Ngân hàng tăng vốn: Nhu cầu ngày càng cấp thiết

Anh Khoa| 15/08/2022 06:00

Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, các ngân hàng càng có động lực tăng vốn điều lệ để cải thiện nguồn vốn kinh doanh dài hạn, giảm bớt áp lực lên huy động trên thị trường 1.

Chạy đua tăng vốn

Ngân hàng TMCP Nam Á (NAB) mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ thêm 1.900 tỷ đồng, lên mức 8.464 tỷ đồng. Theo đó, NAB sẽ tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.230 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trước đó vào ngày 2/3/2022, Nam A Bank đã hoàn thành phát hành 143 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, qua đó nâng mức vốn điều lệ từ 5.134 tỷ đồng lên 6.564 tỷ đồng. 

Được biết tại đại hội thường niên đầu năm nay, cổ đông của ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 6.564 tỷ đồng lên 10.564 tỷ đồng theo ba cấu phần: phát hành 190 triệu cổ phần để trả cổ tức, chào bán 50 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán 160 triệu cổ phần riêng lẻ. Như vậy, NAB sẽ phải tăng thêm 2.100 tỷ đồng vốn điều lệ nữa để hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm nay.

Tương tự, ngày 3/8/2022, Ngân hàng TMCP Kiên Long đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 578,4 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chia 16%, từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng.

Ngân hàng đang cấp thiết tăng vốn

Ngân hàng đang cấp thiết tăng vốn

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB) cũng cho biết tiếp tục phát hành 59,4 triệu cổ phiếu lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) trong quý III để tăng vốn điều lệ. SSB cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng thông qua phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. SSB cũng đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức từ giữa tháng 6.

Một số ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn khủng như VPBank dự kiến tăng từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng trong năm nay, nếu thành công sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống. Hay như SHB cũng có kế hoạch tăng thêm 9.334 tỷ đồng, MBBank tăng thêm 9.100 tỷ đồng, TPBank tăng 5.300 tỷ đồng, MSB tăng 4.725 tỷ đồng, OCB tăng 4.186 tỷ đồng...

Ở khối NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, trong đó BIDV có kế  hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên mức 61.208 tỷ đồng, Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng; VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.

Nhu cầu cấp thiết

Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, các ngân hàng càng có động lực tăng vốn điều lệ để cải thiện nguồn vốn kinh doanh dài hạn, giảm áp lực lên huy động trên thị trường 1. Đặc biệt, với áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu, nhu cầu tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính nội tại càng trở nên quan trọng.

Dưới sức ép thắt chặt chính sách tiền tệ đến từ ngân hàng trung ương nhiều nước, đến nay lãi suất điều hành Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở ngưỡng 4%. Tuy nhiên, NHNN cũng đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá thông qua việc bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 6 vừa qua. 

Tại đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã định hướng về việc đảm bảo vốn điều lệ của các ngân hàng. Theo đó, đến năm 2025, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiếu 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, các ngân hàng càng phải sớm chạy đua tăng vốn điều lệ ngay từ lúc này.

Với nhu cầu vay đang phục hồi tích cực, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nửa đầu năm nay và đang chờ đợi được nới room tín dụng trong thời gian còn lại của năm, nhu cầu tăng vốn càng trở nên cấp thiết để tăng trưởng quy mô kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn. 

Trong khi đó, với nhu cầu vay đang phục hồi tích cực, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nửa đầu năm nay và đang chờ đợi được nới room tín dụng trong thời gian còn lại của năm, nhu cầu tăng vốn càng trở nên cấp thiết để tăng trưởng quy mô kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn. Đơn cử như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm về 34% kể từ đầu tháng 10 tới.

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với cuối tháng 6. NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%.

Hầu hết ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi, đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chuyển đổi số đang diễn ra quyết liệt giữa các nhà băng, nhu vầu vốn để đầu tư cần thiết hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng tăng vốn: Nhu cầu ngày càng cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO