Covid-19 ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng?

Ý Nhi| 26/04/2020 03:00

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 sẽ là thách thức với các ngân hàng. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng sớm những giải pháp ứng phó đã phần nào giúp các ngân hàng hạn chế thiệt hại trong quý I và những tháng tiếp theo của năm 2020.

Covid-19 ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng?

Chuẩn bị ứng phó

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, VPBank cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng kinh doanh của VPBank vẫn tích cực với 2.911 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ là 2.074 tỷ đồng và của Công ty FE Credit là 917 tỷ đồng. 

VPBank cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, các mục tiêu kinh doanh cả năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, việc áp dụng sớm những giải pháp ứng phó với tác động từ Covid-19 cùng với việc tăng trưởng chất lượng có kiểm soát tốt rủi ro, thắt chặt giải ngân đối với sản phẩm có rủi ro cao, giúp ngân hàng tăng trưởng ổn định và các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của ngân hàng đạt 11,1%, vượt 3% so với mức tối thiểu 8%. Bên cạnh đó, an toàn thanh khoản của VPBank với các tỷ lệ đang được kiểm soát tốt, đặc biệt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 28,7%, cách xa ngưỡng 40% của Ngân hàng Nhà nước. Điều này đã hỗ trợ cho VPBank sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi của thị trường. 

Việc thu hồi nợ cũng mang lại những kết quả tích cực ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit, giúp đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59% tại cuối quý 1/2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15% trong cùng thời kỳ. Kết thúc ba tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 9.906 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cũng kỳ năm trước. Thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất đạt 695 tỷ đồng, tăng 33,4% so với năm trước. Trong đó, thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%. Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng hợp nhất.

Trong khi đó, quý 1/2020, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) lại bị giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Lý do được SCB lý giải là do triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như giảm phí phát hành L/C, miễn phí Internet Banking, Mobile Banking, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng, chuyển tiền nhanh 24/7, giảm lãi cho khách hàng…

Tuy nhiên, trong quý I/2020, tổng tài sản của SCB tiếp tục nằm trong Top 5 Ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất nước. Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản SCB đạt 580.204 tỷ đồng, tăng 13.397 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thời điểm đầu năm 2020. Thu nhập lãi thuần SCB trong quý I/2020 đạt 1.130 tỷ đồng, hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó các khoản thu nhập lãi thuần và các khoản tương đương tăng 24% so với cùng kỳ. Quý I/2020, SCB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 22,2 tỷ đồng, sau khi trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 653,726 tỷ đồng.

SCB cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính. Đây được xem là phương án tái cơ cấu chủ động hỗ trợ thêm một số cơ chế mới và giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính giúp SCB vững chắc hơn sau quá trình tái cơ cấu trước đó.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu, SCB cũng chủ động trích lập dự phòng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 2.373 tỷ đồng nhằm giúp SCB đảm bảo nền tảng tài chính chắc chắn trong giai đoạn tái cơ cấu.

So với năm 2018, năm 2019 dư nợ cho vay của SCB đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,06%; tiền gửi khách hàng đạt 438.833 tỷ đồng, tăng 13,9%; phát hành giấy tờ có giá đạt 49.874 tỷ đồng, tăng 49%. Tính đến cuối năm 2019, tổng số dư huy động thị trường một của SCB lên đến 488.707 tỷ đồng. 

So với VPBank và SCB, Vietcombank có mức giảm nhiều nhất. Theo công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 của ngân hàng này, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.182 tỷ đồng, giảm 11,3% so với quý I/2019. Trong đó, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ quý I giảm 506 tỷ đồng (tương đương 10,98%) so với cùng kỳ.

Theo giải trình của ngân hàng, nguyên nhân  do lợi nhuận trước thuế riêng lẻ giảm so với quý I/2019 khoảng 632 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng trong khi thu từ lãi, thu từ hoạt động dịch vụ tăng thấp.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 650 tỷ đồng chủ yếu do dư nợ tín dụng tăng so với cùng kỳ năm 2019 và ngân hàng đã trích lập dự phòng để đảm bảo khả năng phòng thủ trước những rủi ro biến động thị trường thời gian qua và trong thời gian tới do ảnh hưởng của Covid-19.

Đối với số liệu báo cáo tài chính hợp nhất, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế quý I/2020 hợp nhất giảm 534 tỷ đồng (tương đương 11,3%) nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 661 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương đương 11,24%), chủ yếu do tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 647 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tương tự như nguyên nhân nói trên, trong đó có ảnh hưởng của Covid-19.

Tăng kích cầu

Để tăng trưởng kinh doanh, các ngân hàng cũng có nhiều hoạt động kích cầu như SCB triển khai nhiều chương trình dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đây cũng là ngân hàng tiên phong triển khai gửi sổ tiết kiệm trực tuyến có tích hợp mã QR Code qua email và SMS cho các khách hàng sử dụng sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm online”. 

So với cùng kỳ 2019, số lượng thẻ tín dụng SCB phát hành mới trong quý I/2020 tăng 23%, số lượng thẻ thanh toán phát hành mới tăng 28%. Kết thúc quý I/2020, SCB cũng ghi nhận tăng trưởng trên 45% về số lượng user mới và 119,36% về số lượng giao dịch qua Internet Banking và Mobile Banking. Nhiều mảng kinh doanh của SCB ghi nhận tăng trưởng cao trong năm qua như thu nhập lãi thuần đạt 3.942 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.227 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 440 tỷ đồng.

Tương tự, VPBank cũng đẩy mạnh hàng loạt các ưu đãi cho giao dịch trực tuyến nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt như miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất từ 0,2%/một năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn và giảm 10-25% giá trị mua sắm trên nhiều trang thương mại điện tử, triển khai “Học viện tiểu thương”, một chương trình giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi hình thức kinh doanh sang kênh online để duy trì được nguồn thu kinh doanh trong mùa dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Covid-19 ảnh hưởng lợi nhuận ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO