Ngân hàng Nhà nước chính thức cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Gia Lê| 11/09/2019 01:14

Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước chính thức cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Cụ thể, qua quá trình thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy hiện một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định tại Thông tư 39 ban hành năm 2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Vì vậy, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, phía nhà điều hành yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

Cũng theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, "sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm các quy định trên". Mặt khác, các TCTD cũng phải tự tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc các quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay. Đặc biệt lưu ý đến các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

Công văn trên có thể xem là hiện thực hóa chỉ đạo của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng, khi đó ông đã yêu cầu cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các TCTD tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.

Dư nợ cầm cố sổ tiết kiệm trong hệ thống các TCTD hiện không phải là con số nhỏ, vì không ít khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó có nhu cầu tài chính sẽ vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm chỉ từ 1-2%.  Điều này đã giúp khách hàng gửi tiền có thể lựa chọn rút trước hạn mà không chịu thiệt về lãi suất, khiến các quy định về rút trước hạn phải chịu lãi suất không kỳ hạn tại các nhà băng gần như mất hiệu lực.

Lựa chọn trên cũng giúp các ngân hàng có thể tư vấn cho khách hàng cứ mạnh dạn gửi các kỳ hạn dài, nếu cần tiền có thể lựa chọn giải pháp vay cầm cố sổ tiết kiệm mà không sợ thiệt về lãi suất, dẫn đến số dư tiền gửi trung dài hạn tại các nhà băng phản ánh không thực chất.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng thường sử dụng sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm để đẩy mạnh dư nợ vào thời điểm cuối mỗi năm, nhất là từ khi NHNN áp dụng chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng. Việc đẩy mạnh số dư dư nợ cuối kỳ tuy không thực chất nhưng sẽ giúp các ngân hàng có hạn mức tăng tuyệt đối cao hơn cho năm kế tiếp.

Theo quy định tại Thông tư 39, khách hàng vay đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và phải cung cấp cho TCTD các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Quy định này của NHNN có lẽ nhằm để hạn chế tình trạng lách các quy định rút trước hạn như đã nói, cũng như tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng mà có thể gây bất ổn cho hệ thống.

Thực tế cho thấy không ít khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn hoặc tham gia các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, mà có thể gây ra một số vấn đề cho hệ thống, nhất là trong bối cảnh hơn hai năm trở lại đây nhiều nhà băng liên tiếp phát hành các giấy tờ có giá với lãi suất rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Nhà nước chính thức cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO