêm yết, nhằm tạo hiệu ứng hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nội. Như trường hợp của OCB cho biết sẽ niêm yết trong năm 2020 khi thị trường chứng khoán thuận lợi hơn, và trước đó sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Hay như NH Nam Á đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, trong đó có việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ngân hàng lỡ kế hoạch lên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO