Xuất khẩu âm nhạc: Cần tầm nhìn dài hạn

Đinh Nguyễn| 04/03/2023 07:00

Từ thành công của "See tình" và nhiều sản phẩm khác ở nước ngoài cho thấy, xuất khẩu âm nhạc Việt đang có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để tiến ra thế giới một cách vững vàng, âm nhạc Việt cần tầm nhìn dài hạn.

Xuất khẩu âm nhạc: Cần tầm nhìn dài hạn

See tình tạo “cơn sốt”  

Những ngày đầu năm 2023, âm nhạc Việt nhận tin vui khi See tình của Hoàng Thùy Linh kết hợp với nhóm DTAP được giới trẻ (trong đó có nhiều người nổi tiếng) ở các nước từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia đến Canada, Mỹ... ưa thích, với hơn 42 triệu lượt xem trên YouTube. See tình cũng đã có nhiều bản cover bằng tiếng Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc... Nối tiếp See tình Em đồng ý (bản tiếng Việt của I do) của Đức Phúc và nhóm 911 phát hành vào dịp Valentine vừa qua đang tạo được vị trí cao trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc tên tuổi ở trong và ngoài nước.

Trước See tình, nhiều ca khúc Việt như Ngẫu hứng (Hoaprox), Ngây thơ, Dạ vũ (Tăng Duy Tân, Phong Max), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng Master), Hai phút hơn (KAIZ Remix, Pháo)... đặc biệt là Ghen Cô Vy (NIOEH, Khắc Hưng, Min, Erik) cũng từng tạo “cơn sốt” trên thế giới.

Điểm chung của các ca khúc này là đều có giai điệu bắt tai, ca từ dễ nghe dễ hát, được đầu tư vũ đạo và trang phục độc đáo, mới lạ và ê kíp sáng tạo trẻ trung, chuyên nghiệp. Chẳng hạn, See tình là sự hòa trộn giữa giai điệu pop hiện đại và âm hưởng “tình tính tang là tang tính tình” của làn điệu dân ca Bắc Bộ, thêm lối chơi chữ hài hước với từ láy - loại từ làm nên âm sắc rất riêng của tiếng Việt, người nước ngoài không hiểu nghĩa vẫn thấy vui tai - có thể tạo trend trên mạng xã hội, cộng với có nhiều phân đoạn vũ đạo sôi động, trẻ trung... Từ thành công của See tình và các ca khúc khác cho thấy, thị trường âm nhạc Việt đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu.

-2006-1677209779.jpg

Cảnh trong MV See tình của Hoàng Thùy Linh

Tiềm năng và sự bền vững 

Từ thời đĩa than, băng nhạc, CD còn thịnh hành, một số ca sĩ Việt Nam từng xuất khẩu sản phẩm âm nhạc ra nước ngoài. Chẳng hạn như Made in Vietnam, Chat với Mozart, Coming to America của Mỹ Linh xuất khẩu sang Nhật Bản và Mỹ, album nhạc kịch Music of the night của Đức Tuấn phát hành ở Hồng Kông và Canada, hay ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường, Lam Trường từng “tấn công” thị trường băng đĩa Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... Sau này, một số nhà sản xuất đã quảng bá sản phẩm âm nhạc Việt trên nền tảng số, như album The Tales của Mai Khôi, Thủy Tiên, Lê Hiếu trên Amazon; nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bán Ru rừng, Hạ trắng, Body and soul, Drifting Blossoms Floating Clouds trên eBay, CDBaby...

Gần đây, ca sĩ - nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý kết hợp với nhóm Kenyan Boys Choir trong ca khúc 8 chữ có, gặt hái nhiều thành công trên những nền tảng nghe nhạc và các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bán tác quyền, chuyển ngữ các bản hit Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Bay giữa ngân hà và Đêm trăng tình yêu, Nhật ký của mẹ... cho nhà sản xuất ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Ca sĩ Hà Anh Tuấn có chương trình âm nhạc Chân trời rực rỡ kết hợp với nghệ sĩ Kitaro của Nhật Bản. Nhiều ca sĩ Việt Nam khác sẽ kết nối, hợp tác với nghệ sĩ nổi tiếng của nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm âm nhạc.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, việc xuất khẩu âm nhạc Việt ra thế giới còn ít ỏi, chỉ dừng lại ở một số album, ca khúc, clip trên mạng trực tuyến và là những nỗ lực của từng cá nhân. Bởi vậy, có một số bài hát Việt nổi tiếng trên thế giới nhưng ca sĩ Việt sau bài hát đó vẫn không bật lên được. Vậy làm thế nào để âm nhạc Việt thực sự có chỗ đứng trên thế giới chứ không phải là một xu hướng (trend) trong ngắn hạn. 

-8396-1677209779.jpg

Cảnh trong MV Dễ đến dễ đi của Quang Hùng Master

Vào cuối tháng 10 năm ngoái, Viện Pháp phối hợp Monsoon Music Festival và nhiều đơn vị từng tổ chức tọa đàm “Xuất khẩu âm nhạc Việt Nam ra thị trường thế giới” tại Hà Nội. Theo ông Antoine El Iman - CEO Công ty Believe Music (từng hợp tác với Đen Vâu, Sơn Tùng M-TP), xuất khẩu âm nhạc là con đường dài hơi, cần có tiềm lực về tài chính, thời gian.

Các nghệ sĩ Việt cần tạo được tên tuổi ở trong nước rồi đến các nước trong khu vực, lan tỏa tới những người nghe có tương đồng văn hóa, sau đó thông qua các nền tảng số để vươn xa hơn. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm tốt, phần quan trọng là tận dụng nền tảng số, mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube và các nền tảng sử dụng streaming (trực tuyến) là xu hướng tất yếu nếu muốn vươn ra thế giới. 

Ông Antoine El Iman đánh giá Việt Nam là thị trường trẻ đầy tiềm năng, có nhiều nghệ sĩ biểu diễn độc lập, nhiều công ty âm nhạc lớn, thị trường nhạc live rất phát triển. Các bên xuất khẩu âm nhạc luôn tìm đến những điều đặc biệt, những nghệ sĩ có tố chất riêng. Muốn xuất khẩu, điều cốt lõi là nhạc Việt cần sản phẩm tốt và đội ngũ hỗ trợ (sản xuất, truyền thông, quảng bá) nhanh nhạy về thị trường khán giả quốc tế. 

Ca sĩ Trang Lê của nhóm Limebócx (đã biểu diễn tại nhiều quốc gia) chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi hiểu mình phải có sản phẩm, đi diễn thường xuyên để khán giả trong nước biết đến mình trước khi ra nước ngoài. Về mặt âm nhạc, chúng tôi hiểu cần có sự kết hợp giữa tính cá nhân với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới, nhưng phải làm ra cái riêng chứ không phải là bắt chước”.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một hướng đi đúng đắn.

Mới đây, khi See tình tạo “cơn sốt” quốc tế, Thịnh Kainz của nhóm DTAP nói: “Nếu gọi là vươn tầm quốc tế hay làm nhạc trong nước, ở thời đại này chúng tôi cảm thấy khoảng cách đang thu lại. Chúng tôi muốn mang đến thứ âm nhạc có giá trị, có bản sắc Việt Nam giới thiệu với thế giới”.

Để âm nhạc Việt tiến ra thế giới vững vàng, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và người làm nghệ thuật. Bên cạnh nâng cao chất lượng để tiếp cận ngưỡng âm nhạc thế giới, thì màu sắc âm nhạc Việt không thể thiếu yếu tố văn hóa Việt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu âm nhạc: Cần tầm nhìn dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO