Nếu mọi việc thuận lợi, những viên thuốc uống đầu tiên trị Covid-19 có thể ra mắt vào cuối năm nay. |
"Vaccine rõ ràng vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí chống Covid-19 của chúng tôi. Thuốc kháng virus đóng vai trò bổ trợ quan trọng cho các loại vaccine hiện có, nhất là với người có bệnh lý có thể khiến họ chịu rủi ro hơn và người không nhận được hiệu quả bảo vệ cao từ vaccine", bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, nói ngày 17/6/2021.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa công bố kế hoạch đầu tư 3,2 tỷ USD để thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng trên một số ứng viên thuốc kháng virus điều trị Covid-19 tiềm năng, như thuốc Molnupiravir của Merck. Dự kiến, kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trên loại thuốc này sẽ có kết quả vào mùa thu tới.
Theo hãng tin AP, khoản tài trợ trên của Chính phủ Mỹ sẽ được sử dụng để đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng và hỗ trợ thêm cho công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc trong khu vực tư nhân.
Cho tới nay, Mỹ đã phê chuẩn một loại thuốc kháng virus là Remdesivir để điều trị Covid-19, cũng như cho phép sử dụng khẩn cấp 3 loại kháng thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, tất cả thuốc hay kháng thể này đều phải được tiêm qua tĩnh mạch ở bệnh viện.
Do đó, giới chuyên gia y tế đang kêu gọi điều chế một loại thuốc viên để bệnh nhân có thể uống tại nhà, ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Một số hãng dược khác cũng đang bắt tay vào nghiên cứu như Pfizer và Atea-Roche, song kết quả nghiên cứu ban đầu chưa thể có trong vài tháng tới.
Với tên gọi Chương trình Chống virus cho các Đại địch, kế hoạch nói trên lấy ngân sách từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ - gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, được Quốc hội thông qua vào tháng 3. Nếu mọi việc thuận lợi, những viên thuốc uống đầu tiên có thể ra mắt vào cuối năm nay.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci cho biết, thuốc kháng virus sẽ là bộ phận bổ trợ quan trọng cho các loại vaccine hiện có. Ảnh: AP |
Được biết, người bệnh sẽ được cho uống thuốc kháng virus từ sớm sau khi xác nhận mắc Covid-19 để ngăn chặn bệnh chuyển nặng. Ngoài ra, Chương trình Chống virus cho các Đại dịch cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu các loại thuốc hoàn toàn mới - không chỉ đối với SARS-CoV-2, mà còn đối với các virus có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
"Hiện, có rất ít phương pháp điều trị đối với nhiều virus có khả năng gây ra đại dịch" ông Fauci cho biết, đồng thời nhắc đến các virus như Ebola, sốt xuất huyết, Tây sông Nile, và virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông.
Trước đó, Mỹ đã đồng ý chi 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir đang trong giai đoạn thử nghiệm. Thuốc Molnupiravir được hãng dược Merck và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics cùng hợp tác phát triển.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cùng ngày cho biết, 13 bang của Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 50% dân số, gồm: Hawaii, Connecticut, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont và Washington.
Hiện, 44,1% dân số Mỹ (khoảng 146,5 triệu người) đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Tốc độ tiêm chủng của Mỹ vào khoảng 1,2 triệu liều mỗi ngày.