Năm 2022, ngành ngân hàng lãi lớn

Anh Khoa| 10/02/2023 01:00

Các ngân hàng (NH) liên tục công bố lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng mạnh và vượt chỉ tiêu đề ra. Với những thách thức phải đối mặt trong thời gian vừa qua, đâu là yếu tố giúp các NH tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội?

Tăng trưởng mạnh mẽ

Tốp đầu về tăng trưởng trong năm vừa qua phải kể đến BIDV với lợi nhuận trước thuế tăng đến 70% so với năm 2021, đạt 23.058 tỷ đồng. Tuy nhiên, quán quân về con số lợi nhuận tuyệt đối vẫn là Vietcombank với lãi trước thuế hơn 36.693 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021 và vượt 20% mục tiêu lợi nhuận là 30.675 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank cũng vượt 6% mục tiêu lợi nhuận đặt ra, khi đạt hơn 21.113 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Ở nhóm NH TMCP tư nhân, MBBank đã vươn lên xấp xỉ hai NH TMCP quốc doanh là BIDV và VietinBank, khi lợi nhuận trước thuế đạt 22.729 tỷ đồng, tăng mạnh 38% so với năm trước và vượt 12% kế hoạch. Trong khi đó, dù đang trong lộ trình tái cơ cấu, Sacombank vẫn báo lãi trước thuế hơn 6.339 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với năm trước và vượt 20% mục tiêu 5.280 tỷ đồng lãi trước thuế.

Ở nhóm tăng trưởng cao còn phải kể đến SHB khi công bố lãi trước thuế đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54%, dù chỉ mới thực hiện được 83% chỉ tiêu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 11.686 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2022. Hay như TPBank đã đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. SeABank thu được 5.069 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với năm trước và vượt 4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 4.867 tỷ  đồng.

Vietcombank vững chắc ở ngôi vị quán quân lợi nhuận

Vietcombank vững chắc ở ngôi vị quán quân lợi nhuận

Các NH quy mô nhỏ cũng có kết quả kinh doanh khả quan, dù phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt. Nam Á với hầu hết mảng kinh doanh tăng trưởng giúp lợi nhuận trước thuế đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước. PG Bank thu được gần 506 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54% so với năm trước và vượt 18% kế hoạch lãi trước thuế 430 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có những nhà băng chưa thể hoàn thành kế hoạch năm dù vẫn tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. Ngoài SHB kể trên, còn có MSB công bố đạt hơn 5.787 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với năm trước, nhưng so với kế hoạch 6.800 tỷ đồng thì chỉ mới đạt 85%. Thậm chí cũng có số ít NH ghi nhận sự sụt giảm, như KienlongBank báo lãi trước thuế giảm 32% so với năm trước, còn 682 tỷ đồng do dự phòng rủi ro gấp 5,8 lần năm trước.

Lãi lớn nhờ đâu?

Hầu hết NH công bố lãi lớn đều nhờ vào quy mô kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ở mảng tín dụng, dù năm 2022 có những thời điểm  phải kiểm soát cho vay vì hết dư địa phát triển. Tuy nhiên, với dư nợ tín dụng toàn ngành kết thúc năm 2022, tăng trưởng ở mức khá cao là 14,5%, có thể thấy nhiều NH đã hưởng lợi lớn khi quy mô tín dụng tiếp tục tăng cao.

Đơn cử như dư nợ cho vay khách hàng của SeABank tăng đến 21% lên 153.955 tỷ đồng, Nam Á tăng 16% lên 119.538 tỷ đồng, Sacombank tăng 13% lên 438.627 tỷ đồng, Vietinbank tăng 13% lên hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, ở các NH có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc, dư nợ cho vay còn tăng trưởng cao hơn, với MBBank tăng 27% lên mức 460.574 tỷ đồng, còn Vietcombank tăng 19% lên gần 1,14 triệu tỷ đồng.

Việc chuyển dịch tỷ trọng dư nợ cho vay sang mảng bán lẻ nhiều hơn, với các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng có biên lãi suất cao hơn cũng giúp các NH tăng trưởng lợi nhuận ngày càng cao khi hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn. Đáng lưu ý là năm 2022, các NH không phải dành nguồn lực quá lớn để hỗ trợ giảm lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như năm 2020 và 2021.

Các nguồn thu nhập phi lãi cũng đóng góp ngày càng lớn vào kết quả lợi nhuận, trong đó không chỉ bao gồm nguồn thu nhập dịch vụ như những năm qua mà còn là lợi nhuận ở mảng kinh doanh ngoại hối, đầu tư hay thu nhập bất thường từ xử lý nợ. 

Đơn cử như kinh doanh ngoại hối của Vietcombank năm 2022 thu được khoản lãi gần 5.761 tỷ đồng, tăng 32%, BIDV thu được hơn 3.140 tỷ đồng tiền lãi, tăng 66%, trong khi mua bán chứng khoán đầu tư thu được số lãi gần 259 tỷ đồng, tăng 25%. Tại VietinBank, lãi từ dịch vụ tăng 23%, lên 6.089 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng đến 97%, lên 3.570 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 94%, lên 6.604 tỷ đồng. 

Có thể thấy, dù thị trường ngoại hối trong năm 2022 có nhiều thời điểm bất ổn, tỷ giá chịu không ít áp lực nhưng nhiều NH đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ. Chẳng hạn, kinh doanh ngoại hối mang về cho MBBank khoản lãi 1.704 tỷ đồng, tăng 28%, MSB thu lãi 1.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm trước.

Các nguồn thu nhập phi lãi cũng đóng góp ngày càng lớn vào kết quả lợi nhuận của các NH, trong đó không chỉ bao gồm nguồn thu nhập dịch vụ như những năm qua mà còn là lợi nhuận ở mảng kinh doanh ngoại hối, đầu tư hay thu nhập bất thường từ xử lý nợ.

Tại SeABank, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 19%, đạt hơn 1.367 tỷ đồng, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán và dịch vụ đại lý bảo hiểm. Kinh doanh ngoại hối thu được 224 tỷ đồng tiền lãi, tăng 50%, trong khi mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư thu được số lãi lần lượt hơn 228 tỷ đồng và 621 tỷ đồng, gấp 3,9 lần và hai lần năm trước.

Các nguồn thu ngoài lãi của Nam Á cũng tăng trưởng tốt, như lãi từ dịch vụ tăng 32%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 24%, lãi từ hoạt động khác đạt 303 tỷ đồng. Các nguồn thu nhập phi tín dụng của Sacombank cũng tăng mạnh, như lãi từ dịch vụ tăng 20%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 44%, hoạt động khác thu được khoản tiền lãi hơn 2.745 tỷ đồng, gấp 6 lần năm trước. Còn tại SHB, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng vọt 51%, đạt gần 882 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhiều NH trong năm 2022 cũng giảm so với năm trước nhờ thu hồi  nợ, giảm được nợ xấu, nợ tái cơ cấu. Như SHB giảm 29% chi dự phòng rủi ro tín dụng so với năm trước, BIDV giảm 19%, MSB giảm đến 69%, Vietcombank cũng giảm 17%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2022, ngành ngân hàng lãi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO