Văn hóa - Giải trí - Du lịch

"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian": Có thực sự “độc hại” về giáo dục giới tính học đường?

Châu Bá Thông 10/05/2024 13:04

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang tranh cãi về việc trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) quyết định thu hồi sách tham khảo “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của tác giả Ocean Vương, xin chia sẻ góc nhìn của tôi, từ góc nhìn của người “mê sách” và một phụ huynh.

Được biết, ngay sau khi được thông tin về sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã yêu cầu nhà trường thu hồi toàn bộ sách đã cấp phát cho học sinh lớp 11. Tuy nhiên, vẫn có những luồng ý kiến trái chiều về sự việc này. Theo TS. Đào Lê Na - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, những trích đoạn dùng làm dẫn chứng để kết luận rằng đây là một tác phẩm khiêu dâm, đồi trụy là không thỏa đáng vì đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ so với tổng thể câu chuyện vốn khai thác những chủ đề rộng lớn hơn.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian có thực sự “độc hại” về giáo dục giới tính học đường?

bia-sach-mot-thoang-ta-ruc-ro-o-nhan-gian-on-earth-we-re-briefly-gorgeous-tieu-thuyet-dau-tay-cua-tac-gia-ocean-vuong..jpg
Bìa sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On earth we’re briefly gorgeous), tiểu thuyết đầu tay của tác giả Ocean Vương, viết bằng tiếng Anh đã giành được 4 giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia và 5 giải Pulitzer. Vào năm 2021, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đã được xuất bản chính thức và phổ biến rộng khắp tại Việt Nam, thông qua bản chuyển ngữ tiếng Việt của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Được viết dưới dạng tiểu thuyết thư từ, cuốn tiểu thuyết có cấu trúc tường thuật phi tuyến tính, có thể xem như là hình thái tự sự và phản chiếu cuộc đời của chính tác giả Ocean Vương trong giai đoạn thành niên.

Sau khi xuất bản On earth we’re briefly gorgeous tại Mỹ vào năm 2019, Ocean Vương đã nhận được Học bổng MacArthur thuộc Chương trình Nghiên cứu sinh MacArthur, thường được gọi là “Tài trợ thiên tài”, là giải thưởng được trao hàng năm bởi Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur cho khoảng 20-30 cá nhân làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào - những người đã thể hiện “sự độc đáo và cống hiến phi thường trong việc theo đuổi sáng tạo và khả năng tự định hướng rõ rệt” và là công dân hoặc cư dân của Mỹ.

Năm 2022, Ocean Vương được Buzzfeed Books vinh danh là một trong “32 nhà văn người Mỹ gốc Á tiêu biểu”. Thơ và tiểu luận của Ocean Vương đã được đăng trên nhiều tạp chí, trong đó có Poetry; The Nation; Narrative Magazine, The New Republic; The New Yorker, TriQuarterly; Guernica; The Rumpus; Boston Review…

On earth we’re briefly gorgeous từng ra mắt ở vị trí thứ 6 trong danh sách “sách bán chạy nhất” (best sellers) của The New York Times, vào năm 2019.

Các nhà Phê bình thế giới nói gì về cuốn sách?

Nhà phê bình Ron Charles của The Washington Post đã khen ngợi cuốn tiểu thuyết này, gọi nó là “đẹp không giới hạn”. Trong bài viết phê bình cho Time, Nguyễn Thanh Việt - nhà văn người Mỹ gốc Việt từng đoạt Giải Pulitzer danh giá cho tác phẩm hư cấu năm 2016, thông qua tiểu thuyết The Sympathizer đã viết: “Ocean Vương không ngại xấu hổ mà đã chuyển cảm xúc, bản năng cá nhân vào cuốn tiểu thuyết này thực sự tuyệt vời và khó quên, một cuốn sách tìm cách ảnh hưởng đến độc giả của nó một cách sâu sắc.

tac-gia-ocean-vuong-trong-phong-lam-viec-tai-nha..jpg

Viết cho tờ Los Angeles Times, Steph Cha gọi cuốn tiểu thuyết này là “một cuốn sách có vẻ đẹp và chất trữ tình bền bỉ, tha thiết và không ngừng nghĩ, một loạt các nốt cao run rẩy một cách tinh tế gần như không gián đoạn”. Viết trên The New Yorker, Jia Tolentino nhận thấy “dấu ấn cấu trúc trong thơ Ocean Vương - kỹ năng tách âm, ghép nối và sắp xếp câu từ” hiện diện rõ nét trong tiểu thuyết.

Tác phẩm được đưa vào kỳ thi tại Úc

Vào tháng 11/2021, một đoạn trích từ On earth we’re briefly gorgeous của Ocean Vương đã được giới thiệu trong kỳ thi Chứng chỉ Trung học tại New South Wales/ NSW (bang ở phía Đông nước Úc), dưới dạng bài kiểm tra đầu tiên trong số hai bài kiểm tra tiếng Anh, áp dụng do học sinh lớp 12 ở bang NSW, yêu cầu thí sinh đọc một đoạn trích trong cuốn tiểu thuyết và trả lời một câu hỏi ngắn.

Tác phẩm của Ocean Vương cũng đã hiện diện cùng với các tác giả văn học kinh điển như MarkTwain; Leo Tolstoy; Toni Morrison; John Steinbeck; Charles Dickens; Charlotte Bronte; Victor Hugo; George Orwell; Jane Austin; Hemmingway; Samuel Beckett; Emily Bronte...

Tác phẩm này cũng nằm trong danh mục sách gợi ý tham khảo của Chương trình Tú tài Quốc tế IBDP, là chương trình dành cho học sinh từ 16 -19 tuổi ở 140 quốc gia trên thế giới. Chương trình cung cấp bằng cấp được quốc tế chấp nhận, để vào học đại học và được nhiều trường đại học trên toàn thế giới công nhận.

Ấy thế mà tại TP.HCM vào năm 2024, chỉ vì một đôi lời cảm thán từ một số phụ huynh, xem chừng không cập nhật và theo kịp được với các tác phẩm văn học đương đại (sử dụng tham khảo học đường quốc tế), nhà trường của một trường quốc tế đã vội ra quyết định thu hồi một tác phẩm tham khảo thuộc hàng danh tiếng - bởi vốn dĩ đã được công nhận từ giới phê bình văn học quốc tế cũng như là với các chương trình giáo dục toàn cầu. Hơn thế nữa, cơ quan chủ quản về giáo dục tại địa phương cũng vừa đề nghị kiểm điểm giáo viên của trường quốc tế này tại TP.HCM, với lý do đã phân phối sách “gợi dục” cho học sinh phổ thông trung học tham khảo.

Phải chăng, bản lĩnh dẫn đạo và phản biện của những người làm giáo dục của chúng ta dường như không hề hiện diện, nhất là trong các trường hợp điển hình như thế này. Có mâu thuẫn chăng khi bộ môn giáo dục giới tính từ lâu cũng đã được đưa vào sách giáo khoa Việt Nam, ngay từ bậc Tiểu học?

Từ câu chuyện trên, một số người mê sách, quan tâm đến nền giáo dục và văn hóa đọc nước nhà vẫn trăn trở với câu hỏi: Giáo dục khai phóng ở học đường Việt Nam hiện đang ở đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian": Có thực sự “độc hại” về giáo dục giới tính học đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO