Môi trường kinh doanh: Phải nâng cấp cải cách lên mức cao hơn

Nguyễn Song| 27/04/2021 01:19

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đã chậm lại so với các năm trước, trong khi xu hướng thay đổi của các lĩnh vực kinh tế diễn biến trái ngược, TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét.

TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

* Việc cải thiện môi trường kinh doanh ít được đề cập trong năm 2020. Từ góc độ doanh nghiệp, ông bình luận thế nào về điều này?

- Các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện trong năm 2020. Môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế. Thủ tục hành chính đã được cải thiện. Chi phí không chính thức có chiều hướng giảm. Nhưng nhìn chung, tốc độ cải cách môi trường kinh doanh đã chậm lại. Nhiều chỉ số trong lĩnh vực kinh tế có điểm số thấp, thậm chí cả lĩnh vực từng có chỉ số cao như thành lập doanh nghiệp, hay tiếp cận điện năng. Ví dụ, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh, với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra. Các quy định mới về quản lý thuế đang được soạn thảo, như thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để đảm bảo tính công bằng thuế và tạo sự thuận tiện cho việc áp dụng của các bên liên quan. Tuy nhiên, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, như đề nghị miễn, giảm thuế (23%), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)...

* Theo ông, cải cách môi trường kinh doanh thời gian tới sẽ khó hơn hay thuận lợi không?

- Trong bối cảnh hiện nay, việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và an toàn vẫn gặp thách thức rất lớn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp, hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh dù đã giảm một nửa trong 6 năm qua, nhưng thời gian đăng ký doanh nghiệp năm 2020 bị kéo dài hơn so với năm 2019. 

Trong giai đoạn 2015-2020, xu hướng cải cách điều kiện kinh doanh được thực hiện với nhiều chương trình mạnh mẽ và đem lại nhiều thành công, như bãi bỏ được hàng nghìn điều kiện kinh doanh trong các thông tư (cấp bộ). Đối với các điều kiện quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào sản xuất, kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Các điều kiện kinh doanh trùng lặp được bãi bỏ và giảm bớt nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp về thủ tục kinh doanh được ghi nhận tốt hơn.

243214-8620-1619496782.jpg

Thế nhưng, ngay cả khi môi trường kinh doanh được cải thiện nhất định, rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Những khác biệt trong quy định pháp luật vẫn còn rào cản và chưa có phương án, giải pháp hiệu quả để khắc phục. Tới đây, Chính phủ cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, bởi ban hành văn bản pháp luật có thể tạo ra những chi phí lớn về thực thi, kể cả cho doanh nghiệp, cho xã hội và trong bộ máy. Việc ra một văn bản pháp luật là phải tính toán đầy đủ các chi phí này. 

Một thực tế, thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới vẫn thấp, do các quy định về khởi sự doanh nghiệp nhiều thủ tục, chưa có sự liên thông giữa các thủ tục. Một số quy định được ban hành gần đây dự kiến sẽ góp phần tăng hạng cho chỉ số này, như Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2020 về quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, thủ tục về hóa đơn chứng từ, và Nghị định 22/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập.

* Theo ông thì chặn đà suy giảm tốc độ cải cách môi trường kinh doanh bằng cách nào?

- Tôi cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh thời gian tới phải nâng cấp lên mức cao hơn, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra môi trường kinh doanh thật minh bạch.

Chính phủ đã giao VCCI xây dựng báo cáo đánh giá độc lập, phản ánh góc nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo này sẽ phản ánh mức độ chuyển biến của môi trường kinh doanh Việt Nam qua ý kiến của các doanh nghiệp trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm qua, cũng như đưa ra kiến nghị, giải pháp cho giai đoạn sắp tới, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môi trường kinh doanh: Phải nâng cấp cải cách lên mức cao hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO