Lung lay "thế chân vạc"

HỒNG NGA| 11/07/2012 00:16

Rắc rối về việc Trung Nguyên “nhanh nhảu” công bố khảo sát mà AC Nielsen cho rằng “chưa chính thức” chỉ cho thấy thêm sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường cà phê hiện nay.

Lung lay

Rắc rối về việc Trung Nguyên “nhanh nhảu” công bố khảo sát mà AC Nielsen cho rằng “chưa chính thức” chỉ cho thấy thêm sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường cà phê hiện nay.

Đọc E-paper

>>Trung Nguyên "cải chính" vị thế số 1 của cafe G7

Biểu đồ thị phần Trung Nguyên dẫn số liệu từ AC Nielsen

Chia ba rồi lại chia tư



Tuần trước, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức họp báo nhằm công bố số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty AC Nielsen và Kantar Worldpanel. Trong họp báo này, Trung Nguyên có dẫn kết quả về việc “trong năm 2011, sản phẩm cà phê hòa tan G7 đã dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan 3in1 Việt Nam về thị phần (38%)”.

Cũng trong thông cáo, Trung Nguyên trích số liệu của Nielsen để khẳng định thị phần G7 tiếp tục tăng lên trên thị trường cà phê hòa tan. Theo đó, trong quý I/2012, G7 dẫn đầu về thị phần (40%) và sản lượng (35%) của ngành cà phê hòa tan.

Tuy nhiên, rất bất ngờ là cùng ngày, Nielsen qua phương tiện truyền thông phát đi thông báo chưa từng cung cấp văn bản xác nhận nào để chứng thực cho công bố của Trung Nguyên.

Dù tranh cãi còn chưa rõ ràng nhưng cũng cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường cà phê hiện nay. Các công ty tranh thủ mọi thông tin và cơ hội thị trường để giành từng chút thị phần.

Nhiều kết quả khảo sát cho thấy, G7, Nescafé và Vinacafé đang chiếm hầu hết thị trường cà phê hòa tan Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này luôn ở thế cạnh tranh khốc liệt và số liệu về thị phần thay đổi liên tục.

Cụ thể, theo thông tin mà Trung Nguyên công bố trong cuộc họp báo trên thì năm 2011: sản phẩm cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan Việt Nam với 38% thị phần; đứng thứ nhì là Vinacafé của Công ty CP Cà phê Biên Hòa với 31% thị phần; Nescafé của Tập đoàn Nestlé đứng vị trí thứ 3 với 27%; cà phê dành cho phái nữ Passiona ra đời cách đây hơn 1 năm cũng đã chiếm 1% thị trường; 1% thị phần còn lại của thị trường chia đều cho hơn 900 nhãn hiệu cà phê khác.

Trong quý I/2012, cà phê hòa tan G7 tăng thêm 2% thị phần để giữ vững vị trí dẫn đầu với 40%; Nescafé vươn lên vị trí thứ 2 với 31% thị phần; còn Vinacafé giảm xuống còn 26%.

Để có thêm 2% thị phần, Trung Nguyên đã tích cực tung ra sản phẩm mới, tăng cường bán hàng về chợ truyền thống, phát triển hệ thống nhà máy với dây chuyền hiện đại nhất... Trong khi đó, tận dụng thời điểm Cà phê Biên Hòa đang bận rộn sáp nhập cùng Masan, Nestlé đẩy mạnh chiến dịch bán hàng, tăng cường chiến khấu... và đã giành thêm 4% thị phần.

Ở một diễn biến khác, nhà máy của Công ty TNHH Café Ngon với công suất 10.000 tấn/năm (100% vốn Ấn Độ, khởi công xây dựng từ tháng 9/2010 với vốn đầu tư 18 triệu USD) cũng vừa được Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới rót thêm 18 triệu USD.

Đại diện Công ty này cho biết sẽ dùng khoản tiền này để đầu tư vào thiết bị và công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm cà phê với chất lượng tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới công ty này sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn II với số vốn 50 triệu USD.

Trước đó, vào cuối năm 2011, Nestlé cũng đã công bố xây nhà máy sản xuất cà phê với vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD tại Đồng Nai. Dự kiến, những sản phẩm cà phê của nhà máy này sẽ ra mắt người tiêu dùng trong năm 2013.

Nỗi lo Starbucks

Ở thị trường cà phê chế biến, cuộc cạnh tranh báo hiệu những thay đổi lớn khi xuất hiện các thương hiệu hàng đầu thế giới. Giữa năm 2011, Jollibee Foods, tập đoàn cung cấp các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Philippines, đã mua lại 49% cổ phần của Việt Thái, doanh nghiệp sở hữu hơn 60 quán cà phê Highlands Coffee trên toàn quốc và nhà hàng 5 sao 1911 tại Hà Nội.

Thông tin dồn dập về việc Starbucks đang ráo riết chuẩn bị để vào Việt Nam trong đầu năm 2013 càng khiến các doanh nghiệp trong nước lo lắng. Hiện tại, Starbucks đã tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu và lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đại diện của Starbucks cũng đã thông tin về chiến lược nhắm vào những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam...

Hiện Starbucks có đến 11.000 cửa hàng ở Mỹ và Canada; 6.000 cửa hàng khác nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới với doanh thu đạt 24 tỷ USD. Nhiều thông tin cho biết, TP.HCM và Hà Nội sẽ là đích ngắm của thương hiệu khổng lồ này trong năm 2013.

Trước áp lực này, doanh nghiệp có thị phần cà phê hòa tan đứng đầu thị trường đang tìm cách hạn chế rủi ro bằng nhiều cách. Trung Nguyên có 1.000 quán cà phê lớn nhỏ trên toàn quốc, nhưng những quán đầu tư theo đúng tiêu chuẩn Trung Nguyên chỉ đạt con số 42.

Vì vậy, hiện tại, Công ty này đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới quán cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên. Mới đây nhất, Trung Nguyên đã trình Chính phủ dự án “Cụm cà phê quốc gia” tại Đắk Lắk với mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu của cà phê lên 20 tỷ USD, gấp 10 lần giá trị hiện nay.

Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng đã khánh thành nhà máy cà phê hòa tan thứ hai tại Bắc Giang và là nhà máy thứ 5 với số vốn đầu tư hơn 30 triệu USD. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, cho biết, bên cạnh nhà máy mới ở Bắc Giang, Công ty đang tăng công suất của nhà máy mua lại từ Vinamilk lên thêm 30%.

3kg/năm

Những nghiên cứu của Katar Worldpanel cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng cà phê Trung Nguyên là những người “sành” cà phê và tiêu thụ lượng càphê nhiều nhất trên thị trường Việt Nam, với tỷ lệ đa số mua gần 3kg cà phê/năm/người và uống sáu lần/tuần, cao hơn mức tiêu thụ trung bình là 2,6kg cà phê/năm/người và uống năm lần/tuần.

Với Trung Nguyên, nhà máy cà phê hòa tan thứ hai tại Bắc Giang một mặt đáp ứng nhu cầu gia tăng sử dụng sản phẩm cà phê G7 của Trung Nguyên tại miền Bắc, mặt khác đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên sang Trung Quốc là 50 triệu USD, nhưng ông Vũ cũng không giấu mục tiêu thu về 1 tỷ USD từ thị trường này đến năm 2014.

Cũng như Trung Nguyên, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa bán 50% cổ phần cho Tập đoàn Masan cũng nhằm tận dụng lợi thế về hệ thống phân phối sẵn có của Masan để phát triển.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2012 của Vinacafé trong tháng 4, ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinacafé Biên Hòa cho biết, với sự tham gia và hỗ trợ lớn của Masan, HĐQT đặt mục tiêu sẽ đưa Vinacafé Biên Hòa thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với 80% thị phần cà phê hòa tan và 51% thị phần cà phê rang xay trong năm 2016. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ triển khai chuỗi quán Vinacafé nhằm quảng bá thương hiệu và kinh doanh có lãi từ mô hình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lung lay "thế chân vạc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO