Trong những dãy nhà trọ ở một con hẻm lớn, muôn vàn câu chuyện của những người sống nơi đây khiến người nghe phải suy ngẫm về một đáp số chung nào đó.
Nga ở chung với một phụ nữ khác trong căn phòng chưa đầy 20 mét vuông ở khu vực gần chợ Bà Chiểu. Cô từ quê lên TP.HCM tìm việc và được nhận vào làm nhân viên kinh doanh ở một hãng sữa với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do phải trả tiền thuê nhà và trang trải những sinh hoạt phí đắt đỏ khi sống ở một thành phố lớn nên số tiền cô tiết kiệm được không nhiều. Nga đã có gia đình và một đứa con gái.
Chồng cô làm việc ở quê và chăm sóc con. Hai vợ chồng đã lên đủ kiểu kế hoạch để "đoàn tụ” ở quê nhà hoặc cùng chuyển lên thành phố, nhưng kế hoạch nào cũng thấy khó thực hiện. Nếu lên thành phố sống, họ không có khả năng mua nhà và tìm việc làm tốt cho người chồng, cuộc sống sẽ rất bấp bênh, nên chồng Nga không đồng ý lên phố "ăn bám" vợ.
Nga cũng từng có ý định trở về quê sống, cô có thể tìm được việc làm, nhà cửa, vườn tược đã có sẵn, cuộc sống tưởng ổn định nhưng thật ra không phải vậy. Cô cảm thấy bức bối trước sự tĩnh lặng ở một thị trấn nhỏ, kiếm tiền khó khăn, không đầy đủ dịch vụ phục vụ con người như cuộc sống nơi thành thị. Mười năm sống ở thành phố, bây giờ dường như cô không còn thích hợp với nếp sống ở nông thôn nữa. Có vẻ như cô cảm thấy bị "mắc kẹt" nơi đô thị nhưng thực ra là cô bối rối vì không còn muốn trở về quê nhà.
Rất nhiều thanh niên ngấp nghé tuổi ba mươi chưa lập gia đình sau một thời gian dài rời nông thôn lên thành phố lập nghiệp. Hầu hết đều có một mẫu số chung: kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống riêng, có thể giúp đỡ phần nào cho gia đình ở quê, nhưng vẫn ở nhà thuê và chưa lập gia đình.
Nhiều người trong số họ thấy sợ khi nhìn vào bức tranh gia đình của những người rời quê lên phố, họ sống nheo nhóc trong các khu nhà trọ công nhân, khó khăn từ chuyện học hành của con cái, tìm việc cho vợ đến tương lai mù mịt khi không có mảnh đất cắm dùi nơi thành phố bất cứ lúc nào cũng có thể dấy lên cơn sốt đất đai. Đó là lý do ngăn cản họ tìm kiếm người phù hợp để kết hôn.
Có người may mắn học hành thành đạt lại mong muốn lập gia đình với người thành phố để có chút điều kiện về kinh tế thì cuộc sống mới ổn. Tuy nhiên, điều đó cũng không dễ thực hiện khi thanh niên nông thôn lên phố khó cạnh tranh về học vấn, nghề nghiệp, nhà cửa với những thanh niên gốc thành phố.
Và mặc dù còn bề bộn khó khăn, nhưng giống như những người nhập cư khác, họ không còn muốn trở về quê nhà, nơi họ không tìm thấy những điều làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc, họ chấp nhận "kẹt lại" ở đô thị dù vẫn biết tương lai rất mù mịt.
Mắc kẹt ở đô thị là một hình thái sống mà không có điều kiện để cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình. Trường hợp của chị Nga nói trên dù có thu nhập tốt nhưng không đủ để kéo cả gia đình lên phố và phải chấp nhận tình trạng "một kiểng hai quê” như vậy. Những người đàn ông ly hương để lại vợ con ở nông thôn còn nhiều hơn. Và một lực lượng lao động trẻ quyết định trì hoãn việc lập gia đình khi còn "mắc kẹt" nơi đô thị cũng là vấn đề ảnh hưởng đến tỷ suất sinh đẻ và phát triển dân số cả nước.
Còn nhớ nhà thiết kế Sỹ Hoàng năm xưa từng mô tả đoàn người gồng gánh kéo nhau về đô thị, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, góp phần biến thành phố thành đại đô thị trên mười triệu dân với nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống thấp, nhưng rồi mơ ước một ngày giàu có sẽ trở về gầy dựng lại nông thôn vẫn cứ xa vời và họ vẫn thương nhớ khôn nguôi mảnh vườn xưa. Thế nên ở thành phố người ta phải làm những quán cà phê nhà vườn để chữa bệnh "thương nhớ đồng quê” cho người thành thị là vậy.