“Miếng trầu là đầu câu chuyện”

DIỄM ANH/DNSGCT| 29/11/2012 00:49

Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Tại Việt Nam tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện Trầu cau”.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”

Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Tại Việt Nam tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện Trầu cau”. Theo các chuyên gia lịch sử, với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống.

Đọc E-paper

Để nhớ về nguồn gốc một nét văn hóa đẹp còn sót lại đến bây giờ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nhà sưu tập Thành Hải Dương (Nguyễn Trung Thành) mới đây đã tổ chức trưng bày “Văn hóa trầu cau Việt Nam” tại số 1 Tràng Tiền (Hà Nội), thu hút được sự chú ý của đông đảo khách trong và ngoài nước.

Tại triển lãm có khoảng 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu về văn hóa trầu cau như: Bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau, têm trầu, khay trầu, cối giã trầu, xà tích, ống nhổ… của nhiều dân tộc như Kinh, Tày, Chăm, Khmer, Xơ Đăng, Xtieng… có từ thế kỷ XI-XIX. Cũng như các loại vật dụng khác, trong xã hội cũ, bộ dụng cụ ăn trầu thể hiện rõ đẳng cấp người sử dụng.

Đối với tầng lớp bình dân, bộ dụng cụ này được tạo tác đơn giản, bằng những chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải… Ngược lại, đối với tầng lớp quý tộc, chúng được làm bằng chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, pha lê… việc tạo dáng, trang trí cũng độc đáo, tinh xảo và cầu kỳ.

Nổi bật trong số các hiện vật là bình vôi với các loại gốm men màu, kích cỡ. Trong gia đình Việt Nam cổ truyền, bình vôi được tôn kính như một vị thần nên được gọi là “Ông bình vôi” hay “Ông vôi”, tương tự như ông Táo trong bếp.

Khi bình vôi bị đặc ruột hoặc lỡ bị sứt mẻ thì người ta không đem vứt bỏ mà cẩn thận treo, xếp ở gốc đa đầu làng. Vì thế, bình vôi khi chế tác đã được đầu tư nhiều công sức, trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt và tính thẩm mỹ cao: Bình vôi với tay cầm đắp hình rồng, hình trâu, hình nghê, buồng cau…

Các bộ dụng cụ ăn trầu ở triển lãm không chỉ cho người thưởng ngoạn hồi tưởng và hình dung đầy đủ những khía cạnh văn hóa của tục ăn trầu ở Việt Nam mà còn thấy lại và tự hào về những di sản mỹ thuật giá trị, vang bóng một thời.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn – giống như ngày nay, mỗi khi gặp nhau, người ta hay mời nhau chén trà, điếu thuốc vậy. Trong gia đình người Việt truyền thống, ngày lễ, ngày tết lại càng không thể thiếu được cơi trầu với những miếng trầu đã têm vô cùng đẹp mắt để trước là cúng tổ tiên, sau là mời khách.

Trầu cau và văn hóa ăn trầu gắn bó với đời sống người Việt qua nhiều đời, nhiều thế hệ nên nó còn hiện diện và lắng đọng sâu đậm trong văn học dân gian, ca dao, dân ca: “Tiện đây ăn một miếng trầu/Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là”; “Em về, anh gửi buồng cau/Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy”; “Cau non tiễn chũm hạt đào/Trầu têm cánh phượng dọc dao Lưu Cầu” hoặc “Trầu này đủ vỏ, đủ vôi/Đủ cau, đủ thuốc, đủ mùi xạ hương”…

Không chỉ có vậy, miếng trầu đã được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực. Bởi vậy, cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế – tùy từng hoàn cảnh tiếp đãi mà trầu được têm theo mỗi cách khác nhau với ý nghĩa biểu trưng: Trầu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Miếng trầu đã têm còn thể hiện nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm nó.

Đặc biệt, trầu têm cánh phượng là biểu tượng cho sự duyên dáng, quyến rũ và khéo léo của người phụ nữ. Chẳng phải vô tình mà hình ảnh của các bà, các cô mời trầu, giã trầu, têm trầu lại thu hút được sự chú ý và ngưỡng mộ của người Pháp đến mức đã đưa lên bưu ảnh một thời và ông Henry Oger đã khắc họa bằng những hình khắc sinh động trong sưu tập tranh của ông cách đây hơn 100 năm.

Ngày nay rất ít người còn có thói quen ăn trầu, mặc dù trầu, cau luôn hiện diện trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO