Mobile Money sẽ đưa tiền mặt lùi vào dĩ vãng?

Gia Lê| 11/06/2020 06:57

Trong những ngày cuối tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Như vậy, sau một thời gian chờ đợi, người dân sắp có thể thanh toán không tiền mặt mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.

Mobile Money sẽ đưa tiền mặt lùi vào dĩ vãng?

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ, trong khi các công ty viễn thông đã chuẩn bị sẵn sàng cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Dự kiến, Mobile Money sẽ không cho phép nạp tiền từ thẻ cào, mà người dùng phải nạp, rút tiền qua hai cách: đối với người có tài khoản ngân hàng có thể nạp qua tài khoản, nếu không có tài khoản ngân hàng (có hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng) thì có thể nạp tiền thông qua các điểm nạp, rút tiền mặt nhưng không quá 10 triệu đồng/tháng.

Dù vậy, đây sẽ là một bước đột phá trong việc cải tiến các phương tiện thanh toán, đáp ứng các mục tiêu của Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy nhu cầu sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử thay thế cho tiền mặt - vốn được xem là ổ vi trùng lây lan các bệnh truyền nhiễm, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thống kê cho thấy việc sử dụng tiền mặt cũng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, trước sự phát triển mạnh mẽ công nghệ ngân hàng điện tử (Ebanking), ví điện tử (Fintech). Cụ thể, đến cuối năm 2019, giao dịch qua Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua điện thoại di dộng tăng tương ứng 198% và 210% so với cùng kỳ năm 2018.

Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hằng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Việc sớm triển khai Mobile Money cũng sẽ giúp mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện của ngành ngân hàng sớm hoàn thành, khi có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính - ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Việc sớm triển khai Mobile Money cũng sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy công ty Fintech, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì tất cả quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.

Nhiều chuyên gia dự báo, thanh toán không tiền mặt là tương lai và xã hội không tiền mặt có thể sẽ phổ biến từ năm 2022, vì vậy Việt Nam khó có thể nằm ngoài xu hướng này. Với tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng với sự gia nhập của các hình thức thanh toán hiện đại, tiện lợi như Mobile Money, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm gia nhập những quốc gia "từ giã" tiền mặt.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rủi ro của một thế giới không tiền mặt, theo đó, có thể giới hạn khả năng giao dịch của người nghèo, có nợ nần hay người khuyết tật, người ở nông thôn, hoặc bất kỳ ai có khả năng bị lệ thuộc tài chính vào kẻ xấu. Bên cạnh đó, nguy cơ nền kinh tế có thể bị đe dọa nghiêm trọng bởi tấn công mạng và lỗi hệ thống cũng cần phải dè chừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mobile Money sẽ đưa tiền mặt lùi vào dĩ vãng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO