Basel 2: Cuộc cạnh tranh mới giữa các nhà băng

Gia Lê| 17/09/2019 08:15

Với việc hoàn thành Basel 2 sớm, các ngân hàng không chỉ nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín khi nội lực tài chính được thể hiện minh bạch hơn theo chuẩn quốc tế, mà còn được cơ quan quản lý ưu ái hơn trong các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh.

Basel 2: Cuộc cạnh tranh mới giữa các nhà băng

Ngân hàng Thương mại CP Phát triển TP.HCM (HOSE: HDB) mới đây được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT- NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel 2) kể từ ngày 1/10/2019.

HDBank là ngân hàng thứ 10 đã được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel 2 sớm hơn thời gian quy định. Trước đó, vào tháng 11/2018, Vietcombank và VIB đã trở thành hai ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận tuân thủ và áp dụng Basel 2 từ ngày 1/1/2019. Chỉ một tháng sau đó, đến lượt OCB - một ngân hàng có quy mô tầm trung, bất ngờ cũng được phê chuẩn áp dụng Basel 2 sớm hơn thời hạn.

Bước sang năm 2019, có 5 ngân hàng MBBank, TPBank, ACB, Techcombank và VPBank đồng loạt được phê chuẩn vào tháng 4/2019, nâng số lượng ngân hàng áp dụng sớm Basel 2 lên con số 8 ngân hàng. Tiếp đến, trong tháng 6/2019, MSB - một trong 10 ngân hàng thí điểm Basel 2, cũng đã về đích trước thời hạn. Và giờ đây HDBank đã điền tên vào danh sách 10 ngân hàng đầu tiên triển khai thành công.

Link bài viết

Như vậy, trong số 10 cái tên được chọn để thí điểm Basel vào năm 2014, thì cho đến hiện tại chỉ có Vietinbank, BIDV, Sacombank là không thể hoàn thành theo kế hoạch. 

Nếu như Vietinbank gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn tự có do đã hết "room" để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thì Sacombank đã phải trải qua biết bao thăng trầm qua các cuộc đổi chủ, vướng vào nợ xấu và phải tự xây dựng lộ trình tái cấu trúc để phục hồi trở lại.

Riêng BIDV đã hoàn tất việc bán vốn cho đối tác của Hàn Quốc là Hana KEB nên dự kiến cũng sẽ tăng mạnh được vốn tự có trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, ba ngân hàng OCB, TPBank và HDBank dù không nằm trong danh sách các ngân hàng lựa chọn thí điểm nhưng đã chủ động hoàn thành sớm hơn thời hạn theo yêu cầu của Thông tư 41 đặt ra, đáp ứng chuẩn quản trị rủi ro quốc tế; trong đó, ngoài việc đánh giá được rủi ro tín dụng như từ trước đến nay, thì các ngân hàng còn phải định lượng được rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản vào mô hình tính toán. 

Do đó, các ngân hàng cần phải đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, các mô hình, công cụ tính toán và quản trị dữ liệu để đáp ứng nhu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đó chưa phải là thách thức lớn nhất, mà chính việc phải tăng vốn tự có để đáp ứng hệ số an toàn vốn theo cách tính mới mới là khó khăn lớn nhất của nhiều nhà băng trong thời gian qua. Chính vì vậy, có thể thấy câu chuyện tăng vốn luôn là mục tiêu quan trọng nhất được các ngân hàng đặt ra tại mỗi kỳ họp Đại hội cổ đông.

Với việc hoàn thành Basel 2 sớm, các ngân hàng không chỉ nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín khi nội lực tài chính được thể hiện minh bạch hơn theo chuẩn quốc tế, mà còn được cơ quan quản lý ưu ái hơn trong các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh. 

Đơn cử như ba ngân hàng đầu tiên áp dụng là VCB, VIB và OCB đầu năm 2019 đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. Tiếp đến nhóm năm ngân hàng MBBank, TPBank, Techcombank, ACB và VPBank đã được nhà điều hành nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm 4% từ cuối tháng 6/2019.

Ngoài ra, việc nâng cao hệ số an toàn vốn theo chuẩn quốc tế cũng giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng ngăn ngừa được những khủng hoảng có tính hệ thống.

Theo một đánh giá trước đây của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nếu tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng là 7% thì xác suất xảy ra khủng hoảng là khoảng 4,1%. Tỷ lệ CAR nếu tăng lên 1% thì xác suất xảy ra khủng hoảng của ngân hàng sẽ giảm đi từ 25-30%, tùy thuộc vào điểm khởi đầu của chỉ số vốn.

Đối với những ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn an toàn vốn theo quy định mới, trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến gần đây, thì ngoài các ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng chưa đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn cũng sẽ chưa phải áp dụng quy định của Thông tư 41, nhưng Thống đốc NHNN sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Basel 2: Cuộc cạnh tranh mới giữa các nhà băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO