Phương tiện càng thuần khiết thì càng đi xa

Trần Ngân Hà| 24/10/2020 06:00

Trong khi tranh đơn sắc ở Việt Nam "không có thị trường" thì hội họa đơn sắc lại hấp dẫn họa sĩ Vương Tử Lâm - người được coi là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên toàn tâm thực hành hội hoạ đơn sắc.

Chia sẻ sức hấp dẫn của hội họa đơn sắc ở triển lãm "Chào mặt trời" sắp diễn ra tại TP.HCM, họa sĩ Vương Tử Lâm cho biết: "Tôi coi việc làm nghệ thuật tựu trung là phát biểu, là giải phóng những nhận thức về thế giới bên ngoài và nội tâm, về những gì đang diễn ra, thông qua những trạng thái tình cảm của bản thân mình, hay nói cách khác, là giải thoát bản thân ra khỏi những nhận thức đó". 

"Có lẽ đây chính là bản chất của cái 'tôi' trong nghệ thuật. Vì thế, tác phẩm cũng là cái 'tôi' thứ hai được trút ra. Ở hội hoạ đơn sắc, tôi tìm được ngôn ngữ diễn giải cho cái 'tôi' thứ hai của mình. Dù không phải là tất cả, song nó đã cuốn hút tôi mạnh mẽ trong một giai đoạn có thể xem là quan trọng nhất của nhận thức cá nhân. Bạn có thể gọi đó là đam mê!".

Ảnh: Họa sĩ Vương Tử Lâm "đơn độc" với "đơn sắc" trong xưởng vẽ của mình chuẩn bị cho cuộc triển lãm vào tháng 10/2020

Họa sĩ Vương Tử Lâm "đơn độc" với "đơn sắc" trong xưởng vẽ của mình chuẩn bị cho cuộc triển lãm vào tháng 10/2020

* Tiếp cận một tác phẩm hội họa đơn sắc có vẻ đơn giản, nhưng với người nghệ sĩ, hẳn phải là sự tìm tòi và thể hiện vượt trên những biểu hiện thông thường của màu sắc?

- Trong hội hoạ, hầu như xu hướng nào cũng có thể tạo ra hình ảnh đơn sắc, từ tả thực cho tới trừu tượng, từ biểu hiện cho tới ý niệm...

Mặt khác, đã nói đến đơn sắc, người ta thường nghĩ đến màu sắc trong ý nghĩa biểu trưng hoặc ẩn dụ của nó. Tuy nhiên, dù cho màu sắc thường được gắn với những ý nghĩa biểu trưng, biểu tượng, thì trong các bức tranh đa sắc thông thường, nó cũng không phải là yếu tố có tầm quan trọng hơn các yếu tố tạo hình khác như điểm, đường, diện, hình, không gian, cấu trúc… 

IMG-4658-JPG-1735-1603600548.jpg

"Tranh đơn sắc" theo lối tô đều một màu duy nhất.

Bởi vậy, nếu người ta chỉ thông qua tên gọi "tranh đơn sắc" theo lối tô đều một màu duy nhất, với một độ sáng (hoặc tối) duy nhất để cho rằng đó là dễ dãi, nông nổi, lười biếng… thì thật đáng buồn. Phải chăng xu hướng hội họa này cần sự "hiểu" hơn là "cảm"?  

* Ông đã tìm thấy những nghệ sĩ trẻ Việt Nam cũng đang quan tâm hoặc bắt đầu đam mê với hội họa đơn sắc này? Công chúng đóng góp gì cho điều đó?

- Có nhiều lý do để người ta đi tới việc sử dụng màu đơn sắc với những tuyên ngôn, quan niệm, hình thức, thể loại khác nhau. Dù là du nhập, song nếu khuynh hướng này trở thành nhu cầu của cuộc sống, được công chúng tiếp nhận và yêu thích, thì đó sẽ là môi trường nuôi dưỡng tuyệt vời để nó có sức sống lâu dài.

Bằng không, hội họa đơn sắc sẽ chỉ xuất hiện lẻ loi ở một vài nhóm, vài tác phẩm, hoặc một câu chuyện riêng của ai đó và trở nên non yếu trước sự thờ ơ của công chúng, mà phải cần đến thời gian và sự quảng bá nhất định.

Tôi không phải người quá vọng ngoại, song vẫn nghĩ chẳng có lý do gì ngăn cản chúng ta phóng tầm mắt ra thế giới. Đã có ý kiến cho rằng, ngày nay không nên gán quốc tịch cho nghệ thuật, không chỉ vì đặc tính quốc tế của các phong cách khác nhau, mà còn bởi những nhân vật hàng đầu của nó thuộc về tất cả các quốc gia và nền văn hoá.

img-3861-1603455052-1603455090.jpg

* Nhiều người quan tâm đến hội họa đơn sắc vì "tính thiền" thể hiện trong các tác phẩm của Sally Hazelet Drummond hay của Ad Reinhardt Lucio với bộ sưu tập "Những bức tranh đen", vậy "Những gì bạn thấy có thực sự là những gì bạn đang thấy"?

- Chúng ta hãy tạm quy ước, tranh đơn sắc là tranh chỉ có một màu, có thể có nhiều độ đậm nhạt khác nhau hoặc chỉ có một màu duy nhất, một độ sáng (hoặc tối) duy nhất. Khi đã nói đến hiện tượng thì không thể không nói đến bản thể. Bức tranh càng đơn sắc thì càng đi về bản thể. Tư duy cũng vậy, càng thuần khiết càng gần với bản thể của chính tư duy. Từ Sokrates, Platon, Aristoteles rồi đến Kant là rõ nhất khi ông nói "vật tự nó", tức bản thể là cái bên trong, ta không thể hiểu, ta chi hiểu được "vật cho ta" là cái đem lại cho ta.

Hiện tượng học có một phương pháp gọi là "giản lược hiện tượng" để đi tới bản thể. Song cần lưu ý, phương pháp tư duy của hiện tượng học là một trải nghiệm mở, mang nhiều tính cá nhân và luôn luôn đổi mới. Điều đó thường dẫn đến những kết quả khác nhau và cũng là lý do giải thích cho việc các tác phẩm đơn sắc có thể trông giống nhau nhưng lại hàm chứa những quan niệm khác nhau, nhất là trong thời đại dân chủ, mọi người đều có quyền tự do biểu đạt quan niệm riêng.

IMG-4541-4944-1603600548.jpg

Nói đến đơn sắc, người ta thường nghĩ đến màu sắc trong ý nghĩa biểu trưng hoặc ẩn dụ của nó.

Hội hoạ hiện đại cho thấy rõ mối quan hệ gần nhau hơn giữa hiện tượng và bản chất bằng quan điểm phổ biến đầu thế kỷ XX là "Tôi vẽ theo cái nghĩ, không phải theo cái nhìn". Hội hoạ đơn sắc là trạng thái hiện tượng và bản thể thuần khiết gần nhau nhất, và có thể liên hệ với phương pháp hiện tượng học.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi này là, hiện tượng bên ngoài không thể là bản chất bên trong, song nó có thể hàm chứa những quan niệm khác nhau về bản chất bên trong.

Olivier Mosset - người đã triển lãm chung với anh 4 lần vừa qua và sắp tới vào tháng 10/2020 tại Việt Nam từng là thành viên của một nhóm đưa ra những lập trường cấp tiến cho hội họa có tính đa phương tiện vào đầu thế kỷ XXI?

- Trào lưu nào cũng chỉ có giai đoạn, thậm chí chỉ nằm trong một vài nhóm hoặc cá nhân. Người ta vẫn thường xếp Fontana, Marcel Duchamp... vào hàng ngũ những nghệ sĩ đã đẩy sáng tạo của họ tới mức cực đoan - phủ định những thành tựu đã có của truyền thống hiện đại. Fontana "rạch" vào tranh đơn sắc, Duchamp đưa ra cái bồn tiểu được sản xuất hàng loạt...

"Lật đổ" cũng là một cách nói có nội hàm tương tự. Truyền thống, ngoài tác dụng là đòn bẩy, cũng cần được nuôi dưỡng bằng những sáng tạo mang tính phủ định, nếu không, sẽ không có những khẳng định mới, thiếu sức sống và do đó sẽ mất khả năng sinh thành.

Olivier Mosset là một nghệ sĩ có quan điểm cấp tiến, theo tôi, chắc cũng nằm trong quy luật này, cụ thể như thế nào (đa phương tiện, đơn sắc, tối giản...?) thì mọi người tự tìm hiểu thôi.

CHÀO MẶT TRỜI

Triển lãm tranh đơn sắc trong bối cảnh châu Á của các họa sĩ: Mari Takemoto (Nhật Bản), Olivier Mosset và Vương Tử Lâm khai mạc vào lúc 18g ngày 6/11/2020 tại số 14 Tôn Thất Đạm, Phòng 201, Quận 1, TPHCM với sự hợp tác của My House. 

Xuất phát điểm được coi là một động thái phản đối xã hội và các loại hình nghệ thuật thống trị thời bấy giờ, hội họa đơn sắc giờ đây đã trở thành một hiện tượng phổ biến, được thực hành và có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đối với những người sành về hội họa đơn sắc ngày nay, điều thú vị là được chiêm ngưỡng và hiểu các đề xuất/trình bày khác nhau - tùy theo từng tác giả và bối cảnh chúng ra đời.

Cũng được khích lệ bởi sự tò mò như vậy, triển lãm giới thiệu một tập hợp tranh đơn sắc hình tròn của ba nghệ sĩ đến từ ba nơi khác nhau trên thế giới: Hà Nội, Tokyo và Tucson.

Những bức tranh đơn sắc của Mari Takemoto được cho là giống các vật thiêng (của tôn giáo), hầu như rất tinh xảo. Chúng bao gồm một số bức tranh theo kiểu trường màu được đóng khung, vừa gợi lên một vũ trụ đầy tính trang trí lẫn thẩm mỹ của các ngôi đền Thần đạo. Với các biểu tượng trừu tượng, những tác phẩm của nữ nghệ sĩ là thứ nghệ thuật tối giản pha pop-art.

Với Olivier Mosset, các hình và màu được sử dụng nhằm đạt tới một mục tiêu: cho thấy tính vật chất của lớp sơn được sử dụng trên bề mặt toan một cách triệt để nhất.

Ở Vương Tử Lâm, các tấm toan hình tròn đơn sắc cho phép ông giải quyết vấn đề về diện và đường trong bố cục của bức tranh, sao cho có thể tạo nên được những cảm xúc thị giác mạnh mẽ nhất.

Bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên, Olivier Mosset và Vương Tử Lâm đã có những tác phẩm giống hệt nhau (ít nhiều vào cùng một thời điểm nhưng vì những lý do khác nhau) mặc dù họ không biết gì về nhau. Năm 2012, cả hai đều vẽ những tấm tranh tròn đơn sắc có cùng kích thước và màu sắc. Ngay cả khi các bức tranh sơn dầu của họ trông giống nhau nếu quan sát các hình ảnh lưu hành trên internet, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy có sự khác biệt đáng kể nếu chúng được treo cạnh nhau.

Ở Việt Nam, người ta vẫn hay có lối diễn đạt sao cho mọi người thống nhất với nhau về một chủ đề nào đó, đặc biệt là trong tình huống liên quan đến cả người bản địa và người nước ngoài: “Giống mà không giống”. Lối nói này khá thích hợp để mô tả những tác phẩm trong triển lãm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phương tiện càng thuần khiết thì càng đi xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO