Mua bán giữa thinh không

BÍCH HỒNG| 18/02/2015 06:40

Tết! Tết sắp đến rồi. Mà Tết là mua sắm, là thời gian để hoạch định đồng nào ăn Tết, đồng nào đi du lịch ngày Xuân.

Mua bán giữa thinh không

Tết! Tết sắp đến rồi. Mà Tết là mua sắm, là thời gian để hoạch định đồng nào ăn Tết, đồng nào đi du lịch ngày Xuân. Ngồi tính toán mới lẩm nhẩm mấy câu vè nghe từ hồi còn rất nhỏ: “Mồng một chơi cửa chơi nhà/ Mồng hai chơi bạc, mồng ba chơi đình/ Mồng bốn đi chợ Qua Ninh/ Mồng năm chợ Trình, mồng sáu Non Côi/ Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi/ Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng”.

Mấy câu vè chơi chợ mùa Xuân này tôi được nghe lại khi đến thăm đình Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Mấy phiên chợ cũ từng nổi danh ở các vùng miền Bắc nay cũng chỉ còn trong câu vè.

Mà bà cụ bán nước ở sân đình năm ấy cũng rất già, ngoài bảy mươi. Câu vè chắc cũng không còn đọng lại trong mấy thế hệ sau này đã quen đi siêu thị mua sắm.

Và bây giờ một lượng khách hàng lớn là dân văn phòng, làm việc trong phòng máy lạnh, họ lười bước ra con đường chen kín xe cộ và nắng, bụi. Vậy là dần dần muốn đi chợ, muốn mua sắm, họ rê chuột đi chợ trên mạng.

Cậy văn chương rao món hàng tốt

Không cần nghe ai rỉ tai, tôi quen đi chợ lẻ trên mạng để nghe trăm ngàn sắc thái cuộc sống, trên ấy người bán hàng cũng véo von chào mời, văn chương hoa lá cành. Ít người nỡ bỏ qua câu cảm thán: “Các anh chị ơi, tại cửa hàng vẫn còn nhiều chùm ngây, rau lang, rau ngót tươi chờ anh chị lấy đó ạ. Bạn nông dân dậy từ bốn giờ sáng để cắt chùm ngây kịp chuyển về Sài Gòn, mưa lớn nên cắt được nhiều chùm ngây lắm. Thế nên hôm nay bán mãi chưa hết, bạn nông dân vừa tủi thân lại vừa lo lắng. Các anh chị có lấy giúp không ạ?”.

Hoặc là “Các anh chị ơi, hôm nay em lên trang trại, tự tay nhặt từng quả trứng vịt để mang về thành phố đấy ạ. Trứng vịt của trang trại rất đảm bảo vì vịt được nuôi trong môi trường rất trong sạch, đặc biệt là không có thuốc kháng sinh, không nuôi bằng cám tăng trọng”.

Kèm theo là hình ảnh bắt mắt về trang trại cây cối trồng ngay hàng thẳng lối với các biện pháp trồng theo tiêu chuẩn “xanh và hữu cơ”, hình ảnh vườn rau cứ ửng lên trong nắng. Thế là chị em văn phòng rủ nhau nhấp chuột đặt hàng “thương nhớ đồng quê”.

Có trang bán áo quần thời trang chụp ảnh thật nghệ thuật về sản phẩm, còn rất tài tình trong những câu văn tuyệt đẹp dẫn dụ người đọc nên thu hút lượng truy cập rất đông.

Chợ mạng cũng dễ thương như chợ truyền thống, ở đó mình không gọi các dì, các mệ để hỏi thăm giá cả, mà cất tiếng “Cả nhà ơi, các mẹ ơi, cho hỏi thăm sử dụng... (món này, món kia) chưa” là nhận được hàng chục lời khuyên thực tế về chất lượng, giá cả, địa điểm mua hàng. Có khi chỉ một sản phẩm mà ý kiến bàn ra tán vào đến cả tuần đọc không hết.

Và chợ mạng cũng như ngoài đời, có cửa hàng sang trọng bán hàng hiệu, hàng hóa được tay máy nhà nghề chăm chút từng hình ảnh, có đội ngũ tư vấn trực tuyến 24/7. Có gian hàng đơn sơ mang tên “Nông dân trí thức”, giống như hội chợ, họ vừa bán nông sản, vừa truyền cho nhau kiến thức mới về nông nghiệp sạch, làm người mua cảm tình, theo dõi trang và đón nhận sản phẩm.

Sản phẩm chưa có thương hiệu khó bán, người mua có trình độ và thu nhập ổn định yêu cầu cao hơn chợ xép. Chỉ có cách đầu tư hình ảnh và thuyết minh, nên nhiều người bán hàng qua mạng nhờ hẳn người văn hay chữ tốt giao lưu với khách hàng.

Tôi có anh bạn độc thân thỉnh thoảng vẫn mời bạn bè ghé nhà ăn tối. Hóa ra anh có địa chỉ trang chuyên bán món ăn gia đình tên là “Bếp của Phước” ở trung tâm Sài Gòn, mà toàn món đồng quê. Trang Facebook cập nhật các món với lời lẽ hấp dẫn: “Còn ít sấu vét hết cho món vịt om sấu để nhớ Hà Nội, nghe nói ngoài đó đang mùa Đông, lạnh lắm”.

Hay những tản văn với tựa đề thật tình cảm như “Mình nấu món gì khi mình quá yêu người ta”. Văn chương như thế mà món ăn thật là gia đình. Khó có người phụ nữ nào đáp ứng được những món ăn gia đình cỡ như “Bếp của Phước”, chẳng hạn như gà đất ram muối ớt, sườn non om dưa cải mặn, cá kèo kho rau răm đưa đến nhà còn nóng sốt. Bếp này cũng phục vụ bữa ăn cả tuần cho người độc thân, nên rất được các bạn trẻ có thu nhập tốt ưa chuộng.

Không gian của những bà nội trợ thông minh

Nhưng dù sao, với phương tiện thông tin, phụ nữ thông minh thời đại chợ mạng không bao giờ là người phụ nữ vụng về. Không còn người phụ nữ thông minh nào đứng ngẩn ngơ giữa chợ truyền thống mà lẩm nhẩm “Không biết mua cái gì cho bữa trưa!”.

Vừa làm việc, họ vừa lướt qua các trang tư vấn món ăn gia đình, nhắm được mấy món, lấy luôn công thức, chỉ việc qua trang bán hàng đặt thực phẩm tươi sống là xong. Những người chưa bao giờ lên mạng sợ chuyện lừa đảo, nhưng phụ nữ của mạng internet không quan tâm chuyện đó.

Họ hiểu rất rõ sức mạnh của mạng xã hội. Ai bán hàng dỏm, hàng hết hạn sử dụng hay giá cao sẽ không có đất sống trên “bia miệng Google”. Chỉ cần sơ sảy về chất lượng, tiếng xấu lan truyền “nhanh như điện”, ai cũng có thể đọc trong tích tắc và món hàng đó sẽ phải chịu ngay cảnh ế ẩm lâu dài.

Chính ở chợ mạng, các bà nội trợ thông minh được quyền yêu cầu mua hàng tận gốc. Họ vào tận các trang giới thiệu quy trình sản xuất, lật xem các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng nhận chất lượng.

Mua hoặc trồng tận gốc, bán tận ngọn là phong cách của người bán hàng trên mạng vào năm 2014. Họ không chỉ luyện văn hay chữ tốt để quảng bá hàng, mà còn phải luôn nâng cao chất lượng và duy trì giá cả phải chăng để giữ chữ tín, con đường duy nhất để giữ khách hàng thân thiết.

Hầu hết đều nhìn ra con đường thương mại giữa chốn tưởng như thinh không này lại là nơi có điều kiện để minh bạch chất lượng. Và hôm nay thương mại điện tử đã quyến rũ nhiều tập đoàn lớn trong nước.

Chợ điện tử FPT vừa được đầu tư hơn một năm đã có lượng “fan” khổng lồ. Với tính năng mua hàng công nghệ cần xem xét kỹ cấu hình, kiểu dáng, cần thông tin so sánh với sản phẩm có giá tương đương, thì chính “chợ mạng FPT” cung cấp đầy đủ nhất.

Những phiên chợ “bán giá sốc” trưa thứ Bảy của FPT cũng rất hấp dẫn, lời lẽ nhân viên trẻ trung, hiện đại nên hút khách trẻ, tạo ra một bản sắc FPT mới trong thương mại điện tử.

Những chợ có thương hiệu đều bao gồm một trang web để giới thiệu tất cả các mặt hàng đang bán. Nhưng với sự phát triển gần 20 triệu khách hàng sử dụng Facebook, lại là lực lượng trẻ mua sắm nhiều, nên các trang bán hàng đều lập tài khoản Facebook, coi là nhân viên tiếp thị xung kích tiếp cận khách hàng tiềm năng và giới thiệu mặt hàng mới nhất.

Tờ rơi với chi phí in ấn tốn kém đang biến mất trước trào lưu bán hàng trên Facebook, khi tin nhắn quảng cáo chạy đầy trên các màn hình smartphone. Thời điểm này không có gì là không thể rao bán trên mạng, từ chất xám, lao động phổ thông, đồ ăn vặt cho đám trẻ đang ôn thi đến hàng hiệu của thế giới.

Mỗi thứ đều có chợ riêng, và khách hàng cũng duy trì việc thăm viếng, cập nhật thông tin hàng hóa của các chợ uy tín trên Facebook chỉ bằng một nút “Like”.

Tôi hình dung tương lai của chúng ta thế này: Đầu tuần nhà tôi cần vài ký rau cải, ít ký cà chua. Tôi chỉ mất 5 phút ngồi nhà và đánh lệnh trên Google để so sánh giá cà chua của nông trại với giá cà chua của hệ thống Big C và ra tiếp cái lệnh thứ ba để đưa những bó rau tươi và cà chua sạch về nhà với giá tôi ưng ý nhất. Không chịu được sự cạnh tranh từ minh bạch này, không thể lên buôn bán giữa thinh không!

Đến đây bỗng nhớ ra, cũng gần 10 năm phát triển thương mại điện tử, cả triệu triệu lượt người ngược xuôi tần tảo bán buôn trên ấy mà chưa nghe câu vè nào vẳng đến!

>Rê chuột tìm chợ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mua bán giữa thinh không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO