Hơn 2.500 điểm là số điểm tăng mà chỉ số công nghiệp Dow Jones đạt được từ đầu năm 2019 tính đến phiên giao dịch 15/2 vừa qua, tương đương với mức tăng 11%.
Nếu tính riêng trong tháng 1 năm nay, chỉ số S&P 500 đã leo dốc đến 7,9%, đánh dấu tháng 1 tốt nhất kể từ năm 1987, trong khi chỉ số Dow Jones cũng tăng mạnh 7,2%, ghi nhận tháng 1 tăng tốt nhất từ năm 1989. Chỉ số Nasdaq cũng có tháng 1 tuyệt vời nhất kể từ năm 2001 đến nay, với mức tăng đạt được trong tháng là 9,7%.
Phiên cuối tuần qua cũng đánh dấu tuần thứ 8 đi lên liên tiếp của chỉ số Dow Jones và Nasdaq, và cũng là tuần thứ 7 tăng điểm của chỉ số S&P 500 trong 8 tuần vừa qua.
Như vậy có thể thấy sau khi tạo đáy trong tuần lễ Giáng sinh năm 2018, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã thiết lập xu hướng tăng trở lại kể từ tuần cuối tháng 12/2018 đến nay.
Với mức điểm 25.883,25 điểm đóng cửa trong phiên 15/2, chỉ số Dow Jones đang ở mức cao nhất trong năm 2019 này, và chỉ còn cách 3,5% so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại đạt được vào ngày 3/10/2018. Đáng lưu ý là cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đang ở mức đỉnh cao nhất trong năm nay.
Trái với đà tăng trong năm 2018 phần lớn nhờ vào nhóm cổ phiếu công nghệ có vốn hóa lớn dẫn dắt, xu hướng phục hồi trong gần 2 tháng qua của chứng khoán Mỹ chứng kiến sự đi lên của nhiều nhóm ngành khác nhau, từ tài chính, công nghệ, năng lượng cho đến sản xuất và hàng tiêu dùng.
Diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt gần đây sau những vòng đàm phán liên tiếp thời gian qua đã giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan trở lại, và lan tỏa đến nhiều nhóm ngành khác nhau, trong đó nhóm ngành sản xuất vẫn đang được lợi nhất.
Các cuộc đàm phán cấp cao tại Bắc Kinh trong tuần qua đã kết thúc với những tiến bộ đạt được từ cả 2 bên, và vòng đàm phán kế tiếp dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tuần kế tiếp tại Washington được hứa hẹn sẽ ghi nhận sự nỗ lực từ cả 2 phía, khi mà hạn chót 1/3 sắp kết thúc.
Trong khi đó, giá dầu thế giới phục hồi trở lại cũng ảnh hưởng tích cực lên nhóm cổ phiếu năng lượng. Giá dầu trong tuần qua tiếp tục tăng mạnh 5%, lên mức cao nhất trong 3 tháng qua, giữa bối cảnh nguồn cung dầu tiếp tục bị thắt chặt từ ảnh hưởng cấm vận Venezuela và Iran, cũng như nhóm OPEC mà dẫn đầu là Arab Saudi chủ động cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, cuộc họp chính sách trong tháng 1 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chứng kiến lãi suất được giữ nguyên, cùng với quan điểm của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này thay đổi chuyển sang thái độ ôn hòa nhiều hơn cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm. Từ kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, hiện FED tỏ dấu hiệu chỉ còn 1 - 2 lần tăng, hoặc thậm chí là không có thêm lần tăng nào theo như dự báo của giới phân tích.
Việc chính phủ Mỹ tránh được khả năng đóng cửa thêm lần nữa sau khi lưỡng viện thông qua được thỏa thuận sơ bộ về ngân sách tài trợ cho bức tường biên giới phía Nam, dù chi phí thấp hơn đề xuất của Tổng thống Trump cũng tác động tích cực lên thị trường.
Ngoài ra, những số liệu kinh tế tích cực của Mỹ từ thị trường lao động, các chỉ số lĩnh vực sản xuất, lạm phát và bán lẻ tiếp tục cho thấy triển vọng của nền kinh số 1 thế giới vẫn đang ổn định, nên nhà đầu tư càng có cơ sở để rót tiền vào những kênh đầu tư tiềm năng như chứng khoán.