Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh khung lãi suất huy động

Anh Vĩnh| 23/04/2020 06:44

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN) không thể phục hồi như những năm trước trong năm nay, mà DN cần thời gian dài. Do vậy nhu cầu giảm lãi suất vay cần lâu dài. Những quy định hỗ trợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất khó giúp DN duy trì và phát triển.

Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh khung lãi suất huy động

NHNN là một trong những cơ quan triển khai nhanh nhất tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN được xem là cơ sở pháp lý giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai giải pháp hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020. Thông tư này hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo kết quả khảo sát ý kiến của DN về tình hình tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cho thấy, chính sách hỗ trợ cần nhất cho DN lúc này là các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn trả nợ, hạ lãi suất cho vay để duy trì sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này không dễ thực hiện từ hai phía, DN và các TCTD. Khó khăn từ những e ngại về trách nhiệm pháp lý của các TCTD và khả năng chứng minh thiệt hại của DN để được hỗ trợ.

Theo hướng dẫn của thông tư này, các TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng và chịu trách nhiệm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…

Thực tế, việc DN ảnh hưởng đến đâu thì không phải cơ quan nào cũng xác nhận được mà DN phải tự xác định, ngân hàng là người cho vay thì phải xem xét đánh giá mức độ thiệt hại của DN bao nhiêu mới cho giảm lãi suất, vì sau này, nếu ngân hàng làm không cẩn thận, có thể 5-7 năm sau khi cơ quan nhà nước hỏi cơ sở nào để ngân hàng giảm lãi suất và tại sao lại có cơ chế này thì rất khó cho ngân hàng. 

Đối với ngân hàng, khi đánh giá khách hàng, họ không chỉ nhìn vào báo cáo tài chính hay tài sản mà nhìn vào cả dòng tiền và xem xét đến những nhà cung cấp phân phối nhằm biết được dòng tiền khi nào DN nhận được để quản trị rủi ro. Dòng vốn ưu đãi đa phần là tiền gửi của người dân, không phải tiền hỗ trợ của chính sách, do đó các ngân hàng cũng phải thận trọng để đảm bảo an toàn vốn tránh rủi ro nợ xấu.

Ngoài ra, hiện nay số lượng DN có nhu cầu xin cơ cấu lại nợ rất lớn. Hồ sơ xét duyệt chặt chẽ, dòng vốn huy động trước đây lãi suất cao, nên việc chậm trễ do quá tải hồ sơ và chậm giảm lãi suất là khó tránh khỏi. 

Còn về phía DN thì cho rằng, NHNN đã triển khai từ ngày 31/3/2020 nhưng đến hôm nay nhiều ngân hàng vẫn chưa giảm lãi suất cho các DN, mà chỉ giảm các khoản vay mới từ 0,2-0,5%, còn các khoản vay cũ đa số là chưa giảm. Thủ tục phức tạp, DN khó có thể tiếp nhận được chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, hoặc khi tiếp nhận được thì DN đã không còn đủ sức để vươn lên.

Nhiều DN cho rằng, so với cuộc khủng hoảng năm 2008, dịch Covid - 19 lần này sức ảnh hưởng nền kinh tế và DN lớn hơn rất nhiều. Tình hình kinh doanh không thể ổn định như những năm trước trong một vài năm mà DN cần thời gian dài để hồi phục. Do vậy, nhu cầu giảm lãi suất vay của DN cũng cần lâu dài. 

Để có dòng vốn cho vay rẻ như vậy, ngoài việc các TCTD phải tiết giảm chi phí, NHNN nên điều chỉnh khung lãi suất huy động để các TCTD có lộ trình giảm lãi suất cho vay. Xem như là một sự chia sẻ cộng đồng giữa người gửi tiền, DN và các TCTD. Nếu thực hiện được việc này, sẽ mang tính chiến lược, quyết định cho việc phục hồi nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh khung lãi suất huy động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO