![]() |
Lee Hee Kyn, một doanh nhân có tiếng ở Malaysia, thổ lộ: “Bất cứ người du lịch sành sỏi nào về Đông Nam Á, khi được hỏi về tên quốc gia mà họ nghĩ đến nhanh nhất, chắc chắn phải là: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Việt Nam. Hiếm khi có cái tên Malaysia”.
![]() |
1 Lee nói ra câu chuyện này, nghe qua có thể hiểu đó là một lời than phiền. Nhưng để ý thái độ của người đàn ông từng trải này, cũng có thể hiểu ý anh muốn nhắn nhủ: “Hãy tìm hiểu về đất nước tôi đi, một đất nước có khá nhiều cái “nhất” ở khu vực và thế giới”.
Malaysia, đất nước Hồi giáo có diện tích bằng Việt Nam, dân số khoảng 26 triệu người, trong đó 80% theo đạo Hồi. Nguyên tắc của đạo Hồi nơi đây tuy không hà khắc, nhưng vẫn có những quy tắc nhất định.
Một anh bạn làm du lịch cho biết, nam nữ hôn nhau trong công viên, nếu bị bắt gặp chắc chắn sẽ phải nhận án phạt. Thế nhưng, tâm lý đắn đo trước đó gần như bị xóa bỏ khi đã đặt chân đến quốc gia Hồi giao này.
Một hình ảnh bắt gặp rất ấn tượng ở sân bay quốc tế KUL, hay tại các trung tâm thương mại sang trọng là những phụ nữ theo đạo Hồi mặc trang phục trùm đầu kiểu burqa, tức trùm kín, chỉ chừa lại đôi mắt. Điều đáng nói ở đây là những phụ nữ đó nắm tay chồng đi lại rất thoải mái giữa chốn đông người.
Khi hỏi ra mới biết đây là những phụ nữ đến từ một số quốc gia Hồi giáo hà khắc khác. Nhưng khi đến đây, họ hầu như không bị kỳ thị khi ra đường buộc phải trùm kín đầu với nhiều mức độ khác nhau: kiểu hijab - trùm kín đầu, chừa khuôn mặt, kiểu niqab - trùm kín từ đầu đến chân, chỉ chừa đôi mắt, hay theo kiểu burqa - trùm kín toàn bộ, không thể nhìn thấy bất cứ phần thân thể nào của họ.
2 Malaysia là vậy, đất nước pha trộn truyền thống và hiện đại. Chẳng thế mà quốc gia này có hai điều thế giới phải biết đến là tòa tháp đôi chọc trời Petronas Tower và đường đua xe F1.
Raymon, một cựu tiếp viên hàng không và hiện làm Trợ lý giám đốc cho Công ty Du lịch Columbia, rất giỏi tiếng Việt, năm nay đã 40 tuổi, là người Malaysia gốc Hoa, có thể nói được những tiếng lóng rất độc, kiểu “biết chết liền”, “hên xui”... Rất dí dỏm, anh chàng đố tôi: “Theo bạn, người Malaysia giàu hay nghèo?”. Nhận được cái lắc đầu, Raymon trả lời như kiểu đã chờ sẵn: “Người Malaysia vừa giàu vừa nghèo”.
![]() |
Xe ôtô proton trên đường phố Kuala Lumpur |
Một điều dễ nhận thấy nhất ở Malaysia là tràn ngập ô tô. Điều này một phần nhờ hệ thống giao thông từ đường cao tốc cho đến nội ô được đầu tư rất tốt, quan trọng là người mua xe ô tô ở Malaysia được ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 90% giá trị chiếc xe với lãi suất chỉ khoảng 2 - 3%/năm.
Raymon còn cho biết một thông tin rất vui là gần 80% chỗ dành cho đậu xe ô tô ở Malaysia được miễn phí. Thậm chí có chủ xe còn để xe của mình tại một nơi gần một tháng, khi quay lại xe vẫn không hề hấn gì.
Thêm vào đó là giá xăng tại Malaysia khá rẻ và ổn định, quy ra tiền Việt khoảng 14.000 đồng/lít. Thế nên, một gia đình có từ 2-4 chiếc xe ở Malaysia là chuyện bình thường.
Chuyện xe là thế, chuyện nhà ở Malaysia lại càng... sốc. Từ sân bay KUL về đến thủ đô Kuala Lumpur (chừng 50km), dọc hai bên đường cao tốc, rất nhiều khu nhà ở dân cư tươi mới mọc lên, xen kẽ là một vài tòa chung cư.
Raymon cho biết, đa phần người dân không ở trong thủ đô Kuala Lumpur, mà chuyển ra ngoài mua nhà hoặc chung cư cách đó khoảng 25-30km. Và cái giá chi trả cho chốn an cư rẻ đến bất ngờ.
Thường thì nhà bên Malaysia đều được xây sẵn. Một căn nhà diện tích sàn khoảng 200m2, một trệt hai lầu, giá chỉ khoảng 100 ngàn USD.
Người mua được trả góp tới 95% giá trị căn nhà với lãi suất tương đương lãi suất mua ô tô, tức khoảng 2-4%/năm.
Một thông tin khá ngạc nhiên là trong số người nước ngoài đến mua nhà ở Malaysia có khá đông người Việt Nam. Ngoài mức giá vừa phải, người nước ngoài còn được quyền sở hữu tài sản bất động sản, được cấp visa ưu tiên, miễn thuế mua một chiếc ô tô.
3 Năm 2008, Raymon lần đầu tiên đến TP.HCM. Anh chàng từng đi đến hầu hết các quốc gia trên thế giới có mở đường bay đã phải sửng sốt khi tận mắt chứng kiến một chiếc Rolls Royce Phantom Limousine giữa đường phố chật hẹp.
![]() |
Hùng vĩ tháp đôi Petronas Tower |
Bởi tại Malaysia, Raymon chưa bao giờ thấy một chiếc xe loại này. Thế nên anh chàng cựu tiếp viên hàng không kết luận: chưa chắc người Malaysia đã giàu hơn người Việt Nam.
Nhận định của Raymon tưởng như đùa, nhưng thật ra cũng có lý. Gần 80% xe ô tô lưu hành ở Malaysia là xe sản xuất nội địa mang nhãn hiệu Proton.
Tính ra tiền Việt, trung bình giá bán của một chiếc tương đương 600 triệu đồng, không quá cao so với thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD/năm. Còn nếu người dân mua xe nhập khẩu, thuế áp dụng cho mặt hàng này rất cao, gần 300%.
Tại thủ đô Kuala Lumpur, ngoài tòa tháp đôi Petronas còn rất nhiều trung tâm thương mại khác hầu như luôn đông nghẹt khách. Ngoài khách hàng nước ngoài, sức mua từ khách hàng nội địa rất cao, bởi thẻ ghi nợ nơi đây rất phổ biến.
Chỉ cần người tiêu dùng có nhu cầu, nhân viên ngân hàng sẽ đến tận nơi để làm thẻ thanh toán cho khách. Do đó, mỗi người dân Malaysia sở hữu 3-4 thẻ thanh toán là chuyện bình thường.
Nhiệt tình là vậy, nhưng mức chi tiêu qua thẻ của người dân cũng rất cân nhắc nhờ những quy định rất hợp lý từ chính phủ. Nếu lãi suất dành cho mua nhà và xe (chỉ dành cho mua xe trong nước) rẻ, thì lãi suất của credit card rất cao, lên tới 18%/năm.
Chưa kể phí dịch vụ duy trì cho một thẻ khách hàng phải trả khoảng 11 triệu đồng/năm. Và mới đây nhất, Chính phủ Malaysia vừa đưa ra quy định mỗi người dân Malaysia chỉ được sở hữu tối đa 3 thẻ thanh toán để đề phòng tình trạng dân mình “vung tay quá trán”.
Malaysia là nước có đông tỷ phú nhất Đông Nam Á với 9 người được xếp vào danh sách 1.011 người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Đứng đầu danh sách tỷ phú ở Malaysia là nhà tài phiệt Robert Kuok, 86 tuổi, với tổng trị giá tài sản 14,5 tỷ USD và ông cũng được xếp hạng thứ 33 những người giàu có nhất thế giới.
![]() |
Cao nguyên Genting |
Còn theo một cuộc điều tra thăm dò của Công ty tài chính quốc tế Credit Suisse Group vừa được công bố cuối tuần qua, con số triệu phú của Malaysia đã tăng gần gấp đôi trong 18 tháng qua. Điều này có nghĩa là Malaysia đã có thêm 19.000 triệu phú mới kể từ đầu năm 2010 tới nay, nâng tổng số triệu phú của nước này lên 39.000.
Vì thế, câu hỏi của Lee Hee Kyn quả là khó hiểu và chiếc xe Rolls Royce Phantom Limousine ở một nước nghèo như Việt Nam mà không thấy xuất hiện ở đường phố Kuala Lumpur thật sự là “chuyện lạ”.
Để góp phần giải thích cho những “chuyện lạ” này, Raymon lại kể một câu chuyện khác về tỷ phú Tan Sri Lim Gok Tong người đã xây dựng nên khu du lịch cao nguyên Genting nổi tiếng từ một cao nguyên khô cằn.
Trong cuốn tự truyện của ông, tỷ phú này có viết: “Tôi không có bài học to tát nào của một doanh nhân để dạy cho thế giới. Tôi chỉ cảm thấy là tôi phải có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm của một người dân Malaysia mà thôi!”. Có lẽ vì thế tỷ phú này đã không khoe khoang chiếc Rolls Royce Phantom mà chọn đi chiếc xe nội địa Proton “cũng vì trách nhiệm công dân”.
Viết lời giới thiệu cho cuốn tự truyện trên, nguyên Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ghi những lời trân trọng: “Sự khéo léo, chuyên chú vào một mục đích và lòng gan dạ đã giúp Tan Sri Lim dũng cảm vượt qua những thách đố. Đức khiêm tốn của ông cũng là căn nguyên để trở thành một con người có tri thức lớn...”.
Đoạn cuối lời giới thiệu còn có đoạn đại ý: Nếu mọi công dân Malaysia ai cũng mạnh dạn, sáng tạo và khiêm nhường như Tan Sri Lim, thì đất nước sẽ giàu lên nhanh chóng không thua bất cứ nơi nào...
Và trở lại câu hỏi của Lee Hee Kyn, dường như chính ông đã có câu trả lời từ lâu...