Trí tưởng tượng kiến tạo hay hủy diệt nhân loại?

Vi Vi Phạm| 12/08/2019 01:00

Hư cấu trong tác phẩm nghệ thuật qua mường tượng của nghệ sĩ giúp tác phẩm trở nên thăng hoa, đồng thời tái xác định về giá trị và tầm quan trọng của di sản văn hóa. Một tác phẩm thiếu đi sự bồi đắp từ trí tưởng tượng chẳng khác nào bộ khung trơ lõi.

Trí tưởng tượng kiến tạo hay hủy diệt nhân loại?

Nhưng hư cấu cũng đặt câu hỏi chất vấn về tính đạo đức để tạo nên những thứ như ý muốn. Chúng có thể chi phối, thậm chí hủy diệt lịch sử. Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, liệu có còn ý nghĩa và đủ sức chống lại sự bóc tách không hề dễ chịu này?

Suốt hàng nghìn năm qua, bản đồ - và thuật vẽ bản đồ - đã luôn đóng vai trò thiết yếu trong đời sống, sự tò mò và trí tưởng tượng của con người. Bản đồ hỗ trợ con người định vị các chòm sao; mở rộng đường biên kiến thức; khám phá những miền đất mới và các nền văn hóa khác. Chúng giúp con người hiểu được cách thức mà các nhóm người/các nền văn hóa khác nhau, ở những thời điểm nhất định trong lịch sử, đã hình dung ra sao về thế giới - qua lăng kính vật lý, tâm lý và tôn giáo. Bản đồ khơi nguồn sáng tạo, song ở một góc độ khác, bản đồ cũng là công cụ phục vụ mưu đồ bành trướng quyền lực, điều hướng dòng chảy di cư, hạn chế hoạt động của con người vào những đường biên định sẵn.

Tương tự, từ khởi thủy, khi con người chưa tìm ra chữ viết thì người kể chuyện luôn được ngưỡng vọng cả ở phương diện xã hội lẫn văn hóa, như những nhà giáo dục, như những nhà tiên tri đầy sức ảnh hưởng. Câu chữ của họ khéo léo đối chiếu cả ý thức lẫn sự thờ ơ, qua đó hé lộ năng lực tinh thông (nhưng đầy lầm lỡ) của loài người.

Rõ ràng, bản đồ và người kể chuyện không chỉ là những “công cụ” mà còn là di sản thiết yếu đảm nhận trọng trách quan trọng: gìn giữ kiến thức, đúc kết trải nghiệm, duy trì sự tồn tại của loài người trong lịch sử. Thế nhưng, cả hai còn có khả năng gây ảnh hưởng lên nhận thức nội tại của con người, mô phỏng thành tựu của con người thông qua các cấu trúc, chất liệu vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính tưởng tượng. Nói cách khác, trí tưởng tượng của loài người là thứ quyền năng diệu kỳ có thể chứa đựng và truyền tải thông tin xuyên suốt lịch sử, qua các miền thời gian và văn hóa khác nhau. Nếu được trao đúng người, sản phẩm từ trí tưởng tượng ấy có thể hồi phục, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng nếu đặt sai chỗ, chúng có thể chuyển hóa đời sống hiện thực, thậm chí hủy diệt nhân loại.

Ha-Ninh-Pham-Phao-dai-sap-than-3732-6385

Hà Ninh Phạm, Pháo đài sáp, than chì, màu dầu pastel và acrylic trên giấy, 220,98 x 208,28cm

Thật thú vị khi Tammy Nguyễn - một nghệ sĩ thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên ở New York lại gặp Hà Ninh Phạm - một nghệ sĩ thế hệ 9X đến từ Hà Nội trong cùng mối băn khoăn này, dù phương thức thực hành nghệ thuật của họ khá khác biệt.

Trải rộng tầm mắt ra khắp bề mặt các bức họa phong cảnh rực rỡ, các hoạt cảnh tĩnh vật sống động (bằng màu nước, sơn vinyl) và các điêu khắc di động của Tammy Nguyễn, người xem dần thấy các mô-típ thị giác hiển lộ. Ở loạt hình ảnh Tammy tạo ra, lòng tham của con người luôn luôn thống trị. Như một cuộc đối thoại ẩn dụ giữa đức tin, khoa học và đồng tiền, với các trích dẫn đến từ đa dạng triết lý, điều cuối cùng có thể đúc kết là: loài người đã chẳng học được gì từ những người kể chuyện - những nhà tiên tri. Ngược lại, họ chỉ biết dấn sâu - từ thế hệ này sang thế hệ khác - vào mối tình mù quáng không điểm dừng với trí tưởng tượng vô biên của chính họ. Chiến tranh, cái chết, vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân, tham vọng bá chủ… tất cả đều là thành phẩm của trí tưởng tượng.

Tammy-Nguyen-Ai-Ai-Ai-Ai-Ai-Ai-1893-9974

Tammy Nguyễn, Ai Ai Ai Ai Ai Ai Ai, màu nước, sơn vinyl, màu pastel và lá kim loại trên giấy trải dài trên các tấm gỗ, 183 x 152cm

Trong khi đó, loạt tác phẩm Đất Mình của Hà Ninh Phạm (bắt đầu từ 2017 tới nay) vừa là một dự án vẫn đang tiếp diễn, vừa là một thế giới đang dần định hình. Ở đó, vô số các tự sự thị giác xoay quanh một vũ trụ tưởng tượng liên tiếp được phôi thai trong vòng tuần hoàn của sự trưởng thành, giao thoa để hóa thân vào một thực thể chưa hoàn toàn hiện hữu. Với hệ thống logic, hệ thống đo lường và trần thuật lịch sử riêng, được thể hiện qua các câu chuyện, bản đồ và mật mã thị giác, Đất Mình mời gọi người xem bước vào một giấc mộng du hành vượt đại dương và châu lục, băng qua các lâu đài, làng mạc và trang trại hư cấu, qua cả những cảnh quan, nơi chốn thần kỳ, mang dáng dấp của những câu chuyện cổ tích, những bộ phim khoa học viễn tưởng hay những hành tinh của tương lai. Viễn cảnh này có lẽ sẽ không còn xa khi loài người vẫn đang từng ngày, hủy diệt hành tinh mà họ đang sống, bằng sự thiếu ý thức và cả những tham vọng trong trí tưởng tượng không điểm dừng.

Hư cấu không thể thiếu, vì thế, nhắc nhở (đồng thời cảnh báo) về sức mạnh vượt trội (cũng như nguy hiểm đáng gờm) của trí tưởng tượng loài người. Triển lãm diễn ra từ ngày 9/8 đến hết ngày 17/10/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, TP.HCM.

Ảnh: The Factory

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trí tưởng tượng kiến tạo hay hủy diệt nhân loại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO