“Bộ làm chưa tốt việc thành lập trường đại học mà lại để Thủ tướng chịu trách nhiệm là không công bằng”.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. |
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy vào cuối phiên thảo luận của Quốc hội về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, chiều 30/10.
Trước đó, vấn đề "căng" nhất tại 22 ý kiến phát biểu vẫn là có nên chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không.
Mở đầu phiên thảo luận, những ý kiến không ủng hộ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, càng gần cuối phiên thì những ý kiến đồng tình càng nhiều hơn, với sự tham gia của một số vị đại biểu đang công tác trong ngành giáo dục.
Lần lượt phát biểu ngay từ đầu phiên họp, các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đều không tán thành việc giao cho bộ trưởng quyết định thành lập đại học. Đồng thời chỉ ra nhiều khiếm khuyết của dự luật.
Đại biểu Cuông nhận xét, dự thảo luật còn chung chung, nhiều nội dung cứ như nghị quyết. Dẫn một số điều, khoản cụ thể, đại biểu Thanh cho rằng dự luật còn mang nặng tính xin cho vì dùng quá nhiều câu “cho phép”. Còn đại biểu Nghĩa đánh giá, mục tiêu của dự luật chưa rõ ràng, chưa đúng và trúng, mang tính chất cục bộ, không vì đại cục, đề nghị nghiên cứu sửa đổi toàn diện hơn.
Phát biểu ngay sau giờ giải lao, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) là một trong số ít những người ngoài ngành ủng hộ việc giao cho bộ trưởng quyết định thành lập trường đại học.
Đưa ra ví dụ trường đại học Phan Thiết (chưa có cơ sở vật chất đã tuyển sinh và đang gây nhiều tai tiếng – PV) được thành lập theo quyết định của Thủ tướng, nhưng chưa thấy ai chất vấn Thủ tướng xem trách nhiệm như thế nào, đại biểu Kiên cho rằng cần phải có người cụ thể chịu trách nhiệm.
“Quan điểm của tôi là Chính phủ lập chiến lược giáo dục, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giáo dục trong đó có quy hoạch về trường đại học và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện chiến lược và quy hoạch đó. Lúc ấy, nếu bộ trưởng sai thì Thủ tướng mới có quyết định để khắc phục sai sót, mới có địa chỉ để kiểm điểm”, ông Kiên phát biểu.
Ngay sau đó, các đại biểu Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Ba, Huỳnh Thành Đạt (cùng công tác trong ngành giáo dục) đều “hoàn toàn ủng hộ đề xuất giao thẩm quyền cho bộ trưởng quyết định thành lập trường đại học”.
Đại biểu Hùng cho rằng, không nên nghĩ rằng giao cho bộ trưởng quyết định thì việc thành lập đại học sẽ tràn lan, là Chính phủ thả nổi. Từ trước đến nay thẩm quyền này thuộc Thủ tướng thì dư luận vẫn nói nhiều trường không đủ điều kiện. Còn theo đại biểu Đạt thì dự án luật đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua.
Giải đáp rõ hơn những quan tâm của đại biểu, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục đòi hỏi điều chỉnh cả luật và văn bản dưới luật. Theo đó nhiều nội dung đại biểu quan tâm đã được điều chỉnh dưới luật, như các giai đoạn mở các cơ sở đại học và mở ngành tuyển sinh.
Riêng thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học, Phó thủ tướng phát biểu, khi giao cho bộ trưởng quyết định thành lập trường là để khẳng định trách nhiệm bộ trưởng. Nếu có có sai sót thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm chứ không đẩy lên Thủ tướng.
Vừa qua, việc thành lập trường có sai sót do Bộ làm chưa tốt. Nếu Bộ làm chưa tốt để thủ tướng chịu trách nhiệm là không công bằng. Thủ tướng chịu trách nhiệm những vấn đề lớn của quốc gia, chứ riêng một ngành thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, Phó thủ tướng nhấn mạnh.