Một cuộc khảo sát những người mua thức ăn nhẹ của Silayoi và Speece cho thấy bao bì xếp thứ hai sau hương vị trong tiêu chí lựa chọn sản phẩm. Có đến 86% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho một gói thức ăn đẹp hơn, cho thấy tầm quan trọng của bao bì trong quyết định tiêu dùng. Một nghiên cứu khác của Vakratsas và Ambler Breetz cũng cho thấy người tiêu dùng đánh giá thông tin được cung cấp trên bao bì để giải thích cho mức giá được tính và chọn mua.
Các yếu tố như màu sắc, kiểu chữ và hình dạng cũng tác động tích cực đến giá trị hàng hóa, độ hấp dẫn của bao bì giúp cải thiện sự chú ý, tác động đến cách đánh giá thương hiệu và lựa chọn sản phẩm của khách hàng.
Ngôn ngữ trên bao bì sản phẩm còn là yếu tố quan trọng quyết định đến việc phát triển thị trường xuất khẩu. Vấn đề luôn được đặt ra là để tiếp cận thị trường mới, các thương hiệu quốc tế có nên nội địa hóa hay tiêu chuẩn hóa bao bì sản phẩm hay không.
Tiếp cận tiêu chuẩn hóa có nghĩa là bao bì vẫn giữ nguyên các dấu hiệu (hình dạng, màu sắc, biểu tượng...) để duy trì hình ảnh và độ nhận diện thương hiệu nhất quán của sản phẩm ở mọi thị trường. Còn tiếp cận nội địa hóa là bao bì được thiết kế với các dấu hiệu riêng biệt, đặc trưng riêng về văn hóa và ngôn ngữ của địa phương đó, để người tiêu dùng nhận thấy sự khác biệt hay độc đáo của sản phẩm. Việc nội địa hóa bao bì có thể khai thác tính độc đáo của từng thị trường, để phân biệt và đạt được lợi thế so với các thương hiệu cạnh tranh trên thị trường đó.
Tín hiệu quảng cáo có thể chuyển tải thông điệp đến các nhóm người tiêu dùng cụ thể do sự đa dạng về chủng tộc, tôn giáo, địa lý và ngôn ngữ. Sự khác biệt về văn hóa thường tác động đến nội dung và hiệu quả quảng cáo, khiến người tiêu dùng chú ý và phản ứng tốt với các tín hiệu như vậy.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, bằng cách sử dụng mô hình dân tộc thiểu số trong quảng cáo, người tiêu dùng ở đó tiếp xúc tự nhiên với thông tin sản phẩm, họ tự giới thiệu người khác và có thái độ thuận lợi với sản phẩm, làm tăng ý định mua hàng của họ. Thông điệp bằng ngôn ngữ địa phương quen thuộc giúp họ liên tưởng đến sản phẩm theo nhu cầu một cách dễ dàng.
Ngôn ngữ trên bao bì của một sản phẩm khi đến các thị trường nước ngoài nên bản địa hóa để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, qua đó tăng sự nhận diện thương hiệu và thành công.