Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến hết năm 2021, thị trường có hơn 122 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, con số gần nửa triệu người dùng Mobile Money vẫn khá thấp (chưa tới 0,5%) và còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Cơ quan quản lý cũng chưa công bố tổng giá trị giao dịch của những người dùng Mobile Money này.
Ba nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone được triển khai thí điểm Mobile Money trong hai năm (đến cuối năm 2023) với mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo quyết định số 1813/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Mobile Money được đánh giá là giải pháp giúp tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tài khoản Mobile Money tách biệt hoàn toàn với tài khoản viễn thông (dùng để gọi điện, nhắn tin). Nếu muốn đăng ký dịch vụ, người dùng cần sở hữu SIM được đăng ký chính chủ, thời gian sử dụng ít nhất 3 tháng, cùng với các quy định định danh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Để nạp tiền vào tài khoản, ngoài cách thông dụng với ví điện tử là nạp qua tài khoản ngân hàng, người dùng có thể trực tiếp đến điểm giao dịch của nhà mạng để giao dịch. Do đó, những người ở vùng sâu vùng xa, khu vực chưa có nhiều chi nhánh ngân hàng vẫn có thể sử dụng dịch vụ.
Theo Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA), tính đến cuối năm 2020, Mobile Money đã có 310 loại hình giao dịch và được phổ biến tại 96 quốc gia. Số tài khoản đăng ký Mobile Money đến cuối năm 2020 là 1,21 tỷ, tăng 12,7% so với năm 2019 với hơn 300 triệu tài khoản hoạt động mỗi tháng. Lần đầu tiên, giá trị các giao dịch thông qua Mobile Money cán mốc 2 tỷ USD/ngày.
Châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara là những khu vực có lượng người đăng ký Mobile Money nhiều nhất thế giới. Lý do đến từ việc nhiều người tại các khu vực này chưa được tiếp cận với hệ thống thanh toán và tín dụng chính thức.