Thưa quý doanh nhân và độc giả,
Năm Bính Thân đã khép lại và chúng ta đang chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới - mùa xuân khởi nghiệp 2017. Có thể nói, chưa bao giờ từ “khởi nghiệp” lại được đề cập nhiều như thời gian gần đây - từ lời hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ đến từng ngóc ngách của “ngôi nhà doanh nhân”. Điều này thể hiện tâm thế, sự quyết tâm, sẵn sàng bứt phá, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong giai đoạn mới của cộng đồng doanh nhân nói riêng và Việt Nam nói chung. Thanh niên khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp… Khí thế ấy gắn liền với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự tin hội nhập quốc tế.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA |
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2016, có thể thấy nhiều sự kiện đáng chú ý tác động đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hoạt động, nhiều cơ hội mở ra, nhưng thách thức cũng trực diện hơn.
Tại thị trường nội địa, giờ đây đã không còn khái niệm “sân nhà”. Những vụ thâu tóm Metro, Big C… cùng hàng loạt đại siêu thị, chuỗi siêu thị mini nước ngoài đang tích cực mở chuỗi dọn đường cho hàng ngoại vào Việt Nam dễ dàng hơn. Trong khi đó, con đường để hàng Việt Nam có mặt trong các hệ thống phân phối này ngày càng hẹp hơn vì phải đối mặt với chiết khấu quá cao, có nơi lên đến 40%.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đang đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết 5 FTA. Khác với lần hội nhập trước đây mà cột mốc là năm 2006 khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lần hội nhập này, các FTA thế hệ mới (đặc biệt là TPP) đã đưa ra những yêu cầu cao hơn, gồm nhiều cam kết sâu, rộng về thể chế, chính sách thuế quan, những quy định luật pháp nội địa…
Trong tình hình đó, Chính phủ đã quyết tâm cải cách và thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện các thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực xây dựng một “chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, chính phủ phục vụ, chính phủ liêm chính” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh.
Quyết tâm của Chính phủ - tất cả hướng về doanh nghiệp thể hiện rõ ở Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Chính phủ phát động thực hiện 3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, Nghị quyết 35 nêu rõ, đến năm 2020, doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động (gồm cả các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh). Riêng khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có thể nói, những tồn đọng làm kìm hãm sự phát triển lực lượng doanh nghiệp mà cộng đồng doanh nhân kiến nghị đã được Chính phủ lắng nghe và đưa vào Nghị quyết. Nếu thực hiện thành công Nghị quyết này thì chúng ta có thể đưa nền kinh tế phát triển “theo chiều sâu dựa trên tri thức, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”.
UBND TP.HCM cũng đã ra Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 1/8/2016 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP với mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo.
>>HUBA luôn cùng doanh nghiệp phát triển và hội nhập
Triển khai Quyết định số 35/NQ-CP, thành phố đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) hỗ trợ, quy tụ các doanh nghiệp lớn. Tiếp theo là Quyết định 4181/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP.HCM với ngân sách hỗ trợ 10.000 tỷ đồng. Những nỗ lực trên của chính quyền về cải thiện môi trường kinh doanh đã tác động rất nhiều đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp trở thành đối tác của chính phủ và là đối tượng phục vụ của chính quyền. Năm 2016 là năm đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới cả nước vượt con số 100.000 doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 797,7 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả 1.463,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng là 2.261,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,5%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm nay là 54.046, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nhìn chung trong năm 2016, bức tranh doanh nghiệp đã có phần tươi tắn hơn. Riêng địa bàn TP.HCM đã có hơn 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, phần đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách dự kiến tăng hơn 10%. Hiệu ứng hội nhập đã tạo động lực cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản, nông nghiệp, dệt may, da giày… đã có những bước chuẩn bị, đầu tư cơ bản để đón đầu TPP và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đại hội VI Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề Doanh nghiệp hội nhập - phát triển, và phương châm hoạt động của Hiệp hội là: bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, thành phố, vì uy tín quốc tế, vì sự phát triển cộng đồng.
Các chương trình hành động trọng tâm là: đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy hợp tác, liên kết cùng phát triển (liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền và doanh nghiệp với thị trường, hình thành và xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn mạnh mang thương hiệu quốc gia, có uy tín quốc tế); chương trình doanh nhân vì cộng đồng, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Bước sang năm 2017, cơ hội và thách thức đan xen, nhưng chúng ta có quyền hy vọng nền kinh tế và “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn. Cơ sở của niềm tin ấy là nhiều doanh nghiệp đã đưa được hàng hoá đi khắp thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức rõ phải liên kết và hợp tác để đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Hơn bao giờ hết, ngoài tầm nhìn chiến lược, mỗi lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay đều phải có tinh thần khởi nghiệp với sự đổi mới - sáng tạo không ngừng, chủ động hợp tác, liên kết nhằm gia tăng chuỗi giá trị và sẵn sàng vượt qua mọi thách thức của thời cuộc. Bởi, chỉ có như vậy thì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mới có thể hoàn thành sứ mệnh đầu tàu trong việc phát triển kinh tế, định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ thế giới.
Chúc các doanh nhân và độc giả một năm mới an lành, hạnh phúc và thành công!