Phan Thảo Nguyên: Nàng thơ “bé nhỏ” của nghệ thuật đương đại

Hoàng Linh Lan| 07/03/2020 01:00

Phan Thảo Nguyên là cái tên duy nhất đến từ Việt Nam lọt vào vòng chung kết giải thưởng Hugo Boss Asia Art 2019. Trước đó một năm, tại Signature Art Prize 2018, giải thưởng vinh danh các tác phẩm nghệ thuật đương đại xuất sắc, Nguyên vượt qua nhiều cái tên nước ngoài, trở thành người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng lớn.

Phan Thảo Nguyên: Nàng thơ “bé nhỏ” của nghệ thuật đương đại

Tác phẩm giúp Thảo Nguyên chiến thắng là sắp đặt video hai kênh (hai màn hình) mang tên Giấc trưa nhiệt đới, kể câu chuyện về lịch sử Việt Nam qua con mắt của những đứa trẻ thôn quê, một phần của triển lãm Quên lãng nên thơ được cô thực hiện vào tháng 12/2017. Trên bục nhận giải, Nguyên nhỏ nhắn như một học sinh cấp ba trong bộ trang phục đen, mái tóc dài xõa tự nhiên phía sau và nở nụ cười rạng rỡ như hình ảnh vẫn thường thấy của cô.

Suốt nhiều năm nay, kể từ khi Nguyên quyết định trở về Việt Nam thực hành nghệ thuật cùng hai người bạn là Arlette Quỳnh - Anh Trần và Trương Công Tùng, cả ba đã góp những viên gạch không nhỏ đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Dự án đầu tiên của bộ ba, và vẫn tiếp tục phát triển đến thời điểm hiện tại dù mỗi người đã và đang theo đuổi các dự án riêng là Art Labor, hình thành cuối năm 2012 khi Nguyên đang theo học thạc sĩ mỹ thuật tại Chicago, Tùng vừa hoàn tất chuyên khoa sơn mài tại Đại học Mỹ thuật còn Arlette Quỳnh - Anh Trần đang học lịch sử mỹ thuật và triết học tại Berlin. “Chúng tôi thấy môi trường Việt Nam còn rất thiếu sự tương tác giữa nghệ sĩ thị giác và những tài năng thuộc các lĩnh vực khác”. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, bộ ba đã kết hợp được nghệ thuật với rất nhiều tài năng thuộc các ngành nghề khác, từ nhà nhân học, y bác sĩ cho đến các nghệ nhân điêu khắc, nhà nghiên cứu, tổ chức phát triển cộng đồng, các nghệ sĩ của loại hình sân khấu, biểu diễn... Art Labor vừa trở thành một phòng lab ý tưởng, vừa là nơi cân bằng, trau dồi kiến thức cho các tác phẩm cá nhân của mỗi thành viên, trong đó có Nguyên.

Liên tục trong hai năm 2014-2015, Nguyên có những triển lãm cá nhân đáng chú ý như: Ám Ngưỡng: Tâm linh đương đại Đông Nam Á, Kunstverein Gottingen tại Đức, Khái niệm Tranh luận ngữ cảnh: Nghệ thuật và tính tập thể ở Đông Nam Á, Goethe Institut, Hà Nội, Việt Nam. Tài năng, tầm nhìn, tính khiêm tốn và sự lao động miệt mài của Nguyên giúp cô trở thành nữ nghệ sĩ thị giác đầu tiên được chọn tham gia chương trình The Rolex Mentor & Protégé Arts Initiative (khóa 2016-2017) cùng cố vấn nghệ thuật Joan Jonas. Cũng trong năm 2017, Quên lãng nên thơ - triển lãm mới của Nguyên ra đời, như lời khẳng định tài năng một cách thuyết phục đến những ai luôn đặt niềm tin nơi cô.

Các tác phẩm này, sau đó đã góp mặt tại nhiều triển lãm khắp nơi trên thế giới như Kulturforum (Berlin), Dakar Art Summit (Bangladesh), Para Site (Hồng Kông), Esplanade (Singapore), National Museum of Singapore, Yinchuan Biennale (Trung Quốc)...

Trong các tác phẩm của Phan Thảo Nguyên, dù ở bất cứ loại hình nào, tranh vẽ, sắp đặt, video hay trình diễn, người xem đều tìm thấy chỉ dấu kết nối nhiều vệt đứt gãy giữa quá khứ và hiện tại dù đó không phải là mục đích cuối cùng cô hướng đến. “Tôi không nhìn nhận lịch sử theo một chiều tịnh tiến, mà là cái nhìn phi tuyến tính, trong từng tạo vật, trong từng tác phẩm nghệ thuật bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Vậy nên, tác phẩm của tôi không cố gắng kết nối những vấn đề to tát giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và đương đại, giữa cá nhân và cộng đồng. Tôi hay nhóm của tôi chỉ muốn được thể hiện mối quan tâm của bản thân trước những đổi thay tiêu cực lẫn tích cực của xã hội”, Nguyên chia sẻ.

“Tôi thường thích kết hợp nhiều thể loại để thay đổi nhịp làm việc của bản thân, đồng thời mang lại cảm giác mới mẻ cho người xem. Đương nhiên tôi tuyệt đối tránh phong cách kể lể, giáo điều. Cần nhìn nhận một cách trân trọng, công tâm và tỉnh thức về quá khứ và lịch sử để có thể sống một cách nhân văn và phong phú hơn”, Nguyên khẳng định.

Nguyên nói, cô cảm thấy gắn bó và thoải mái nhất khi được vẽ vì đó là ngành cô theo học nhưng cô chọn nghệ thuật đương đại là vì luôn cảm thấy sự liên kết mật thiết giữa hội họa, kiến trúc, văn chương, lịch sử... thậm chí các môn khoa học tự nhiên. Và “Việt Nam - nơi những thay đổi mãnh liệt về kinh tế tạo nên hố sâu phân cách giàu nghèo, những hủy diệt về môi trường” đã mang đến cho Phan Thảo Nguyên nhiều cảm hứng sáng tác, khiến tác phẩm của cô luôn đậm hồn Việt thay vì vay mượn cảm xúc hay câu chuyện từ xứ sở khác. Đó cũng chính là lý do tác phẩm của Phan Thảo Nguyên luôn được chào đón nồng nhiệt tại các triển lãm quốc tế. Người xem nhờ đó mà hiểu thêm một phần về tâm thức Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phan Thảo Nguyên: Nàng thơ “bé nhỏ” của nghệ thuật đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO