Nghệ thuật hội họa: Cuộc chơi có dễ?

Ngô Vi Đồng| 04/02/2022 07:00

Muốn chơi tranh phải có tiền mua tranh, ngoại trừ bạn được tặng. Đó là trở ngại đầu tiên. Nhưng bạn đừng quá bi quan, vẫn có thể mua được những bức tranh có giá trị với giá phải chăng, thậm chí là thấp. Hội họa không chỉ là thú vui giải trí mà còn là một lĩnh vực học thuật với lượng tri thức khổng lồ, liên kết đa ngành.

Hôm ấy, một ngày vui vẻ sau thành công của tuần lễ “Sách và Doanh nhân” chúng tôi ngồi thư giãn café tại đường sách Nguyễn Văn Bình, một không gian văn hóa tuyệt vời của thành phố chúng ta, tôi mới đem mấy cuốn lịch để bàn năm 2022 của công ty tặng cho các bạn tôi làm việc tại tòa soạn.

Khác với mọi lần, cuốn lịch năm nay là bộ tranh hội họa nho nhỏ xinh xinh mà tôi rất thích, thế là tôi say sưa lật từng trang lịch và kể cho các bạn tôi về bức tranh của mỗi tháng, những bức tranh không chỉ đẹp theo góc nhìn của tôi mà còn biết bao câu chuyện đằng sau nó.

Có lẽ do tôi chia sẻ nhiệt tình quá chăng mà bạn tôi liền đặt tôi viết một bài về cảm nhận hội họa cho số báo Xuân, số báo đặc biệt của một tờ báo dành cho doanh nhân... Ôi, thật là khó, biết nói gì đây? Khi càng đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật này càng thấy mình như ngu ngơ sao ấy, như lạc vào một rừng kiến thức mông mênh và sắc màu quyến rũ, và mới ngỡ ra rằng thực sự mình chỉ là một người yêu mến cái  đẹp mà thôi và có chăng là mình may mắn được mon men đến với thế giới hội họa đầy quyến rũ này, được tiếp xúc với các nghệ sĩ tài năng để hiểu và cảm nhận những suy tư của tác giả khi tạo tác nên các tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người.

tranh-3-8603-1643343280.jpg

Ký ức tuổi thơ của Lương Khánh Toàn

Năm 2021 đã đi qua với biết bao khó khăn vất vả mà có lẽ lịch sử sẽ không thể quên được những thời khắc sinh tử chống chọi với đại dịch Covid ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi người dân, doanh nghiệp có những lúc tưởng chừng như hụt hơi, tất cả dồn hết sức cho chiến thắng dịch bệnh, và là doanh nhân, chúng tôi không chỉ lo phòng chống dịch bệnh mà còn phải cố gắng gấp nhiều lần để duy trì hoạt động không bị quá tổn thương, đứt gãy, phải lo cho cán bộ nhân viên của mình được an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Với tất cả sự nỗ lực to lớn và cả sự hy sinh tổn thất, chúng ta đang từng bước vượt qua đại dịch, phục hồi sản xuất, một sức sống mới mạnh mẽ đang hồi sinh hứa hẹn một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và chắc chắn sẽ rất khác trước.

Giữa những bộn bề lo toan của doanh nhân, vẫn có những lúc ngồi lắng lại suy tư, có thể mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một thú vui, một niềm đam mê khác nhau như một góc cạnh không thể thiếu được của cuộc sống, nhằm giúp cho chúng ta cân bằng hơn, tĩnh tại hơn để nạp thêm năng lượng cho công việc và sự nghiệp.

Cũng như nhiều doanh nhân khác, tôi có chút vui thích với tranh hội họa, ở đó tôi tìm thấy rất nhiều điều thú vị và càng đam mê, càng tìm hiểu càng thấy trân trọng những giá trị nghệ thuật được làm nên bởi tài năng của các nghệ nhân, họa sĩ… càng làm cho tôi thêm yêu mến và cảm thông với cuộc đời này, với những giá trị vĩnh hằng của chân thiện mỹ mà loài người chúng ta luôn nỗ lực hướng đến.

Bạn tôi hỏi tôi, tôi bắt đầu chơi tranh từ khi nào? Sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, trải qua thời thơ ấu trong chiến tranh khi đi học phải mang theo mũ rơm, xuống hầm chữ A để tránh bom Mỹ, rồi qua thời bao cấp đói ăn… thì với tôi những bức tranh là các panô áp phích đầy hào khí xông pha chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, những bức tranh mãi mãi đi vào ký ức tôi như một phần không thể thiếu được của tuổi thơ trong sáng.

Rồi những ngày đi học qua rạp Công nhân, rạp Kim đồng thì ngắm những panô quảng cáo phim, những bức tranh vẽ đẹp hút hồn bởi các tài tử xinê như Trà Giang, Ái Vân… hay các panô quảng cáo phim nước ngoài vang bóng một thời như “Những kẻ báo thù không thể bị bắt”, “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại”… các bức tranh cứ thế đến với tôi trong ký ức chứ có được sở hữu một bức tranh đích thực nào đâu.

Bố tôi đi Liên xô đầu những năm 1960 mang về một cuốn sách to toàn là tranh của bảo tàng Ermitazh, đấy là những tác phẩm hội họa đầu tiên mà tôi được nhìn thấy, rất thích nhưng chẳng hiểu gì. Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống cuốn theo với đủ thứ phải lo, lo học hành, lo làm việc, lo phấn đấu, lo xây dựng gia đình rồi lo xây dựng sự nghiệp, lo cho công ty phát triển mà chẳng còn đầu óc nào cho chơi tranh chơi nhạc… thế rồi một ngày kia, công ty tôi dời về trụ sở mới nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, ở phía chếch chếch bên kia đường có một phòng tranh nhỏ, mỗi ngày đi qua tôi thấy nhiều tranh lắm nhưng có một bức rất lạ, treo ngay chính diện, bức này rất to cứ hút mắt tôi, ngày nào đi qua cũng liếc nhìn từ xa bức tranh này mà chưa dám bước vào hỏi, sợ không đủ tiền mua.

Rồi một hôm đánh liều vào xem tranh, gặp được họa sĩ vẽ bức tranh này, tôi chân thành nói lên cảm nghĩ của mình về bức tranh và không biết sao nữa họa sĩ đã bán cho tôi bức tranh với một mức giá rất thân thiện, tôi bất ngờ và sung sướng vô cùng, không nghĩ là mình lại có thể sở hữu một bức tranh sơn dầu to đẹp như vậy.

À, hóa ra là mua tranh không phải là lúc nào cũng đắt đâu nhé, mà có thể mua được những bức tranh đẹp khi cùng đồng điệu tâm hồn với chính tác giả của tranh. Bức tranh được treo trang trọng trong phòng làm việc của tôi, một bức tranh của hội họa đích thực khác xa so với các bức tranh chép, các bức tranh in từ ảnh chụp…, kể từ ngày đó phòng làm việc của tôi có gì đó khác lắm, một cảm giác ấm cúng sang trọng hẳn lên.

Rồi bạn bè, khách khứa đến thăm đều trầm trồ khen bức tranh càng làm cho tôi thêm vui, nhưng có lẽ vui hơn nữa là kể từ ngày đó tôi có thêm một người bạn, một họa sĩ mà sau này chúng tôi sẽ còn tìm đến nhau để chia sẻ các tác phẩm của anh vẽ về hoa sen, đó là họa sĩ Trí Đức và bức tranh mà tôi có được hôm đó là bức “Sen thăng hoa”, một bức vẽ hoa sen siêu thực rất lạ của anh, bức tranh có sắc màu xanh lam ma mị huyền bí càng ngắm càng mê. Bây giờ bức tranh vẫn được treo trong văn phòng công ty chúng tôi và cũng kể từ ngày đó, đã mười mấy năm rồi, tôi cũng đã bị hội họa hút hồn, cuốn vào cuộc chơi tao nhã vừa khó vừa dễ này.

tranh-1-5442-1643343280.jpg

Thăng Long phi chiến địa của Trần Tuy

Năm 2019 công ty chúng tôi chuyển về trụ sở mới trong khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, sau vài lần chuyển địa điểm giờ đây chúng tôi có một cơ ngơi của mình tại chính không gian khoa học của khu công nghệ cao, nơi sẽ thu hút đội ngũ trí thức, kỹ sư công nghệ đến làm việc, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng tiên tiến cho khách hàng và thị trường. Nhằm giảm bớt những áp lực khô khan đầy tính kỹ thuật của nghề nghiệp, chúng tôi đã biến nơi làm việc của mình thành một không gian văn hóa đầy màu sắc, và hội họa là một nét đẹp được lựa chọn. Hàng chục các tác phẩm nguyên gốc với chất liệu sơn dầu, sơn mài của các họa sĩ đương đại với đủ các chủ đề từ phong cảnh đến hiện thực, trừu tượng… được trang hoàng trong công ty.

Đến đây bạn có thể gặp “Ký ức tuổi thơ” trong bức tranh sơn mài trừu tượng của họa sĩ Lương Khánh Toàn, ngắm tranh mà nhớ lại những ngày thơ ấu chơi đùa bao trò chơi con trẻ, đã từng cưỡi trâu cười nghiêng ngả trên cánh đồng tuổi thơ, mọi thứ cứ tươi tắn, cứ hồn nhiên như thế thì làm sao mà không trẻ mãi được. Trong bức sơn mài khổ lớn này, họa sĩ rất tài tình tạo hình với các mảnh màu tưởng như vụn vặt mà lại rất phong phú sinh động, như các hình hài biến hóa trong kính vạn hoa.

Các chi tiết được dát vàng, dát bạc, cẩn trứng với nước sơn ta sâu thẳm trong từng đường nét mang phong cách lập thể rất hiện đại hòa quyện với chất liệu sơn mài truyền thống. Tác phẩm “Ký ức tuổi thơ” không chỉ đưa ta về với thời thơ ấu mà còn muốn ta chu du mãi trong tưởng tượng không ngừng về một thế giới của ước mơ và hòa bình, một thế giới trong ngần luôn rộng mở như đôi mắt trẻ thơ mà họa sĩ vẽ trong tranh, xin cảm ơn họa sĩ đã làm nên tác phẩm quý giá này để cho ta được ngắm mãi không chán.

Trong công ty, tại phòng tiếp khách, phòng họp, phòng của lãnh đạo cũng như khu làm việc của nhân viên đều được trang hoàng bởi các tác phẩm nghệ thuật của các tác giả thuộc đủ mọi lứa tuổi, ở đó có thể bắt gặp các thế hệ họa sĩ đàn anh như các tác phẩm sơn mài “Cánh đồng bình yên” của Nguyễn Thành Quốc Thạch, “Lễ hội” của Lê Xuân Chiểu, “Nông thôn Việt Nam” của Nguyễn Yến Nguyệt…, hay các tác phẩm sơn dầu như “Trẻ trâu” của NSND Đỗ Doãn Châu, “Hoa loa kèn” của Phạm Mùi, “Phố ngược chiều” của Dương Việt Nam…

Những tác phẩm của các họa sĩ trẻ cũng rất được yêu thích như loạt tác phẩm sơn mài vẽ sen của Trà My, các bức sơn mài theo phong cách truyền thống như “Phố cổ Hà Nội” của Đỗ Ngọc Diệp, “Bên hiên nhà” của Bùi Kiên Quyết, “Rừng nhiệt đới” của Phạm Thanh Toàn… và cả những bức sơn dầu của các họa sĩ trẻ như “Mùa thu trên cao nguyên” của Đinh Ngọc Thắng, “Mùa hoa cải bên sông” của Đặng Đình Ngỡ, “Đợi cả mùa xuân” của Hoàng Văn Điểm, “Người mẫu” của Nguyễn Hiếu Ly…

tranh-2-2569-1643343281.jpg

Hoa gạo bên sông của Nguyễn Trịnh Thái

Trong rất nhiều bức tranh đẹp được treo trong công ty, tôi dành một sự ưu ái nhất định cho các bức tranh của họa sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trịnh Thái. Ông vẽ nhiều về phong cảnh, về các miền đất in dấu chân ông, ở đó luôn toát lên một sự nhẹ nhàng gần gũi, các mảng màu trong tranh của ông dù hòa quyện hay đối lập cũng đều thể hiện sự tinh tế của màu sắc, cái tài tình của người vẽ.

Tôi yêu tranh Trịnh Thái vì ở đó tôi gặp được rất nhiều những vùng quê yên ả, những địa danh và cả những ký ức của một thời xa vắng. Trịnh Thái là người Hải Phòng nhưng ông sống ở Hà Nội, thế hệ ông có biết bao bậc anh hào và đất Hà thành đã trở thành nơi nuôi dưỡng tài năng của ông, ông biết rất nhiều về Hà nội về các bậc tài danh đất kinh kỳ này, gặp ông nghe ông kể chuyện thật là dí dỏm thú vị, ông như một cuốn từ điển sống về Hà nội và về các bạn bè văn nghệ sĩ vùng đất Bắc này.

Tôi có diễm phúc được gặp, được hàn huyên cùng ông và ông rất quý vợ chồng tôi. Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều tìm cách đến thăm ông và không quên mua tặng ông thuốc lá ngoại mà ông yêu thích. Trịnh Thái sống một cuộc đời độc thân lãng tử nhưng lại được rất nhiều người yêu mến, ông có nhiều mối tình đẹp, ông để lại cho đời không chỉ các tác phẩm về thiên nhiên phong cảnh mà còn là về ký ức con người. Các bức họa người tình của Trịnh Thái rất đẹp, trong đó có hồn, có tình và có cả nỗi day dứt chưa trọn vẹn.

Đặc biệt ông vẽ rất hay về cảnh chợ quê, các bức sơn mài, sơn dầu vẽ chợ quê của Trịnh Thái là một di sản quý báu mà ông để lại cho đời, trong đó vào những năm cuối đời ông đã vẽ bức “Chợ Tết” với đầy sắc màu cảnh vật sống động hân hoan phỏng theo bài thơ “Chợ Tết” nổi tiếng của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Có lẽ sẽ phải dành một bài viết riêng về tranh chợ của Trịnh Thái và về bức “Chợ Tết” tuyệt vời này. Tết Nhâm Dần năm nay tôi ra Hà Nội không còn được gặp ông nữa rồi, nhưng những bức tranh của ông vẫn mãi đẹp như vần thơ luôn hòa quyện cùng mùa xuân của trời đất, cùng với “Chợ Tết” muôn đời gắn bó trên quê hương dấu yêu.

Hàng năm công ty chúng tôi đều làm cuốn lịch nhỏ để bàn làm quà tặng cho cán bộ nhân viên, cho khách hàng, bạn bè đối tác. Các bức hình trong lịch có năm là ảnh đẹp về phong cảnh đất nước của các nhiếp ảnh gia đoạt giải, hay là các bức ảnh do chính anh em công ty sáng tác, chúng tôi yêu mến cuốn lịch nhỏ nhắn xinh xắn của mình, và năm nay chúng tôi chọn hội họa làm ảnh lịch gồm 13 bức tranh trong bộ sưu tập của tôi, trong đó có nhiều bức đang treo ở công ty.

Bức tranh “Ngũ hổ” của nữ họa sĩ trẻ Trà My được chọn làm trang bìa “Chúc mừng Năm mới 2022” bởi màu sắc tươi sáng trên nền son đỏ của sơn mài truyền thống. Màu đỏ tươi hòa quyện cùng các chú tiểu hổ mang phong cách trang trí, biểu hiện chào đón một năm mới Nhâm Dần, năm “con hổ” hứa hẹn đem đến nhiều niềm vui hạnh phúc.

Tôi đã gặp và đến thăm xưởng vẽ của Trà My, một cô gái 8x đã và đang dành hết tâm trí cho sáng tác sơn mài, tôi cảm nhận ở cô một sự hy sinh hiến dâng cho nghệ thuật, một thân một mình cặm cụi làm việc rất chăm chỉ, xoay vần từng tấm vóc nặng hàng chục cân, phác họa, vẽ, mài, ủ, phơi, dát vàng dát bạc… biết bao công đoạn để biến những tấm vóc đen xì to đùng kia thành những tác phẩm bay bổng với màu sắc vừa sâu thăm thẳm, vừa lung linh biến hóa, tràn trề nhựa sống của trừu tượng và mộng mơ, nhưng vẫn luôn toát lên một vẻ đẹp thuần khiết yêu đời.

Môt năm chỉ có 12 tháng nên thực sự cũng phải đắn đo suy nghĩ lắm để chọn ra được 12 bức tranh trong rất nhiều bức tranh đẹp. Bức tranh “Bên triền đê ngăn mặn” của họa sĩ Dương Tuấn được chọn cho tháng Một là phong cảnh hiện thực mở đầu của một năm mới, tác phẩm làm cho ta nhớ đến Lêvitan, đến mùa xuân nước Nga, song trên hết là đem đến cho ta một không gian yên bình, trong lành, sau một năm vật lộn với dịch bệnh Covid.

tranh-4-5744-1643343281.jpg

Sen thăng hoa của Trí Đức

Tết Nhâm Dần năm nay đến vào tháng Hai nên bức tranh sơn dầu “Vận may” của họa sĩ Dương Việt Nam như một lời cầu chúc cho tất cả chúng ta một năm mới may mắn hạnh phúc. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm mà họa sĩ tâm đắc nhất, ông kể rằng, ông đã nghiền ngẫm ý tưởng và vẽ bức tranh này trong nhiều năm và để dành cho con gái, một bức tranh quý mà họa sĩ muốn dồn hết tâm trí cho nó, vì ở đây, đằng sau bức tranh này là cả một câu chuyện dài về phong tục tập quán, về nếp sống và suy tư của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ mà tiêu biểu là của mảnh đất kinh đô Thăng Long từ ngàn đời xưa. Bức tranh hiển hiện lên rực rỡ với các nét chấm phá trên nền màu trầm tối đưa ta vào chốn linh thiêng cung kính nhưng cũng rất gần gũi đời thường với ban nhạc kèn sáo dân gian.

Một khung cảnh đình đền của người Việt, nơi thờ thánh thần làng xã, ở đó có những linh vật thiêng như con ngựa màu đỏ mang quẻ “thổ” được ví như mặt trăng, là biểu hiện của sự tươi mát, lâu dài, lành lặn… Trên lưng ngựa là con chim phượng thay cho gà gáy mỗi sớm mai đánh thức vạn vật tỉnh giấc cho một ngày vui vẻ hạnh phúc.

Phía bên con ngựa đỏ có ông Thiện ngồi trên lưng con Lân (sư tử) tay có mím điểm một viên “Dạ minh châu”, ông Thiện thấy ai đi lễ có thần thái đức hạnh - phục thiện thì búng cho một cái ban thưởng, lập tức người đó được gắn liền “Dạ minh châu” (Dạ minh châu vốn là một bảo vật có từ thời cổ đại. Người xưa tin rằng nó có thể phát sáng trong bóng tối, và đó là một điềm lành), như vậy là may mắn vô cùng, phải tu bao nhiêu kiếp mới được vậy.

Bức tranh “Vận may” để chiêm ngẫm vào những ngày đầu xuân Nhâm Dần như muốn nhắc nhở chúng ta hãy làm nhiều việc tốt, việc thiện, rằng “ở hiền thì gặp lành” và vận may sẽ nối tiếp vận may… Cầu cho một năm may mắn trong sự nỗ lực tích cực của chúng sinh. Tôi cảm ơn họa sĩ vô cùng vì chính những điều thú vị ấy mà ông đã chia sẻ cùng tôi để hôm nay tác phẩm quý báu này được chia sẻ đến với bạn bè, những mong vận may sẽ đến với tất cả chúng ta, và đó là lý do tôi chọn bức tranh này cho tháng Tết.

Tháng Ba và tháng Tư có một ý nghĩa đặc biệt, tôi để cho các bạn tự suy đoán. Tháng Ba với bức tranh “Trường Sa” của họa sĩ Hồ Minh Quân và tháng Tư là bức sơn khắc “Vượt Trường Sơn” của Trần Văn Quân. Cả hai họa sĩ đều là những người gắn bó với người lính, các tác phẩn của họ khắc họa nên hình tượng mạnh mẽ quả cảm của người chiến sĩ bảo vệ biển đảo quê hương và những người lính cầm súng hy sinh vì tự do thống nhất non sông. Các tác phẩm đẹp và lay động lòng người này đã đạt các giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc và sẽ còn có giá trị cho các thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường cha ông đã đi, quyết gìn giữ non sông, xây dựng và hàn gắn vết thương chiến tranh vì một quê hương thái bình thịnh vượng.

Mỗi bức tranh trong lịch đều có một câu chuyên thú vị mà với khuôn khổ bài viết này không thể kể ra hết được, chỉ xin chốt lại cuốn lịch này với 2 bức của tháng Bảy và tháng Mười.

Bức tháng Bảy “Cờ bụi” của họa sĩ, NSND Đỗ Doãn Châu, ông nguyên là Giám đốc Nhà hát kịch Trung ương. Ở ông các tác phẩm hội họa đều mang một phong cách tự do phóng khoáng, luôn có hồn, có một câu chuyện trong đó. Bức “Cờ bụi” là một trong những tác phẩn ưng ý nhất của họa sĩ khi ông đem được cả một thời kỳ gian khó mà vui tươi yêu đời vào trong tranh, một nét sinh hoạt ngoài phố của dân thị thành thời bao cấp.

Tranh vẽ về một ông cụ già râu tóc bạc phơ chơi cờ tướng với lũ trẻ đường phố, một kiểu “cờ ngoài bài trong” rõ ràng ràng khi thằng bé chỉ tay xuống bàn cờ và ai ai cũng chăm chú nhìn, chờ đợi, nín thở dõi theo nước cờ mà ông già sẽ quất xuống. Im lặng, thằng bé con nhất im lặng bịt cả tai chờ tiếng đập của quân cờ ông quất xuống… rồi cả con chó ngồi chầu cờ cũng như muốn thổ lộ “ông ơi ông hãy chơi cho mau kẻo tôi đói lắm rồi”. Ván cờ ngả nghiêng làm quên hết cả việc bơm vá xe, quên cả rít điếu cày và hớp trà xanh đã nguội.

Một không gian xung quanh chẳng có gì là sang trọng, chỉ toàn là thứ linh tinh như thùng đồ vá xe, rồi vỏ lốp treo trên cột điện như khẳng định một tầng lớp thị dân lao động lam lũ, với tường vôi long tróc trơ màu đỏ của gạch non bên cửa chớp khép hờ. Một bức tranh chỉ có thể có được ở một người đã sống với đời, với thị dân mới có thể toát lên khung cảnh như thế, bức tranh đẹp và sâu sắc biết bao như muốn giữ lại những gì là hồn cách xưa của một thời gian khó mà thân thương biết bao, thời của những con người chân chất không thể sống thiếu nhau, thiếu “Cờ bụi” trên những góc phố xưa…

Tôi cũng vô cùng cảm ơn họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy đã vẽ nên một tác phẩm màu dầu bất hủ “Thăng Long phi chiến địa”. Bức tranh quý này tôi trân trọng đặt vào tháng Mười. Không hiểu sao, cứ mỗi mùa thu tháng Mười là tôi lại nhớ về Hà Nội, phải chăng quê hương, nơi chôn rau cắt rốn luôn luôn sống như mạch nước ngầm không bao giờ cạn trong mỗi con người Việt Nam ta và tôi cũng chỉ là một mà thôi. Cố họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật (từ năm 1993 - 2002), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đã vẽ bức “Thăng Long phi chiến địa” bằng tay trái lúc ông vừa qua khỏi một cơn tai biến và bị liệt nửa người.

Với tài năng to lớn và một nghị lực phi thường, họa sĩ đã vượt lên tất cả để truyền hết sinh lực cho tác phẩm này, một bức tranh lộng lẫy về Thăng Long - Hà Nội. Bằng lối vẽ đồng hiện, có lẽ không một chi tiết đắt giá nào về danh thắng và văn hóa đời sống của hồn cách Đông Đô - Thăng Long xưa mà họa sĩ không đưa vào trong tranh. Một bức tranh lớn không chỉ vì tranh khổ lớn mà vì tranh chứa đựng cả một chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của lịch sử văn hóa đời sống đất kinh kỳ trong từng chi tiết màu sắc sống động.

Tôi hiểu rằng họa sĩ phải là người rất sâu sắc, rất am hiểu Hà Nội và có một trái tim Hà Nội tha thiết lắm mới có thể vẽ nên bức tranh để đời này. Càng ngắm tranh càng thấy nhớ, và thương, và yêu Hà Nội của tôi hơn, một Hà Nội đạn bom và gian khó. Nhưng Hà Nội trong tranh này là một Hà Nội của hòa bình, thành phố vì hòa bình, một “Thăng Long phi chiến địa”, Thăng Long không có chiến trường. Xem tranh tôi mới hiểu vì sao mà thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết lời thơ bất hủ nói lên lòng người nước Nam luôn hướng về thủ đô:

“Từ lúc mang gươm đi mở cõi,

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long!”

Tôi may mắn làm sao là khi đến với hội họa tôi còn đến được với những con người tài đức mà cuộc đời không dễ gì gặp được, tôi cảm ơn ông, tôi học được ở ông, họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy một tinh thần mạnh mẽ vượt lên mọi trở ngại, sống một cuộc đời cống hiến, lao động tận tụy cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, trong sáng vẹn toàn. Nói về Trần Tuy, tôi xin mượn lời của nhà phê bình mỹ thuật Quang Phòng đã từng viết về ông ở vai trò là Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Thời nay như sau: “Tôi coi trọng Trần Tuy vì anh là một nghệ sĩ có lương tri, điều mà một Tổng biên tập cần phải có. Lương tri thuộc về “Tài”, nó cho người ta khả năng phê phán đúng và biết nhận định tinh tế, không thiên lệch trước những vấn đề không giải quyết được bằng lí luận khoa học hay kiến thức chuyên môn. Ưu điểm thứ hai của Trần Tuy thuộc về “Đức”, đó là tấm lòng chân thật của Trần Tuy với nghề, với đồng nghiệp, bạn bè”.

Câu chuyện mạn đàm về hội họa những ngày xuân thật là thú vị và khó dứt. Đôi khi các bạn tôi vẫn hỏi tôi chơi tranh dễ hay khó? Thú thật, trả lời câu hỏi này mới là không dễ, bởi chơi tranh vừa dễ vừa khó.

Khó là bởi “nghề chơi cũng làm công phu”, không có cuộc chơi hấp dẫn nào lại không tốn cả, ít thì là tốn tiền bạc, nhiều thì là tốn cả tiền bạc lẫn thời gian, công sức, trí tuệ… Thực sự người chơi tranh cũng phải có tiền mua tranh (ngoại trừ bạn được tặng tranh), và đây luôn là trở ngại đầu tiên. Nhưng bạn cũng đừng quá bi quan, chúng ta vẫn có thể mua được bức tranh đẹp, có giá trị với giá phải chăng, thậm trí là giá rẻ nữa, chuyện này nếu có dịp chúng ta sẽ phân tích mổ xẻ sau.

Và còn cái khó nữa là bạn phải chịu khó tìm hiểu về hội họa, điều này không tốn tiền đâu, chỉ cần bạn có ý thức và mong muốn hiểu biết, nâng cao kiến thức và thẩm mỹ là bạn có thể nắm bắt được những cái hay, cái đẹp của hội họa, rồi tiếp tục học hỏi, nâng cao kiến thức hơn nữa, bởi hội họa không chỉ là thú vui giải trí mà còn là một lĩnh vực học thuật với lượng tri thức khổng lồ, liên kết đa ngành nữa.

Có một điều rất đáng tiếc là ở Việt Nam ta việc học tập và tìm hiểu nghệ thuật, trong đó có hội họa chưa được chăm nom chu đáo từ lúc còn là học sinh trên ghế nhà trường. Chúng ta rất ít khi bắt gặp các lớp học sinh đi thăm viện bảo tàng, trong khi ở các nước tiên tiến, bạn sẽ thường xuyên gặp các cháu học sinh được các thầy cô đưa đi thăm và giảng giải về nghệ thuật ở các bảo tàng.

Một điều dễ thấy nữa là các tour du lịch của người Việt đi nước ngoài hầu như không có chương trình đi thăm bảo tàng nghệ thuật, đi nhà hát Opera nghe nhạc giao hưởng hay xem balê… thay vào đó các chương trình tour chỉ đi thăm danh thắng, còn lại là dành thời gian đi shopping mua sắm. Tôi mong sao chúng ta có những nhận thức tốt hơn từ sớm để giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ ngay từ những ngày còn thơ ấu, giúp cho các em trưởng thành trở thành con người toàn diện, có văn hóa.

Đến với nghệ thuật cũng dễ mà, đó là những gì tôi nhận thấy khi bạn bắt đầu biết dừng lại trước cái đẹp, bắt đầu ngắm tranh và tiếp cận với thế giới hội họa từ những trang sách, hãy đọc và bạn sẽ tìm thấy niềm vui khi đứng trước một tác phẩm đích thực trong bảo tàng.

Và bạn đừng quên đi bảo tàng nghệ thuật nhé, ở đó có rất nhiều tác phẩm tuyệt vời mà chúng ta sẽ phải xem đi xem lại nhiều lần mới thấm, mới thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Một khi đã thích rồi thì việc đến với tranh, rồi sở hữu các bức tranh sẽ là bước tiếp theo đầy thú vị, và rồi cuộc sống của bạn sẽ vui hơn, mới hơn, nhiều năng lượng hơn và là doanh nhân bạn sẽ có những lúc tìm thấy sự cân bằng trong công việc và cuộc sống khi bên cạnh bạn là những tác phẩm hội họa mà bạn yêu thích

Một năm mới đã đến rồi, chúc cho tất cả chúng ta đón một năm mới trong bình an và chiến thắng dịch bệnh Covid-19, chúc cho các doanh nhân có thêm nhiều năng lượng vươn lên để hoàn thành những khát vọng doanh nhân, đóng góp cho công cuộc phát triển của quê hương đất nước và của chính doanh nghiệp và gia đình mình. Mong một năm mới Nhâm Dần 2022 may mắn và hạnh phúc.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty HPT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ thuật hội họa: Cuộc chơi có dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO