Chia cổ tức ngân hàng: Tiếp tục bị cổ đông chất vấn

Ý Nhi| 14/06/2020 07:51

Mùa đại hộ cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, nhiều ngân hàng lại tiếp tục bị cổ đông chất vấn vì ...không chia cổ tức.

Chia cổ tức ngân hàng: Tiếp tục bị cổ đông chất vấn

Lợi nhuận các ngân hàng đều tăng, nhưng...

Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Ngân hàng Sacombank, ông Phạm Văn Phong-Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT), cho biết trong năm 2019, Sacombank tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành 3 trong số 6 chỉ tiêu chính, các chỉ tiêu còn lại cũng đạt trên 97% kế hoạch.Trên đà đó, kế hoạch 2020, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.573 tỷ đồng và nợ xấu kiểm soát dưới 3%, phấn đấu đạt lợi nhuận bằng với năm 2019, tổng huy động 457.200 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

Riêng 5 tháng đầu năm nay lợi nhuận cao hơn 5 tháng đầu năm 2019, ở mức 1.303 tỷ đồng. Các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng tăng trên dưới 5%.

Trước đó, ĐHCĐ Ngân hàng MSB cũng cho biết, năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 157 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018 và hoàn thành 103% so với kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng hơn 23% đạt gần 68 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 25% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, Quý I/2020, lợi nhuận trước thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng gần 297% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 265%. 

Năm 2019, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng  đã hoàn thành vượt kế hoạch với lợi nhuận trước thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 328,2 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng thu nhập đạt 3.618,3 tỷ đồng, tăng 25% so, dư nợ tín dụng đạt 63.028 tỷ đồng, tăng 10% và hoàn thành 100% kế hoạch năm 2019. Trong đó, cả 3 phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, SMEs, cá nhân đều ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt lần lượt 5%, 26%, 12%. Đặc biệt, năm 2019, ABBANK phát hành thành công 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 03 năm góp phần làm tăng nguồn vốn trung hạn của ngân hàng.

Tương tự, sau khi trích các quỹ lợi nhuận sau thuế năm 2019, lợi nhuận  KienLong Bank còn hơn 57 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của các năm trước còn 260 tỷ đồng, tổng số lợi nhuận còn lại lũy kế là hơn 317 tỷ đồng.

...Không chia cổ tức, vì sao?

 Mặc dù doanh thu năm 2019 của hầu hết các ngân hàng tăng trưởng  tốt và tại ĐHCĐ thường niên của MSB cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% trong năm 2020, nhưng lại thông báo không chia cổ tức cho năm 2019 mà sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm 2019 để tái đầu tư vào hoạt động của ngân hàng trong năm 2020. 

BB14UGVa-3014-1592131733.jpg

Đại hội cổ đông Sacombank

Lý giải việc không chia cổ tức, ông Nguyễn Hoàng Linh-Tổng giám đốc MSB khẳng định: ‘Việc không chia cổ tức năm 2019 nhằm đảm bảo ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tốt, đảm bảo vận hành an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và dịch bệnh Covid-19”. Ông nhấn mạnh: ‘Năm 2020, MSB đặt ra  mục tiêu tăng trưởng đạt lợi nhuận trước thuế 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; tổng tài sản 170 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 81,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt 99 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Song, mục tiêu lớn nhất năm 2020 là phải xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC. Vì vậy, nếu chia cổ tức ngay sẽ ảnh hưởng đến năng lực hoạt động. Tuy nhiên, vị Tổng gíam đốc cũng "hứa" với cổ đông, dự kiến phần nợ xấu VAMC sẽ được xử lý sạch vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm nay và sẽ thuận lợi cho việc chia cổ tức 10% và năm sau.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank, nhiều cổ đông cũng chất vấn:‘Vì sao với lợi nhuận hơn 3.200 tỷ đồng trong năm 2019, ngân hàng vẫn không chia cổ tức? Ông Dương Công Minh- Chủ tịch HĐQT Sacombank trả lời: “HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua. Lợi nhuận giữ lại của Sacombank đã đạt hơn 4.000 tỷ. Hy vọng năm 2022-2023, ĐHCĐ sẽ không phải nói những điều như thế này. Khi ấy, tái cơ cấu xong, Sacombank chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần và cổ đông được chia cổ tức".

Thực tế nhiều năm qua, Sacombank chưa thể chia cổ tức do đang thực hiện tái cơ cấu hậu sáp nhập với ngân hàng Phương Nam. Theo kế hoạch năm nay, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng  nợ xấu nhưng một trong những tài sản thế chấp lớn nhất mà Sacobank đang muốn bán lại là Khu đô thị và công nghiệp Phong phú lại đang bị nhiều vướng mắc tồn tại và Ngân hàng đang đợi ý kiến của UBND TP.HCM để có thể phát mãi tài sản trở lại.

Tương tự, đặt ra hàng loạt muc tiêu tăng trưởng năm 2020 như lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.358 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 110.918 tỷ đồng (tăng 8,2% so với năm 2019), huy động từ khách hàng đạt 81.052 tỷ đồng (tăng 8,4% ), kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo quy định của NHNN nhưng ABBank cũng đề xuất chưa chia cổ tức 2019, nhằm tích luỹ vốn tăng cường năng lực tài chính, cải thiện chỉ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của NHNN về việc thực hiện đề án tự tái cơ cấu và chiến lược phát triển của Ngân hàng trong giai đoạn 2020 – 2025. “Lợi nhuận chưa phân phối sẽ được sử dụng để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong những năm tới cho cổ đông theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ và tạo lợi thế khi niêm yết cổ phiếu ABBank’, đại diện ABBank cho hay..

Còn tại SCB, sau khi hợp nhất với Ficombank và TinNghiaBank từ năm 2011 đến nay, nhà băng này phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu. Vì thế, SCB chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, cho dù đang có hơn 1.234 tỷ đồng lợi tức giữ lại (trong đó, quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỷ đồng và lợi nhuận để lại là hơn 700 tỷ đồng).

Ông Võ Tấn Hoàng Văn- Tổng giám đốc SCB cho biết, Ngân hàng rất thấu hiểu nỗi niềm của cổ đông trong nhiều năm qua không nhận cổ tức, nhưng nếu chia là làm trái quy định. SCB đang thực hiện tái cơ cấu và chưa xử lý xong nợ xấu (trái phiếu VAMC). Và cũng vì vấn đề này mà năm nay, SCB không đặt vấn đề ngân sách cho HĐQT.

Hàng loạt ngân hàng như VietinBank, Kienlong Bank, VPBank... cũng tiếp tục đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn điều lệ. Với lợi nhuận hơn 10 nghìn tỷ năm 2019, VPBank cũng cho biết sẽ không chia cổ tức trong năm nay. Ông Bùi Hải Quân- Phó chủ tịch HĐQT nói: "Mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng. Hiện, ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục, không thể dừng lại, cần tăng quy mô và hướng đến mục tiêu một trong những ngân hàng tốt nhất, vì thế ngân hàng không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm”.

Xác định việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, cải thiện hiệu quả sinh lời, tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh doanh, cơ cấu khách hàng, chú trọng quản lý chất lượng tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu, VietinBank cũng đề nghị để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. 

Tại Eximbank, lượng trái phiếu VAMC nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng và đã trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng. Vì vậy, Eximbank cũng cần xử lý tiếp hơn 1.100 tỷ đồng nữa là hoàn tất kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Khi đó, Eximbank mới có thể chia cổ tức cho cổ đông, sau nhiều năm nói không.

Hội đồng quản trị KienLong Bank cũng đề nghị không chia cổ tức năm 2019 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lựcc tài chính,tuân thủ giưới hạn về an tòan vốn theo quy định của NHNN và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh theo giai đoạn 2016-2020.

Hiện tại, bên cạnh những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, vướng nợ xấu nên không được chia cổ tức, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho khách hàng mùa dịch (Chỉ thị 02). Chính sách này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay, khi vừa đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông, đáp ứng quy định của NHNN, vừa có thể tăng được vốn, nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chia cổ tức ngân hàng: Tiếp tục bị cổ đông chất vấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO