Mì tôm Miliket và sức mạnh của thói quen

TRANG LÊ| 04/11/2017 06:53

Thực tế cho thấy, dù hiện tại chỉ nắm giữ thị phần từ 3 – 4%, nhưng mì tôm Miliket vẫn sống khỏe.

Mì tôm Miliket và sức mạnh của thói quen

Dù chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trên các quầy hàng, nhưng thương hiệu mì 45 tuổi này vẫn âm thầm với đời sống riêng của mình.

Hương vị tuổi thơ

Những năm 1980 của thế kỷ trước, mì ăn liền là một món ăn rất xa xỉ, giá trị 500 – 1.500 đồng ngày ấy là một số tiền không hề nhỏ. Chỉ một gói mì tôm cũng rất trân quý với nhiều đứa trẻ. Cảm giác sung sướng khi được thưởng thức một bát mì nóng hổi đổi vị bữa cơm hàng ngày là ký ức chung về một tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ người Việt. Lúc bấy giờ, mì tôm Miliket chính là món ăn được “khao khát” nhất.

Thương hiệu mì tôm Colusa, tiền thân của mì Miliket, được sản xuất từ trước năm 1975 bởi công ty thực phẩm Sài Gòn, sau đó được đổi tên thành Xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Đến năm 1983, Tổng công ty Lương thực miền Nam mở thêm Xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, Colusa và Miliket đều cùng sáp nhập thành Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket và chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2006.

Mì tôm Miliket gần như độc quyền thị trường mì ăn liền với thị phần trên 90% vào những năm 1980 - 1990. Bên trong bao bì giấy kraft giản dị với hình ảnh hai con tôm là hương vị gây thương nhớ đối với biết bao thế hệ người tiêu dùng. Cũng từ đó, mì ăn liền thường được người tiêu dùng gọi là “mì tôm”, ngầm khẳng định sức ảnh hưởng lớn như thế nào của mì “hai con tôm” đến tâm trí và thói quen của người dân Việt.

Hơn 30 năm tồn tại, bao bì Miliket vẫn chỉ có… hai con tôm. Nhiều người cho rằng, Miliket quá bảo thủ trong việc phát triển sản phẩm và thay đổi mẫu mã. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giữ nguyên bao bì sản phẩm giúp Miliket khai thác thế mạnh ký ức quen thuộc ngày xưa, đánh vào giá trị tinh thần mà hiếm sản phẩm tiêu dùng nào có được.

Mì ăn liền Miliket hiện vẫn đồng hành cùng nhiều người tiêu dùng trung thành, nhất là các gia đình có nhiều thế hệ từ những năm cuối thế kỷ 20, bởi dù trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mì ăn liền hiện đại hơn, nhưng những giá trị về tinh thần và thói quen sử dụng mì Miliket vẫn khó có thể thay đổi.

>>Giải pháp Marketing thời khủng hoảng

Sống theo cách riêng

Ông cha ta vẫn dạy “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Mì tôm Miliket đã tận dụng triệt để câu tục ngữ trên. Xác định rõ được vị thế của mình trước thị trường mì ăn liền cạnh tranh khốc liệt với khoảng 50 thương hiệu khác nhau, Miliket luôn tránh đối đầu trực tiếp với các ông lớn và tồn tại theo cách riêng của mình.

Thực tế cho thấy, dù hiện tại chỉ nắm giữ thị phần từ 3 – 4%, nhưng mì tôm Miliket vẫn sống khỏe. Thậm chí doanh thu và lợi nhuận đầu năm nay còn liên tục báo tin vui, nhất là sau khi thương hiệu 45 năm tuổi này lên sàn chứng khoán.

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Cosula – Miliket đã được niêm yết trên sàn UPCOM với giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa của Cosula đạt 124 tỷ đồng.

Kết thúc quý III/2017, Miliket đạt doanh thu thuần 136 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, nâng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 lên 390 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng đầu năm 2016. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi 6,6 tỷ đồng trong quý III năm nay, gấp đôi con số 3,2 tỷ đồng năm trước, và lũy kế 9 tháng đầu năm, Miliket lãi 17,55 tỷ đồng, tăng 57% so với 9 tháng đầu năm 2016.

Chiến lược cơ bản của Miliket chính là rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những tầng lớp thấp, người lao động chủ yếu ở khu vực miền Tây và niềm Nam. Giá mỗi gói mì tôm Miliket hiện chỉ dao động ở mức 2.000 đồng – 3.000 đồng/gói, thuộc mức giá thấp nhất trên thị trường.

Điều này nhờ vào phần lớn tài sản cố định của công ty đã được thu hồi hết (tài sản cố định đã khấu hao được 70%) mà Miliket có được giá thành sản phẩm thấp hơn so với các đối thủ cùng ngành.

>>"Đại chiến" mì ăn liền: Rướn lên phân khúc giá cao

Thứ hai, mì tôm Miliket không trực tiếp bỏ tiền vào quảng cáo, marketing trên các phương tiện truyền thông bởi khó mà cạnh tranh với các “đại gia” cùng ngành như Acecook, Masan. Miliket đã chọn lối đi ngách khôn khéo hơn, đó là đem sản phẩm tới các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn và phân phối sản phẩm tới các chợ đầu mối, chợ bán lẻ và đại lý. Nhờ vậy, độ phủ sóng của mì Miliket vẫn được đảm bảo.

Ngoài ra, mì tôm Miliket còn có màn “song kiếm hợp bích” ăn ý với các quán lẩu và nhà hàng từ lớn đến nhỏ. Với chất sợi mì dai cùng hương vị đậm đà, mì tôm Miliket rất hợp để thưởng thức cùng món lẩu. Tần suất có mặt ở các quán lẩu của Miliket nhiều đến mức mà hiện nay, nó đã có tên gọi mới là “Mì ăn lẩu”.

Đặc biệt, lãnh đạo Miliket còn đề cao nguyên tắc “nhu cầu đến đâu, sản xuất đến đó. Tuyệt đối không để lại hàng thừa, hàng tồn kho”. Do đó, Miliket đã tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất và vẫn âm thầm tồn tại được sau hơn 45 năm.

Tuy nhiên, với mức sống ngày càng cao cũng như yêu cầu về chất lượng, hương vị đa dạng của sản phẩm tăng lên từ phía người tiêu dùng, nếu như Miliket vẫn phụ thuộc vào lợi thế trựu tượng như hồi ức và thói quen, thì “tuổi thọ” cũng Miliket dài lâu đến đâu cũng khó rất khó nói.

(Theo VNF - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mì tôm Miliket và sức mạnh của thói quen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO