Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về ngành logistics (tháng 1-2014), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có chỉ số phát triển logistics khá ấn tượng trong năm qua, giữ vị trí thứ 53 trên 153 nước được khảo sát về chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI).
Thị trường logistics Việt Nam cũng được đánh giá phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ gia tăng xuất nhập khẩu khi chúng ta gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, theo đánh giá tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2014 do Hiệp hội Chuỗi cung ứng Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM vào cuối tháng 3 vừa qua thì chi phí logistics Việt Nam lại chiếm đến 20 – 25% GDP cả nước. Chúng ta hay nói đến các nguyên nhân gia tăng chi phí logistics như: hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng còn manh mún, chưa đồng bộ, dịch vụ của ngành vận tải đường bộ còn dưới chuẩn khi so với các nước trong khu vực, cụm cảng nước sâu chưa được sử dụng hết công suất, pháp luật về logistics phức tạp và khó hiểu… nhưng nguyên nhân dễ thấy hơn cả là nạn tham nhũng dẫn đến việc thổi phồng chi phí.
Nhiều doanh nghiệp tại buổi hội thảo cho biết không khó để nhận ra nạn “phong bì bôi trơn” trong các thủ tục thông quan.Ước tính các khoản bồi dưỡng cho một container hàng chiếm từ 10 – 15% tổng chi phí ban đầu. Từ đó, chi phí “bôi trơn” cho hàng nhập khẩu năm 2012 là 134,6 triệu USD và năm 2015 là 168 triệu, còn “bôi trơn” cho hàng xuất khẩu năm 2012 là 126,2 triệu USD và năm 2015 là 159,9 triệu USD. Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi việc kéo dài thời gian gây chậm trễ các lô hàng. Ước tính hằng năm, các công ty vận tải biển tiêu tốn thêm 100 triệu USD do thủ tục thông quan chậm trễ.
Một trong những bước phát triển ngành logistics trên cả nước là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa thực sự thu hút bởi thị trường logistics nước ta vì e ngại nạn tham những. Theo thông tin từ cuộc khảo sát do Công ty Kiểm toán Grant Thornton Việt Nam thực hiện trong năm 2013, 88% doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam cho rằng yếu tố tham nhũng là rào cản quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, 76% cho rằng vấn đề quan liêu, thủ tục hành chính rườm rà là mối quan ngại thứ hai trong đầu tư.
Cách đây hơn bốn năm, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện hệ thống hải quan điện tử tại các cục hải quan tỉnh, thành phố. Theo đó, tối thiểu 70% Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải được áp dụng hình thức này, đồng thời, phải giảm thời gian kiểm tra hàng hóa khoảng 1,5 lần. Nhưng cho đến nay, việc áp dụng công nghệ thông tin chỉ mới là thí điểm, mô phỏng lại quy trình thủ công. Cán bộ hải quan vẫn xử lý công việc dựa vào các mẫu biểu giấy là chủ yếu.Thủ tục hải quan trên cả nước vẫn còn chậm chạp và tạo nhiều lỗ hổng cho tiêu cực.
Vì thế, chuyện thiết lập những quy định minh bạch đối với quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, cùng với các khoản chi phí liên quan và tăng hiệu quả trong công tác giám sát nhằm phát hiện hành vi bất hợp pháp và xử phạt nghiêm theo quy định là chuyện doanh nghiệp trong ngành này hết sức mong muốn. Quan trọng hơn nữa là việc đầu tư mạnh về hải quan trực tuyến để tránh bớt chuyện giấy tờ, kiểm tra hàng hóa trực tiếp, chậm trễ quy trình…