Mỹ thúc đẩy "thương mại tự do, công bằng" với Việt Nam

NGUYỄN HOÀNG| 11/09/2018 01:15

Chúng tôi quan tâm đến thương mại tự do, công bằng với Việt Nam và mong muốn giải quyết những vấn đề đang cản trở việc phát triển thị trường của doanh nghiệp Mỹ”.

Mỹ thúc đẩy

Lần đầu tiên, ông Gilbert Kaplan - Thứ trưởng đặc trách thương mại quốc tế, thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ đến Việt Nam. Ngoài tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 10/9, ông Gilbert Kaplan đến Việt Nam còn để khẳng định cam kết "thương mại tự do, công bằng" của Tổng thống Donald Trump với các quốc gia mà Mỹ đang chịu nhập siêu, trong đó có Việt Nam, mặt khác là để hiện thực hóa một bước chiến lược "Indo-Pacific" (nối kết khu vực Đông Bắc Á - Đông Nam Á và mở đến Ấn Độ Dương) mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.

Theo Thứ trưởng Gilbert Kaplan, việc Mỹ hiện thực hóa chiến lược "Indo-Pacific"có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là do cục diện thế giới thay đổi: Trung Quốc muốn thiết lập vùng ảnh hưởng ở Đông Á, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm. Xét về kinh tế, chiến lược "Indo-Pacific" nhiều khả năng có lợi cho khối ASEAN khi Mỹ là thị trường lớn, có công nghệ cao, có thể hỗ trợ các nước Đông Nam Á. Chiến lược này cũng có thể giúp Việt Nam hưởng lợi, ít nhất là tương đương các nước trong khu vực.

Link bài viết

Dù vậy, giao thương với Mỹ là không đơn giản. Ông Gilbert Kaplan nói rằng "có nhiều việc cần làm" ngay cả khi thương mại giữa 2 nước đạt mức tăng trưởng cao, tới hơn 50 tỷ USD vào năm 2017. Hàng hóa của Mỹ đến Việt Nam đã tăng 61% chỉ trong 5 năm gần đây và tăng 200% trong 10 năm qua. Cùng với đó, thâm hụt thương mại giữa 2 nước đang dần được cải thiện, năm 2017 thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng lên bậc thứ 5, thay vì bậc thứ 6 vào năm 2016.

Theo Thứ trưởng Gilbert Kaplan, những con số về hoạt động thương mại chưa đủ để 2 nước phát triển thương mại lên mức cao hơn. Ông nói: "Chúng tôi quan tâm đến thương mại tự do, công bằng với Việt Nam và mong muốn giải quyết những vấn đề đang cản trở việc phát triển thị trường của doanh nghiệp Mỹ”. Việt Nam có trên 93 triệu người, ông Gilbert Kaplan cho đó là "lý do các doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn tại Việt Nam".

Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế có công nghệ cao, năng lực cạnh tranh lớn hơn. Hiện Mỹ đang phát triển tại Việt Nam chương trình hợp tác về hạ tầng công nghiệp trên 4 lĩnh vực hàng không, năng lượng, y tế, thành phố thông minh và thương mại số. Như vậy, nhu cầu nâng cấp nền kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam là phù hợp với quan điểm "tự do và công bằng" của Tổng thống Trump, kể cả đầu tư và thương mại.

Ông Gilbert Kaplan tin rằng, các công ty năng lượng của Mỹ có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực về năng lượng đang gia tăng, trong bối cảnh tới năm 2020, dự kiến nhu cầu về năng lượng tăng 10 - 12% mỗi năm. Vị thứ trưởng đến từ nước Mỹ cho biết sẽ gặp trực tiếp các đối tác tại Việt Nam để tiếp cận thị trường và mở rộng quan hệ thương mại 2 nước. 

Quan hệ Việt Nam - Mỹ đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam và Mỹ đã mở rộng hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu. Riêng đầu tư, tính đến hết tháng 6/2018, Mỹ có 877 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 9,37 tỷ USD, đứng thứ 10 trong 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam sau hơn 20 năm 2 nước bình thường hóa quan hệ. Hiện, kim ngạch thương mại 2 nước dần cân bằng, nửa đầu năm 2018, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 27,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ đã tăng 20% so với cùng kỳ 2017. Ông Dũng tin rằng điều này giúp Mỹ "không còn lo ngại" về việc nhập siêu từ Việt Nam.

Dù vậy, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng "vẫn còn những vấn đề khác biệt về mặt kỹ thuật và trách nhiệm của mỗi bên. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Phòng Thương mại của 2 nước cần tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp 2 nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ thúc đẩy "thương mại tự do, công bằng" với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO