Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group |
- Em chọn được bạn này khá tốt cho vị trí kế toán trưởng anh Minh ạ, anh xem hồ sơ nhé.
Hoàng Anh là Giám đốc nhân sự đưa cho Tổng giám đốc Minh tập hồ sơ, rồi nói tiếp:
- Ngày mai anh không có cuộc hẹn nào, vậy anh giúp em phỏng vấn nhé?
- Ừ, anh sẽ phỏng vấn, để hồ sơ trên bàn giúp anh, Minh trả lời.
Minh về làm Tổng giám đốc Công ty KPhucsinh được hai năm, tiếp tục gầy dựng công ty và đội ngũ nhân sự. Hai năm qua, vì đại dịch nên khá căng thẳng để có doanh thu. Phòng kế toán ít người giờ mới có ngân sách tuyển kế toán trưởng.
- Anh Minh ơi, bạn ứng viên tới rồi, đang ngồi ở phòng họp, trợ lý văn phòng nhắn tin.
- Anh xuống ngay đây.
- Chào Thắng! Anh là Minh, Tổng giám đốc.
- Chào anh Minh, em rất vui được gặp anh.
Cuộc nói chuyện khá lâu, bắt đầu vòng vo xã giao một chút rồi vào nội dung chính. Trước khi nghỉ việc, Thắng làm cho một công ty sản xuất giày 10 năm, công ty chủ yếu làm hàng handmade.
- Em về công ty giày từ lúc mới thành lập, lúc đó em còn trẻ và nhiều nhiệt huyết, Thắng chia sẻ.
Minh nói:
- Giờ em vẫn trẻ đấy thôi!
- Vâng anh. Em vẫn trẻ và vẫn nhiệt huyết, Thắng cười khi trả lời. Bác chủ bên em kiêm tổng giám đốc, làm việc rất chăm chỉ. Lúc đầu, sản phẩm của công ty chủ yếu bán cho thị trường nội địa. Nhờ dịch vụ tốt nên nhiều người mua và hàng bán được. Sau đó, vài doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đặt quan hệ làm ăn.
- Thế công ty của em có mấy xưởng sản xuất?
- Lúc đầu có một, rồi phát triển thêm và giờ có ba nhà máy anh ạ. Công ty nước ngoài tìm đến đặt hàng ngày càng đông, nhưng chủ yếu gia công cho họ.
- Thế có nhiều lợi nhuận không?
- Vì gia công nên lợi nhuận khiêm tốn lắm anh, lấy công làm lãi. Vì đồ handmade nên nhân công nhiều, chi phí lớn cho nên lợi nhuận không xứng với công sức bỏ ra. Đại dịch Covid-19 xảy ra, bên em chống chọi vất vả. Anh nhìn mà xem, châu Âu họ đóng cửa shopping mall và giày handmade có mấy người dùng đâu. Mà bên em chủ yếu bán hàng cho châu Âu. Nhưng giờ là hai năm rồi, công ty không chịu nổi nữa, em làm kế toán trưởng ở đó 10 năm, thấy thương chủ nên tìm việc mới.
- Công ty em từng có thị trường nội địa và như em cho biết, hàng bán được, Minh nói mà như hỏi.
- Dạ, lúc đó thấy gia công xuất khẩu thu tiền một món, lại nhanh, thế là cắt mảng nội địa luôn. Vì mảng nội địa khó quản lý và thu tiền lẻ anh ạ.
- Vậy à? Cho anh hỏi nhé, những lúc phát triển sao bên em không đi tìm khách hàng cuối cùng ấy? Hàng handmade là phải có khách hàng trực tiếp giá mới cao, mới xứng đáng làm. Chứ gia công thì họ chỉ cho lời có vài xu Mỹ một đôi giày. Anh nói thế có đúng không?
- Dạ, đúng.
- Anh không nói là gia công không tốt, tuy nhiên thay vì gia công 100% thì mình dành 50% năng lực ấy tìm khách mới và đặc biệt làm thương mại điện tử. Nghĩa là bán hàng online, bán giày online.
- Anh biết không, bác chủ lúc khởi nghiệp đã gần 55 tuổi và giờ là 65 tuổi rồi. Mệt rồi anh.
- Thế ở đó có nhiều công nhân và nhân viên không em?
- Bên em trên 500 người.
- Vậy là lớn chứ có nhỏ đâu. Vậy 500 người bây giờ làm gì?
- Họ cũng đi tìm việc như em. Covid-19 kinh khủng lắm anh ạ, khách hàng còn nợ bên em đấy. Họ cũng gặp khó khăn và có người phá sản.
- Anh nghĩ nếu bên em vẫn duy trì thị trường trong nước, cố tìm khách hàng trực tiếp, không phải gia công quá nhiều và triển khai bán online thì có lẽ giờ vẫn trụ được.
- Gia công là chiến lược kinh doanh của bác chủ. Với lại họ ít tin người ngoài lắm anh ạ.
- Các công ty gia đình thường tư duy như vậy. Anh nghĩ nếu anh là chủ hay tổng giám đốc thì sẽ có các bước như sau và anh nghĩ có lẽ chỉ nhìn vào trường hợp công ty giày bên em cũng cho anh trải nghiệm và người khác nghe được thì cũng giúp người ta thay đổi. Thứ nhất là thay vì làm 100 OEM thì cố gắng 50% và 50% còn lại thì tìm khách hàng trực tiếp. Thứ hai là gầy dựng thương mại điện tử vì nó là xu hướng. Thứ ba là không được bỏ thị trường nội địa. Thị trường nội địa luôn cứu mình lúc khó khăn. Nếu mình chuẩn bị như vậy thì khó thị trường này đã có thị trường khác hỗ trợ và cùng lúc chạy ba thị trường thì nguy cơ đóng cửa sẽ rất thấp.
Thay vì phỏng vấn tìm nhân sự, Tổng giám đốc Công ty Kphucsinh lại trao đổi tình hình thị trường kinh doanh khi bị tác động của đại dịch. Trong kinh doanh có bao nhiêu chữ "nếu". Tuy nhiên, doanh nghiệp lựa chọn và "giải mã” đúng tình huống "nếu..." đã lường trước thì khó mà thất bại, nếu không muốn nói sẽ thành công.