Lộ trình để doanh nghiệp mở cửa trở lại

Phan Nhung| 03/09/2021 07:39

Hơn 3 tháng thực hiện giãn cách với nhiều biện pháp khác nhau từ đợt dịch lần thứ 4, các doanh nghiệp (DN) đang rất nóng lòng mở cửa trở lại để có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia, cần phải có lộ trình để DN mở cửa trở lại, thà “chậm mà chắc”.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tối 1/9, các lãnh đạo, chuyên gia và các DN đã bàn luận rất sôi nổi về vấn đề mở cửa DN và các biện pháp mà DN nên áp dụng sau ngày 15/9.

Nhiều giả thuyết được đưa ra, từ việc TP.HCM có thể khống chế dịch và DN cần làm những gì để mở cửa trở lại, đến việc nếu tình hình dịch vẫn chưa ổn thì DN nên xử trí ra sao...

Cần dữ liệu về việc tiêm phòng vaccine và mức độ an toàn của từng địa bàn

Ý kiến chung của nhiều lãnh đạo đến từ các diễn giả tham gia toạ đàm là mong muốn có được dữ liệu về việc tiêm phòng vaccine và mức độ an toàn của từng địa bàn (xanh, vàng, cam, đỏ) để DN không bị động theo kiểu “dịch tới đâu ứng biến tới đó” như hiện nay. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đưa ra ý kiến: “Để trả lời câu hỏi “sẽ làm gì sau ngày 15/9” thì HAWA đã thảo luận với nhiều chuyên gia và DN về việc thực hiện mô hình “4 xanh”. Tuy nhiên, hiện nay có một số DN đang vướng có F0 nên chúng tôi mong chờ vaccine và cần có dữ liệu công khai về việc tiêm phòng để có thể đưa ra những phương án phù hợp”.

2021020306-1244-1630567393.jpg

Cần có dữ liệu về việc tiêm phòng vaccine và vùng xanh, vàng, cam, đỏ để các DN có thể hoạch định lộ trình an toàn. Ảnh: VNPT

Ông Phương cho biết HAWA đã tiến hành khảo sát 3 lần, kết quả cho thấy nhiều DN mong muốn vaccine + 3T hoặc “4 xanh”. Ngoài số DN đang thực hiện 3T, một số DN đang sử dụng hình thức luân phiên lao động, ví dụ như ở Long An, các DN chia việc sản xuất làm 3 giai đoạn với những mức độ nguy hiểm về dịch bệnh khác nhau và tự họ kiểm soát rất tốt mà không thụ động phụ thuộc vào Nhà nước. 

Còn ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM bày tỏ: “Theo tôi, để DN có thể  sản xuất kinh doanh (SXKD) an toàn thì người lao động phải an toàn, mà muốn như vậy thì phải phủ sóng vaccine nhanh cho DN, đồng thời nhanh chóng lập bản đồ các vùng xanh, vàng, cam, đỏ để các địa phương có thể kiểm soát theo kế hoạch 2715 của TP.HCM và thực hiện “4 xanh”. 

“Sau ngày 15/9, TP nên trao quyền chủ động cho DN tổ chức SXKD an toàn, áp dụng phương pháp “hậu kiểm” thay vì “tiền kiểm” để các DN tự chủ trong các phương pháp phòng, chống dịch thì sẽ đạt được kết quả cao hơn” - ông Thi kiến nghị.

Chu-p-web-2-9-2021-14737-congl-7338-2110

Một vài DN đã thực hiện thí điểm "4 xanh": Người lao động xanh, vùng sản xuất xanh, cung đường xanh và nơi ở xanh. Ảnh: Công Luận

Đồng tình với ông Thi, ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT công ty Công nghệ HPT nói: “Tôi cũng mong muốn DN của mình được trao quyền tự chủ trong việc phòng, chống dịch, không phải đợi đến khi chính quyền can thiệp rồi mới sửa đổi hoặc hoạt động một cách thụ động, như vậy thì DN mới có thể linh động trong SXKD”.

Còn ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM nhận định: “Đứng trên bình diện chung, DN rất khó có thể lo cho công nhân ăn ngủ tại chỗ một cách đầy đủ và lâu dài. Mặc dù chúng tôi thực hiện 3T luân phiên bằng những nhóm khác nhau nhưng một số bộ phận vẫn có F0 phải cho họ nghỉ về điều trị. Sau này, kiểm soát chặt chẽ hơn, chúng tôi lại chia ra: khi quay trở lại công ty, những công nhân nào ở trong vùng đỏ thì sẽ mang thẻ đỏ, công nhân nào ở vùng xanh thì mang thẻ xanh. Vì thế, chúng tôi rất cần TP cung cấp hệ thống dữ liệu về các vùng xanh, đỏ, cam, vàng”.

Các bước cần thiết để "mở cửa từ từ"

Bàn luận về vấn đề mở cửa nền kinh tế và đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đã đề xuất quy trình cụ thể, có các bước “chậm mà chắc”. Cụ thể các bước đó là:  

1.Phải nới lỏng từng khu vực của TP, không thể mở cửa một lúc cả TP, đồng thời xác định rõ vùng xanh, đỏ, cam, vàng để nới lỏng vùng xanh và giãn cách nghiêm vùng đỏ. Trước tiên, cần nới lỏng cho các shipper  và ngành vận chuyển để phục vụ cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân. 

2.Cho người dân được phép di chuyển, buôn bán trở lại với những điều kiện kèm theo, tuyệt đối không được hoạt động ồ ạt cùng lúc.

3.Cho phép phương tiện công cộng hoạt động một cách chọn lọc. 

4.Phân loại DN: những DN nào bảo đảm an toàn, an ninh cho người lao động thì ưu tiên cho họ mở cửa một phần, sau đó từ từ mở hết. Những DN đang thực hiện tốt 3T nên tiếp tục duy trì một thời gian.  

DN nào tạo ra việc làm cho nhiều lao động và có tầm quan trọng đối với nền kinh tế của TP.HCM thì hỗ trợ cho họ mở cửa trước.

5.Xem xét mức độ đóng góp cho nền kinh tế của các DN hoạt động trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, lĩnh vực nào quan trọng nhất để mở của trước và lĩnh vực nào mở cửa dần dần, tuyệt đối không mở cửa đại trà. 

6.Xem xét mở cửa các ngành quan trọng và thiết yếu như ngân hàng, công ty tài chính và các dịch vụ vận chuyển, các ngành liên quan đến nông nghiệp, xuất nhập khẩu...

tphcm-2021-jpeg-6585-162331646-3584-6327

Cần xem xét những DN nào đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của TP để giúp họ mở cửa dần dần. Ảnh: Internet

Lộ trình kiến nghị:

Từ 1/9 đến 15/9: tăng cường xét nghiệm, kiểm soát chặt chẽ mức lây nhiễm và so sánh số ca tử vong tăng hay giảm...để làm tiền để cho việc mở cửa.

Sau 15/9 đến 1/10: tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh và xem xét để quyết định có thể nới lỏng giãn cách hay không.

Từ sau 1/10: bắt đầu mở cửa dần dần mọi hoạt động. 

“Cần có chính sách bơm tiền để hỗ trợ cho các DN, hỗ trợ an sinh cho người dân, không nên sợ lạm phát. Tất cả các ngân hàng nên tham gia vào chương trình “Tổ hợp tín dụng” để hỗ trợ người dân và DN” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. 

Sống chung với dịch có điều kiện kèm theo

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: "Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với Bộ GTVT để chạm tay tới mục tiêu mở cửa SXKD, bình ổn cuộc sống trở lại. Gần đây, Thủ tướng cũng đề cập “sống chung với dịch”, với điều kiện mỗi người dân đều phải có ý thức phòng chống dịch và các DN cũng cần có những biện pháp hoạt động an toàn”.

Ông Hải cũng nói thêm: Hiện tại TP.HCM đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và có thể đến ngày 6/9 tình hình này vẫn chưa thể chấm dứt. Cần phải chờ biện pháp của TP sau ngày 6/9.

“Tôi hy vọng các ban, ngành, DN cùng với người dân tích cực phòng, chống dịch để có thể mở cửa trở lại nền kinh tế, tuy nhiên chúng ta không nên quá vội mà phải “chậm mà chắc”, nhằm bảo vệ kết quả chống dịch của toàn TP từ trước đến nay” - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lộ trình để doanh nghiệp mở cửa trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO